ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Biểu tượng và cơ may của tuổi thọ

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Đại sảnh Phaolô VI
Thứ Tư, 2 tháng 3 năm 2022

____________________________

Loạt Bài Giáo lý Linh hứng trong Lời Chúa về ý nghĩa và giá trị của tuổi già.
Bài 2. Biểu tượng và cơ may của tuổi thọ

Anh chị em thân mến,
chào anh chị em buổi sáng!

Trong trình thuật của Kinh thánh về các gia phả, người ta lập tức có ấn tượng mạnh trước tuổi thọ lớn lao nơi chúng: chúng nói tới hàng thế kỷ! Chúng ta tự hỏi khi nào tuổi già bắt đầu ở đâu đây? Và đâu là ý nghĩa của sự kiện những vị tổ phụ xa xưa này sống rất lâu sau khi đã sinh ra nhiều con cái? Những người cha và con trai sống với nhau hàng thế kỷ! Khoảng thời gian hàng thế kỷ này, được kể lại theo phong cách nghi lễ, mang lại một ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ, rất mạnh mẽ cho mối quan hệ giữa tuổi thọ và gia phả.

Như thể sự lưu truyền sự sống của con người, rất mới trong vũ trụ tạo dựng, đòi hỏi một khai tâm chầm chậm và kéo dài. Mọi sự đều mới mẻ, ở buổi đầu lịch sử của một tạo vật vừa là tinh thần và sự sống, vừa là lương tâm và tự do, vừa nhạy cảm và có trách nhiệm. Cuộc sống mới – cuộc sống con người – chìm đắm trong sự căng thẳng giữa nguồn gốc của nó “giống hình ảnh và họa ảnh” của Thiên Chúa, và sự mong manh của thân phận tử sinh của họ, nói lên một điều mới lạ cần được khám phá. Và nó đòi hỏi một khoảng thời gian khai tâm lâu dài, trong đó sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các thế hệ là điều không thể thiếu để giải đoán các kinh nghiệm và đối đầu với các bí ẩn của cuộc sống. Trong thời gian lâu dài này, phẩm chất thiêng liêng của con người cũng từ từ được trau dồi.

Theo một nghĩa nào đó, mỗi kỷ nguyên trôi qua trong lịch sử loài người đều mang lại cảm giác này: cứ như thể chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu một cách bình tĩnh với những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, khi viễn ảnh thân phận con người xem ra đầy rẫy các kinh nghiệm mới, và cho đến nay, đều là các câu hỏi chưa được trả lời. Chắc chắn, sự tích lũy ký ức văn hóa làm tăng sự quen thuộc cần thiết để đối đầu với những cuộc vượt qua mới. Thời gian lưu truyền giảm đi, nhưng thời gian thẩm hóa luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn. Tốc độ thái quá, một điều hiện đang ám ảnh mọi giai đoạn của cuộc sống chúng ta, làm cho mọi kinh nghiệm trở nên hời hợt hơn và ít “bổ dưỡng” hơn. Những người trẻ tuổi là nạn nhân vô thức của sự phân chia này giữa thời gian trên đồng hồ, cần phải gấp gáp, và thời gian của cuộc sống, đòi hỏi một “việc lên men” thích hợp. Tuổi thọ cho phép trải qua những khoảng thời gian dài này và những thiệt hại của sự vội vàng.

Tuổi già chắc chắn buộc người ta phải có một tốc độ chậm hơn: nhưng đây không đơn giản chỉ là thời điểm của trì trệ. Thật vậy, nhịp điệu này mở ra cho mọi người những khoảng không gian đầy ý nghĩa của cuộc sống mà nỗi ám ảnh về tốc độ không bao giờ biết đến. Việc mất tiếp xúc với nhịp sống chậm hơn của tuổi già đã khép lại những khoảng không gian này đối với mọi người. Chính từ viễn ảnh này, tôi đã muốn thiết lập ngày lễ của ông bà, vào Chúa nhật cuối cùng của tháng Bảy. Sự liên minh giữa hai thế hệ cùng cực – trẻ em và người già – cũng giúp hai thế hệ khác – người trẻ và người lớn – gắn kết với nhau để làm cho sự hiện hữu của mọi người trở nên phong phú hơn trong tình người.

