Thời điểm nét xuân sơn (CN III Thường Niên – Năm C)

ĐIỆU MÚA VÀO XUÂN TRONG MẮT PHẠM XUÂN ĐÀI

Lịch Tây ghi rõ ngày 21 tháng 3 là ngày bắt đầu mùa xuân. Nhưng thực ra trời đất đã bắt đầu cựa mình vào dịp tết Việt Nam. Mùa đông bàn giao cho mùa xuân, gọi là giao thừa. Đúng là ngày bắt đầu một tiết nhịp mới, nhựa sống căng phồng tung tóe từ cành cây kẽ đá.

Trời đất vẫn xoay vần theo nhịp theo điệu. Có lúc thì xuống thật thấp, như những củ thủy tiên bị vùi dập cho “chết” đi từ tháng mười năm trước, nằm chìm sâu dưới “lòng đất lạnh”. Vậy mà sức gì lạ lắm: đúng tiết đúng nhịp thì bật lên những mầm non đầy nhựa sống. Rồi nở ra những bông hoa rực rỡ đủ màu hấp dẫn quá chừng. Như vậy thì trời đất có lễ nghi “giao thừa” đàng hoàng đấy chứ. Khi “chết” thì biết mình chết, không giẫy giụa la hét như con người. Vì củ thủy tiên khi bị vùi dập đã “thấy” trước ngày lễ bàn giao của sự cựa mình đất trời mà hòa vào khúc luân vũ. Nó “thấy” được bên dưới đợt sóng sinh tử chuyển vần là một dòng sức sống duy nhất, nên nó an nhiên nhảy múa theo nhịp dòng đời.

THỜI ĐIỂM NÉT XUÂN SƠN

Nhà văn Phạm Xuân Đài trong cuốn “Hà Nội Trong Mắt Tôi” đã kể lại tâm trạng của chính mình khi bị cầm tù ở Bắc Việt, “quắt queo vì đói lạnh, lòng run chứ không còn rung động, các bắp thịt teo tóp căng cứng trong cơn lập cập”, nhưng vẫn tự nhủ để giữ tinh thần khỏi suy sụp bằng một cái nhìn chính xác: “Miễn là đừng chết, miễn là qua được mùa đông”.

Mà quả thực, đất trời có nhịp, dòng đời cũng có nhịp: “Rồi thì núi sẽ trở lại núi, sông trở lại sông, người trở lại người. Một buổi, cơn giá lạnh như đang tan loãng dần trong không gian, cái ấm áp như nhen nhóm được một tí từ đâu đấy, cây mơ, cây đào bỗng đầy nụ… Và xuống bến sông, nhìn về phía đông nơi con sông chảy dần thành chất lỏng để có thể xôn xao nhè nhẹ trong cuộc hành trình. Bạn sẽ sững người trông thấy núi, và tâm bạn, trí bạn, miệng bạn cùng lúc thốt lên: “Nét xuân sơn”, như là chỉ có tiếng đó mới nói lên đầy đủ được những gì bạn đang thấy. Trên nền trời vừa trong sáng lại một cách dị kì sau mấy tháng xám xịt, như một tảng ngọc xanh có pha phơn phớt hồng, các dãy núi mới toanh như vừa lột xác. Trời nước trong một làn ánh sáng long lanh, núi đứng tiếp sau từng dãy, trật tự và tươi cười, đường nét thanh tú rõ rệt cái đậm cái nhạt tạo thành một bức hoành tráng mĩ lệ, như một dàn hợp xướng ngợi ca điều cao cả trong lành đang ngập tràn trong trời đất. Vứt bỏ mớ áo xống lôi thôi của mùa đông, dáng núi trở nên uyển chuyển duyên dáng lạ lùng, một thân thể người nữ tuyệt hảo trong tuổi thanh xuân cũng không thể hơn thế.

Đường cắt trên bầu trời như một nét hân hoan, một tiếng cười chưa thành, một niềm vui mới chớm. Chứa chan. Người đứng trên bờ sông cảm thấy mắt mình đẫm lệ vui, biết mình đã bắt lại được với nguồn sống đang chỗi dậy trong đất, trong nước, trong cây đá ở trên núi. Núi có vẻ đang vẫy tay, đang chuẩn bị lên đường trong một hành trình đầy hứa hẹn…”

Thì ra cái nhịp đất trời vẫn mãi chuyển vần trầm bổng, nhưng vẫn chỉ là một dòng sức sống. “Bắt lại” được với nhịp dòng sống đó, nắm bắt được những khoảnh khắc thấy được này… thì mắt sẽ đẫm lệ vui là phải. Cái sức gì lạ vậy? Thì đây Phạm Xuân Đài tâm sự:

“Người đứng bên bờ sông Mã đã bẩy lần được tiếp sức như thế để tiếp tục sống còn. Không gì hữu hiệu hơn là mùa xuân. Một niềm vui từ đâu trong sâu thẳm  bỗng được khơi dậy cùng với núi thay áo mới, sông hết đông lạnh và bầu khí ôn hòa. Cái gì làm cho tôi vui thế? Không có gì làm cho tôi vui cả, bản thân tôi lúc ấy là niềm vui. Cái mà tôi gọi là niềm vui ấy thật ra là một sự cựa quậy chuyển mình của chính tôi như là một phần của sự chuyển mình chung của vạn vật. Có thể thiên nhiên vô tình, chuyển mình như thế chắc chẳng vui mà cũng chẳng buồn, cái nẩy mầm với cái tàn lụi đối với vũ trụ vần xoay thì có gì là quan trọng đâu, chỉ là cái chu kỳ được lặp lại. Nhưng đối với tôi, một sinh vật ốm o đói rét và tuyệt vọng đứng bên sông Mã một buổi sáng xuân thì cái “cựa mình mùa xuân” xảy ra trong tôi thật cực kỳ quan trọng, nó cho tôi một nỗi phơi phới không điều kiện, nỗi phơi phới tự thân, đưa tôi ngang tầm với núi với sông và với bầu trời rộng lớn khiến trong chốc lát tôi thấy nỗi khổ đau tuyệt vọng đang mang chỉ là cái nhỏ bé buồn cười…” (Thế Kỷ xuất bản, trang 58-60).

Tuyệt quá, tuyệt quá! Phạm Xuân Đài đang thấy cái mà ít người thấy được. Vẽ lên được nét vật vã và nhìn thấy được dòng sống đang chuyển hóa, chẳng phải là giây phút giác ngộ bỗng khám phá ra một kỳ diệu nhưng thực ra lại rất bình thường sao? Giống bức tranh “Đêm Sao” Vincent van Gogh vẽ trên bờ sông Rhones chảy qua vùng Arles miền Nam nước Pháp quá. Dòng sông ánh sáng vẫn đang chuyển sinh lực hóa giải tất cả những tăm tối mịt mù. Đau khổ phi lý được hóa giải bằng nét xuân sơn. Hàng cây trơ trụi lá cho thấy “đầu cành khô bỗng hoa nở tràn”. Tự nhiên thôi. Có gì lạ đâu. Hoặc là quá lạ lùng đấy phải không? Dòng đời vẫn thế. Đất trời vẫn một nhịp. Nhưng cái lạ là thấy được như vậy mà hòa theo được cái nhịp điệu đó, chứ không ghì lại. Những khoảnh khắc này mới thật kỳ diệu, được biến thành thiên thu, đưa “con người cũng lên ngôi theo” có sức thay đổi cả một đời người, mở ra cả một nhãn quan mới, thấy được trời mới và đất mới. Sức đột biến là vậy.

CHẠM ĐẾN BA CON SỐ KHÔNG

Người thích coi tướng coi số thì tự hỏi điềm gì từ ba con số tận cùng giống nhau của mấy năm : 1999 và 2000? Con số 999 thì máy vi tính đã xếp gọn rồi, nhưng con số 000 đang làm nhiều người trong ngành này rối óc khi phải chuyển cả một hệ thống mà từ ngày phát minh ra máy chưa bao giờ phải đương đầu!

Theo các nhà khoa học thì vào khoảng 6 tỷ năm nữa, chẳng những trái đất sẽ tiêu tan, mà ngay cả thái dương hệ, trong đó có mặt trời mặt trăng, hỏa tinh, mộc tinh v.v. đều hoàn toàn biến mất vào hố đen “black hole”, trở về con số không. Một số không hay ba số không cũng như nhau. Nhưng chẳng phải đợi lâu đến thế. Lúc này nhiều người ưa trưng lời tiên tri của Nostradamus bốn thế kỷ trước đây, dẫn chứng nhà thần bí Edcar Cayce thời mới, để nói về ngày tận thế, ngày nhân loại bị hủy diệt, trở thành số không.

Mà cũng chẳng phải vào thời điểm này thôi đâu. Một ngàn năm về trước, lúc đụng tới con số 999 và 1000, đề tài bàn về ngày tận thế cũng đã rất phổ thông. Dân chúng lo âu căng thẳng, nghĩ rằng Đức Kitô sẽ trở lại “đóng cửa trần gian” vào năm 1000.

