ĐIỆU MÚA TRÊN AO VÀNG

gdvsdt

Bước vào mùa thu, trời bỗng trở lạnh, lá úa vàng rơi lả tả, lòng người tự nhiên thấy bâng khuâng. Lá còn, lá mất. Cái gì còn, cái gì mất, khó mà phân biệt được. Mọi sự đang nhìn thấy đó mà cũng chẳng phải vậy. Có cái gì xa hơn, cao hơn cái đang thấy.

THỜI ĐIỂM CẶP VỊT QUẤN QUÍT

Nỗi bâng khuâng này được diễn tả qua câu truyện nổi tiếng “Trên Ao Vàng” (On Golden Pond) với Henry Fonda đoạt giải Oscar về tài tử diễn xuất. Truyện kể về một cặp vợ chồng về già có thói quen chiều chiều đi dạo ở công viên, rồi sau đó ngồi nghỉ trên ghế bên cạnh hồ nước. Hai người thường nhắc lại cho nhau nghe những kỷ niệm của những năm chung sống: những ngọt bùi, những đắng cay, những thể hiện ước mơ trong đời…

Đây là cảnh một buổi chiều thu thật đẹp. Trời thanh thanh mở lên cao vút. Gió lay nhẹ cũng đủ làm cho từng ngàn ngàn chiếc lá vàng rụng rơi đuổi nhau trên đường vắng. Nắng hoàng hôn rực rỡ lạ thường, phản chiếu long lanh trên mặt hồ như kết thành triệu triệu viên kim cương quí báu nhất đang nhảy múa. Cụ ông như khẽ rung lên một bài ca thuở yêu thương ban đầu nay vẫn còn sức lay động con tim. Đúng ra thì mùa thu đang hát, đang muốn thỏ thẻ một điều gì. Vì thế mà cụ ông muốn gợi lên cho cụ bà một khoảng trống để lắng nghe như lời thơ Lưu Trọng Lư vang vọng:

Em không nghe mùa thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.

Ở công viên này không có nai vàng ngơ ngác, nhưng có một cặp vịt vẫn tung tăng quấn quít trên hồ nước mỗi buổi chiều, cũng giống cảnh vợ chồng già đang thủ thỉ.

Chiều nay, sau khi đi dạo, vợ chồng già cũng ngồi nghỉ trên ghế bên hồ nhìn mặt trời lặn xuống sau hàng cây xa xa. Nhưng kìa, sao hôm nay cặp vịt vẫn tung tăng mọi khi chỉ còn lại một, lủi thủi bơi tới bơi lui, chơi vơi tội nghiệp. Thấy thế, cả hai người bỗng dưng im lặng, không nói với nhau một lời. Một hồi lâu thì cùng một lúc cả hai chợt ngước lên ngơ ngác nhìn nhau, giọt nước mắt đã chảy ra từ hồi nào không biết!

Thì ra có quấn quít yêu thương mấy trên cõi đời này, rồi cũng phải đến một lúc chia lìa, mỗi người sẽ phải đối diện với vận mạng của mình trong cuộc sống vĩnh cửu, phía bên kia mặt trời lặn. Lúc này vợ chồng mới cảm được thấm thía lời của St.Exupéry:

Yêu nhau không phải là nhìn nhau
Mà cùng biết nhìn về một hướng.

Nhạc sĩ Phạm Duy chắc cũng đã từng cảm thấy giây phút bâng khuâng ấy khi sửa soạn giã từ “những nẻo đường trần” để “nghe vang tiếng gọi càn khôn… đi vào Ngàn Mai”, với khúc hát “Nắng Chiều Rực Rỡ” trong Mười Bài Rong Ca Hát Cho Năm 2000:

Chớ buồn gì trong giây phút chia lìa
Khi chiều về lung lay trúc tre.
Chớ buồn gì khi tan nắng đêm về…
Từng vạt nắng ấm êm
Còn là bao ước nguyện…

Thế kỷ này đang trong nắng ban chiều
Cho lòng người bâng khuâng nhớ nhau.
Trước cửa vào trăm năm rất xa vời…

CHUYỆN KHÓ TIN MÀ CÓ THẬT

Hai tổng thống của nước Mỹ bị ám sát là Abraham Lincoln và John Kennedy có nhiều điểm liên hệ trùng hợp rất lạ.

Cả hai đều bị ám sát vào ngày thứ sáu, và bị bắn vào đầu.

John Wilkes Booth ám sát tổng thống Lincoln sinh năm 1839. Lee Harvey Oswald ám sát tổng thống Kennedy sinh năm 1939.

Cả hai thủ phạm được biết đến qua tên gọi, tên đệm, tên họ. Và tên của họ đều gồm 15 chữ.

Booth chạy từ rạp hát ra và bị bắt tại nhà kho. Oswald chạy từ nhà kho ra và bị bắt tại rạp hát.

Cả hai đều bị ám sát chết trước khi được đưa ra tòa xử án.

Nhìn lui về trước thì thấy ông Lincoln đắc cử vào thượng viện năm 1846. Ông Kennedy đắc cử vào thượng viện năm 1946.

Ông Lincoln đắc cử tổng thống năm 1860. Ông Kennedy đắc cử tổng thống năm 1960.

Tên họ của ông Lincoln và ông Kennedy đều gồm 7 chữ.

Tên họ của nữ thư ký của tổng thống Lincoln là Kennedy. Tên họ của nữ thư ký của tổng thống Kennedy là Lincoln.

Người kế vị hai tổng thống đều xuất thân từ miền Nam Hoa Kỳ, và đều có tên là Johnson: Andrew Johnson kế vị tổng thống Lincoln, sinh năm 1808; Lyndon Johnson kế vị tổng thống Kennedy, sinh năm 1908.