Cần có sự đối thoại giữa các thế hệ: nếu không có đối thoại giữa người trẻ và người già, nếu không có đối thoại thì mỗi thế hệ sẽ mãi bị cô lập và không thể truyền tải thông điệp được. Anh chị em hãy nghĩ xem: người trẻ nào không gắn bó với cội rễ của mình, tức là ông bà, thì không nhận được sức mạnh, giống như cây kia không nhận được sức mạnh của rễ, sẽ lớn lên còi cọc, lớn lên ốm yếu, lớn lên không có điểm qui chiếu. Vì vậy, cần phải tìm kiếm việc đối thoại giữa các thế hệ, như một nhu cầu của con người. Và cuộc đối thoại này là quan trọng giữa ông bà và các cháu, vốn là hai thái cực.

Chúng ta hãy tưởng tượng một thành phố trong đó sự sống chung của các tuổi đời khác nhau tạo nên một phần không thể thiếu trong quy hoạch tổng thể của môi trường sống. Chúng ta hãy nghĩ tới việc hình thành các mối liên hệ âu yếm giữa tuổi già và tuổi trẻ, một liên hệ sẽ tỏa sáng lên toàn diện phong cách của mọi mối liên hệ. Sự chồng chéo của các thế hệ sẽ trở thành nguồn năng lực cho một chủ nghĩa nhân bản thực sự hữu hình và đáng sống. Thành phố hiện đại có xu hướng thù địch với người già (và không phải ngẫu nhiên, cả với trẻ em). Xã hội này, một xã hội có tinh thần vứt bỏ này: nó vứt bỏ rất nhiều trẻ em không mong muốn và nó vứt bỏ người già. Nó gạt họ sang một bên – họ không có ích lợi gì – vào nhà dưỡng lão, bệnh viện, ở đó… Tốc độ thái quá đưa chúng ta vào máy ly tâm cuốn chúng ta đi như những hoa giấy. Người ta hoàn toàn mất tầm nhìn về bức tranh lớn hơn. Mỗi người giữ chặt miếng bánh của riêng mình, một miếng bánh trôi giạt theo dòng chảy của thị trường thành phố, mà đối với nó, tốc độ chậm hơn có nghĩa là thua lỗ vì tốc độ là tiền là bạc. Tốc độ thái quá đập cuộc sống tan tành thành bụi: nó không làm cho cuộc sống trở nên cố kết mạnh mẽ hơn. Và sự khôn ngoan… nó cần có sự lãng phí thời gian. Khi anh chị em trở về nhà và nhìn thấy con trai, con gái của anh chị em và anh chị em “lãng phí thời gian” với chúng, nhưng trong cuộc trò chuyện vốn có tính căn bản đối với xã hội, anh chị em “lãng phí thời gian” với con cái; và khi anh chị em trở về nhà và có ông hoặc bà có lẽ không còn minh mẫn nữa, tôi không biết, đã mất khả năng nói, và anh chị em ở lại với ông hoặc bà, anh chị em “lãng phí thời gian”, nhưng sự “lãng phí thời gian” này củng cố gia đình nhân loại. Cần phải dành thời gian, thời gian không sinh lợi, với con cái và người già, vì họ cho chúng ta một khả năng khác để nhìn cuộc sống.