Nhưng với con mắt nhìn của Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II thì đây lại là thời điểm một bắt đầu mới; mùa đông lạnh lẽo và u ám của chiến tranh và rối loạn của thế kỷ 20 đang sắp chấm dứt, và một mùa xuân mới chan hòa nắng ấm đang cựa mình bật nụ. Vì thế ngài mới nói tới “Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” với “Ngàn Năm Thứ Ba Sắp Đến” theo một kế hoạch cụ thể sửa sang thửa vườn cho Mùa Hoa này. Viễn kiến của Hội Thánh khác xa với cái kiểu lạc quan vụn  của nhóm Thời Mới “New Age”, dựa vào múi thời gian liên hệ trăng sao với hai ngàn năm tới thuộc múi “Người Xách Nước” (Aquarian Age)!

TIN VUI TỪ QUI TRÌNH ĐẠT VUÔNG TRÒN

Những năm cuối cùng của thế kỷ 20 được nhìn như là cuối mùa đông sửa soạn bước vào mùa xuân của thế kỷ 21, của ngàn năm mới. Lời Thánh Kinh đang vang vọng quanh đây, chứng nghiệm một cuộc đột biến đang diễn tiến:

Lời chàng văng vẳng bên rào
Em ơi tỉnh dậy ra chào Chúa xuân.
Mưa ngớt tạnh đông tàn băng giá,
Hoa đồng nhà muôn đóa khoe tươi
Nhạc xuân rộn rã nơi nơi
Ngàn chim đua hót vang trời líu lo.
(Thánh Kinh, Diệu Ca 2:10-12, bản dịch của Đào Mộng Nam)

Sức đột biến này do thần lực từ cõi Tròn, là chính Chúa Trời, vị Thần Tình Yêu. Biến cố của hai ngàn năm trước đây Đức Giêsu là Thiên Chúa đã bước vào lịch sử con người, trở thành một người, mang tròn xuống vuông để nâng vuông lên tròn, đã như một qui trình thể hiện vuông tròn mang lại mùa xuân mới cho nhân loại. Thì nay, sau những tàn tạ của trái đắng mùa đông vì muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống nhầy nhụa duy vật này, con người đang khắc khoải tìm mở lại con mắt niềm tin, để thấy được Chúa Xuân đang khấp khởi bước lại vào cuộc đời của mình làm đột biến nở hoa mùa xuân mới.

Theo nét văn hóa Việt tộc, khi mọi sự được xuôi xắn nhịp nhàng thì gọi là được vuông tròn. Nét này phát khởi từ câu truyện thiêng của Việt tộc với phong tục bánh dầy bánh chưng ngày Tết. Vật chất đất vuông phải hòa nhịp với tinh thần trời tròn thì mới tròn đầy viên mãn được. Đó là qui trình của đạo sống Việt tộc. Không hiểu từ hồi nào, có thể từ vô thức do trào lưu kỹ thuật mới với mớ thuyết “người là con vật kinh tế” chỉ biết tìm mồi, một số người mình không khéo mà chỉ còn thích ăn bánh chưng vào dịp Tết, quên phắt bánh dầy! Vậy nên giá phải trả cũng đã quá cao, oan khiên chảy thành dòng sông máu, chảy tràn ra vịnh Thái Lan, chảy vượt cả Thái Bình Dương mà tiếp tục quằn quại giẫy giụa! Chả lẽ bằng ấy hành hạ vùi giập vẫn chưa đủ cho người mình giác ngộ nhìn ra một mở lối nào cho thế kỷ 21 hay sao?

NHỊP VŨ VUÔNG TRÒN CỦA VIỆT TỘC

Đây là thời khắc trân trọng để nhận lại bánh dầy tròn vào một năm mới, vào một ngàn năm đang bắt đầu, bắt lại lối nhìn trong đạo sống Việt tộc như một dòng lực vẫn chảy từ bao đời qua suốt dọc dài lịch sử. Mùa xuân chính là thời điểm bắt lại nhịp vuông tròn theo tâm thức Việt. Vì thế mà phong tục bánh dầy bánh chưng được cử hành trang trọng thành một nghi lễ hẳn hòi vào ngày Tết, mở đầu nhịp vũ vuông tròn cho cả một năm.

Quả là dân mình là dân có đạo, là đạo vuông tròn, là đạo hiếu đất vuông hướng về trời tròn, nguồn sức sống mùa xuân, từ trong máu, từ trong tâm, từ bao thuở, từ ánh mắt tổ tiên, từ nhịp tim sông núi, từ nhịp thở giống nòi. Đó là nhịp vũ  hòa nhập cõi vuông vào cõi tròn, biến cuộc sống đang trì trệ ứ đọng trở thành một nhịp uốn lượn như thủy triều, hài hòa nét vuông và nét tròn trên những mái nhà cong, biến chân không thành diệu hữu, nối kết được đông tây, hóa giải được mọi xung khắc.

Trời đất vẫn một nhịp, vẫn một diễn tiến theo qui trình. Nhưng bí quyết đạt vuông tròn lại nằm trong tim mỗi người, khi biết hòa theo được nhịp đó. Chẳng lạ gì mà đối với nhà văn Phạm Xuân Đài, “một sinh vật ốm o đói rét và tuyệt vọng đứng bên sông Mã một buổi sáng xuân, thì cái “cựa mình mùa xuân” xảy ra trong tôi thật cực kỳ quan trọng, nó cho tôi một nỗi phơi phới không điều kiện, nỗi phơi phới tự thân, đưa tôi ngang tầm với núi với sông và với bầu trời rộng lớn khiến trong chốc lát tôi thấy nỗi khổ đau tuyệt vọng đang mang chỉ là cái nhỏ bé buồn cười…”

Nhãn quan này sao gần Đạo Chúa quá! Giây phút giác ngộ thấy được dòng nhựa sống mùa xuân ra đời thì bốn mùa đều là mùa xuân cả, mỗi ngày sống, mỗi phút giây cũng đều nhuần gội áng thiều quang. Han Mặc Tử đã cảm nhận được sức đột biến từ chính đời mình, từ những quằn quại giẫy giụa bệnh cùi đến cái thấy lạ lùng của Nhịp Vũ Sông Thanh: dòng tuôn ơn phước thanh bình, thanh thản, thanh tú:

Tứ thời xuân, tứ thời xuân non nước
Phút thiêng liêng nhuần gội áng hào quang
Thiên hạ bình và trời tuôn ơn phước,
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian.

PHÚT CẢM NHẬN SỨC ĐỘT BIẾN

Sức đột biến nơi Đức Giêsu thì thật rõ. Khi chấp nhận làm người, Đức Giêsu cũng chấp nhận thân phận mỏng dòn yếu đuối như bất cứ ai, cũng mang nét vuông của đất. Nhưng sở dĩ Ngài có được sức mạnh biến đổi mọi sự khiến mọi người sửng sốt, là vì Ngài cảm nhận và hành động “trong quyền lực Thánh Thần”, là nét tròn của Trời.

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Vui cho kẻ nghèo khổ. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bì giam cầm biết họ được tha, cho người mù sáng mắt lại, giải thoát những kẻ bị đè nén, và loan báo năm hồng ân của Chúa” (Luca 4: 18-19).

Lâu nay mình cũng bị ứ đọng trì trệ một cách nào đó, tiêu điều lạnh lẽo như cảnh cuối đông vì chỉ lo thu mình vào cõi vuông của sức riêng. Có những lúc thấy mình như cành cây trơ trụi lá, chẳng làm gì cho ra hồn cả. Giây phút này mình muốn mở tâm ra để cảm nhận sức đột biến từ dòng sống đất trời cựa mình sang xuân. Đoạn Kinh Thánh mà Chúa Giêsu cảm nghiệm về năng lực Thánh Thần hôm nay cũng ứng nghiệm nơi cuộc sống của mình. Được đột biến do chính dòng lực tình của vị Thần Tình Yêu, có sức hóa giải và biến đổi tất cả. Đó là dòng thần lực của Thần Linh Chúa chuyển chất tình yêu có sức làm rung động con tim và ấm áp lòng người.

Và mình hòa nhập vào cả một dòng thác sức sống đang tuôn đổ xuống lòng mình qua mọi sự, qua từng nhịp thở, qua từng cây cỏ vạn vật:

Cùng một dòng sinh lực tuôn chảy ngày đêm trong mạch máu tôi, cũng đang chảy tuôn qua thế giới, nhảy múa theo tiết điệu nhịp nhàng.

Cũng chính một sinh lực đang hân hoan phóng lên khỏi mặt đất nẩy mầm thành muôn vàn ngọn cỏ, vươn lên thành những lớp sóng cuồn cuộn hoa lá xum xuê.

Cùng một sinh lực đu đưa ru nhịp sinh tử trong nôi đại dương như nhịp thủy triều lên xuống.

Tôi cảm thấy cơ thể mình tươi tắn lại khi được cả sinh lực đất trời tuôn nhập. Và thấy thật thỏa thuê cảm nhận được lực bơm sinh khí qua bao thời đại đang đánh nhịp nhảy múa trong huyết quản tôi lúc này” (Tagore, Lời Dâng #69)

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Bài trước Bài sau