TIN VUI TỪ BỐN TIẾNG KHÓC

Đúng là đời người có thời có nhịp. Nhiều trường hợp tương tự có những trùng hợp lạ lùng, với những đường nét theo nhịp theo hướng nào đó trong một trật tự lớn hơn. Như nhịp cây kia, nẩy sinh vào mùa xuân, phát triển vào mùa hạ, rụng lá vào mùa thu, và nằm ngủ suốt mùa đông. Kìa, điệu nhạc “Bốn Mùa”của Vivaldi đang diễn tả bốn nhịp dòng đời. Có những lúc hoa nở hân hoan thì cũng có lúc lá rụng trụi cành tàn tạ bâng khuâng.

Đời người là một điệu vũ gồm bốn nhịp qua bốn tiếng khóc, như bốn lời tạ từ mà thăng tiến. Tôi đã có dịp tham dự “Điệu Vũ Bốn Nhịp” này trong một lớp học về tâm lý thực hành của Trường Linh Hướng ở Pecos, New Mexico. Bà Paula diễn khúc vũ hôm ấy vốn là một vũ sư người Anh. Trước khi diễn, bà kể về những nhịp của đời bà: những lúc lên cao vời vợi, những lúc bị vất xuống bùn đen, những lúc vật vã ghì lại, nhất là vào nhịp cuối xuân xanh, và những lúc tóc bạc lá vàng răng rụng… Bà ta diễn hay quá, diễn được những gì đang ray rứt trong tim mỗi người. Và nhiều người tham dự đã bật khóc.

Tiếng khóc đầu tiên khi vừa ra khỏi lòng mẹ, tạ từ nơi đầy ắp yêu thương mà sinh vào trần thế như đã từng được diễn tả trong Đoạn Trường Tân Thanh:

Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.

Tiếng khóc thứ hai khi đến tuổi phải rời mái ấm gia đình mà bước chân vào đời lập thân. Bao nhiêu lo lắng, bao nhiêu muộn phiền.

Tiếng khóc thứ ba được các nhà tâm lý thời mới gọi là tiếng khóc trung niên (mid-life), khi đã vượt qua đỉnh đồi “over the hill”. Mái tóc đen nhánh thuở nào nay bỗng xuất hiện vài sợi bạc bẽo, rồi bắt đầu pha chút muối tiêu, và khóe mắt thấy điểm vài vết chân chim. Cũng chính là lúc giật mình thấy tuổi xuân xanh đang chớm qua đi trên đầu.

Tiếng khóc thứ tư là tiếng khóc lá vàng rơi, giống như cặp vợ chồng già trong câu truyện “Trên Ao Vàng”, lúc mà con người thấy rõ sắp tạ từ những gì trông thấy để đi vào một thế giới khác chưa rõ nét. Đây là tiếng còi xe lửa tốc hành vượt bờ sinh tử mà đi về quê hương Hằng Thể, đúng như niềm tin “Sinh Ký, Tử Qui” của người mình: sống là tạm gửi, chết mới là đi về. Vì thế mà người Việt gọi giờ chết là sinh thì, là lúc bắt đầu cuộc sống mới.

Mỗi một cuộc ra đi đều mang theo một tiếng khóc. Có khi ngắn gọn, đứt quãng, có khi dài lê thê. Có khi phát ra thành tiếng giẫy giụa, có khi dội vào trong tim trăn trở.

Người nhìn ra và hòa được vào nhịp thì an nhiên tự tại. Người cố ghì lại thì la hét vật vã, và nhiều khi trở thành những hiện tượng lố bịch, tạo ra những nhịp rối loạn bất ổn.

Bảy anh em nhà Macabêô trong Kinh Thánh đã giữ vững niềm Tin vào cuộc sống vĩnh cửu, nên có đủ can đảm chấp nhận bất cứ cực hình nào. Trái lại, tiền thân của thuyết duy vật là phái Sa-đu-sêu ở Do Thái thì không thấy được gì bên kia cửa tử, suốt ngày chỉ biết lẩn quẩn ba chuyện trông thấy trước mắt như giành giật miếng ăn, thèm khát dục tình và đấu tranh quyền lợi. Chả lẽ con người sinh ra đó, lớn lên đó, vật vã bon chen, rồi già đi và lăn ra chết là hết chuyện. Cuộc đời chỉ có thế thôi sao?

PHÚT BẮT LẠI ĐƯỢC NHỊP

Tháng Mười Một trong truyền thống Đạo Chúa là tháng dừng chân nhìn thấy trước được những gì bên kia cửa tử. Giọt nước mắt của cặp vợ chồng trong truyện “Trên Ao Vàng” cũng có thể là chính giọt nước mắt của nhiều người lúc này, khi nhìn xa hơn về cuộc đời mà thấy hụt nhịp. Giọt nước mắt này có thể mặn đắng với những trăn trở vật vã, mà cũng có thể ngọt bùi với niềm tin vào nhịp dòng đời và vào đích điểm đời sống khi gặp được chính Chúa của Nguồn Sống miên viễn như tâm tình thánh vịnh 23:

Mênh mông đồng cỏ xanh rì,
Tôi no búp mới, tràn trề lộc non.
Mát trong nước sạch suối nguồn,
Cho tôi nằm nghỉ tâm hồn thảnh thơi.

Và xin cùng được hòa với nhịp vũ được diễn trong Sách Giảng Viên(3:1-4) của Kinh Thánh:

Mọi sự đều có lúc, mọi sự đều có thời dưới bầu trời:
Thời sinh ra và thời để chết,
Thời để trồng và thời để nhổ cây,
Thời để giết chết và thời để chữa lành,
Thời để phá và thời để xây,
Thời để khóc và thời để cười,
Thời để than van và thời để nhảy múa.

Cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Bài trước Bài sau