Đại dịch, trong đó chúng ta vẫn buộc phải sống, đã – một cách rất đau đớn, thật không may – đặt để cả một cuộc chặn đứng đối với lòng sùng bái tốc độ trì độn. Và trong thời kỳ này, ông bà đã đóng vai trò như một rào cản đối với việc “mất nước” xúc cảm nơi người trẻ tuổi nhất. Liên minh hữu hình giữa các thế hệ, một liên minh hài hòa tốc độ và nhịp độ, tái lập niềm hy vọng không sống cuộc sống vô ích. Và nó khôi phục nơi mỗi chúng ta tình yêu đối với các cuộc sống dễ bị tổn thương, bằng cách chặn đứng con đường dẫn đến nỗi ám ảnh về tốc độ, một thứ vốn tiêu hao nó. Chữ quan trọng là đây – với mỗi người trong số anh chị em, tôi xin hỏi: anh chị em có biết cách lãng phí thời gian không, hay anh chị em luôn vội vàng? “Không, tôi đang vội, tôi không thể…”. Anh chị em có biết lãng phí thời gian với ông bà, với người già không? Anh chị em có biết dành thời gian chơi với con cái anh chị em, với trẻ em nói chung không? Đây là đá thử vàng. Anh chị em hãy suy nghĩ về điều đó. Và nó khôi phục nơi mỗi người tình yêu đối với cuộc sống dễ bị tổn thương của chúng ta, ngăn chặn con đường dẫn đến nỗi ám ảnh về tốc độ, một điều chỉ làm tiêu hao nó. Nhịp điệu của tuổi già là một nguồn lực không thể thiếu để hiểu được ý nghĩa của cuộc sống được đánh dấu bởi thời gian. Người già có nhịp điệu của họ, nhưng là những nhịp điệu giúp đỡ chúng ta. Nhờ sự trung gian này, đích đến của cuộc sống là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trở nên đáng tin cậy hơn: một thiết kế được ẩn giấu trong việc tạo dựng nên con người “giống hình ảnh và họa ảnh của Người” và được đóng ấn trong Con Thiên Chúa trở thành người.

Ngày nay có tuổi thọ cao hơn cho cuộc sống của con người. Điều này cho chúng ta cơ hội để gia tăng giao ước giữa mọi tuổi đời của cuộc sống. Người ta đã nói khá nhiều về tuổi thọ, nhưng chúng ta phải tạo ra nhiều liên minh hơn nữa. Và điều này cũng giúp chúng ta gia tăng cái hiểu về ý nghĩa cuộc sống trong tính toàn diện của nó. Ý nghĩa của cuộc sống không chỉ ở tuổi trưởng thành, chẳng hạn từ 25 đến 60 – không. Ý nghĩa của cuộc sống là tất cả những thứ tuổi đời đó, từ khi sinh ra đến khi chết đi, và anh chị em nên tương tác với mọi người, và cũng nên có những mối liên hệ tình cảm với mọi người, để sự trưởng thành của anh chị em ngày càng phong phú và mạnh mẽ hơn. Và nó cũng cung cấp cho chúng ta ý nghĩa này về cuộc sống, vốn là tất cả mọi sự. Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta trí hiểu và sức mạnh để thực hiện cuộc cải cách này: một cuộc cải cách đang hết sức cần thiết. Sự cao ngạo của thời gian đồng hồ phải được hoán chuyển trở thành vẻ đẹp của nhịp sống. Đây là cuộc cải cách mà chúng ta phải thực hiện trong tâm hồn, trong gia đình và xã hội. Tôi nhắc lại: chúng ta phải cải cách điều gì? Vẻ cao ngạo của thời gian đồng hồ phải được hoán chuyển thành vẻ đẹp của nhịp sống. Việc liên minh giữa các thế hệ là điều không thể thiếu. Một xã hội trong đó người già không nói với người trẻ, người trẻ không nói với người già, là một xã hội vô sinh, không có tương lai, một xã hội không nhìn chân trời mà chỉ nhìn vào chính mình. Và nó trở nên cô đơn. Xin Thiên Chúa giúp chúng ta tìm ra thứ âm nhạc phù hợp cho sự hòa hợp này của nhiều lứa tuổi: trẻ nhỏ, người già, người lớn, tất cả mọi người với nhau: một bản giao hưởng đối thoại tuyệt hay. Xin cảm ơn anh chị em.

Nguồn: http://www.vietcatholicnews.org/

Series Navigation<< ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Tuổi giàĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Tuổi già là tiên tri chống sa đọa >>

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau