Điểm nóng của tháng 3 năm 1999 là chuyện phim nào đoạt giải Oscar lần thứ 71 cho năm 1998. Năm 1997 thì phim Titanic không đối thủ đã trở thành một hiện tượng, một dấu chỉ thời đại, bỏ xa một rừng phim tạm nham, xến xẩu và lãng xẹc của mấy năm qua. Nếu phim ảnh nói lên thời điểm, thì quả thật nội dung và hướng nhìn của nhiều phim trình bày một tình trạng nhầy nhụa và vô hướng của con người thời đại đang cố tìm lối vượt tới.
THỜI ĐIỂM SHAKESPEARE VÀO CUỘC TÌNH
Cũng chính trong bầu khí đó mà phim Shakespeare in Love đã được bất ngờ chọn là phim hay nhất của năm 1998 với bẩy giải thưởng Oscar, dù đạo diễn không được gì, và tài tử chính là Joseph Fiennes cũng không được đề cử chứ nói chi tới đoạt giải. Phim Saving Private Ryan thì có vẻ nổi hơn, diễn tả cảnh tàn khốc của Đại Chiến Thứ Hai, ghi ơn thế hệ cha ông đã can trường vượt qua gian khổ cho chính nghĩa. Vậy mà Steven Spielberg chỉ thắng giải đạo diễn thôi, dù đây là lần thứ hai đoạt giải danh dự này.
Tờ The Times-Picayune ở New Orleans thì cho rằng phim Shakespeare đoạt giải Oscar vì “sức mạnh của lời nói”. Nhân vật trong phim đã dùng chính lời của Romeo và Juliet để nói chuyện, mang nét văn chương của tình yêu nguyên thủy, tinh ròng, cao đẹp. Thế mới biết con người bây giờ mệt mỏi và buồn nôn về cái nếp yêu đương hạ cấp, vồ vập, chộp giật, bầy nhầy.
Hiện thân của nhầy nhụa này phải nói tới hiện tượng cuốn hồi ký của Monica Lewinsky được ồn ào tung ra thị trường cũng trong tháng ba năm 1999. Bỗng một ngày Monica trở thành một “tác giả” nổi tiếng có sách bán chạy hơn tôm tươi. Đường giây làm ăn đã tạo huyền thoại, tung Monica sang bên Anh, xuất hiện tại gần hai mươi nơi, có cận vệ hộ tống bảo vệ an ninh đàng hoàng. Moniaca vừa cười toe toét vừa bận rộn ký tên lưu niệm trên những cuốn sách còn nóng hổi. Phóng viên báo chí ào ào săn tin, các máy chụp chớp sáng liên hồi.
Và kìa Monica xuất hiện cổ võ “ra mắt sách” lần đầu tiên tại Mỹ, “vinh qui bái tổ” tại nơi sinh trưởng là Los Angles, vào cuối tháng ba năm này. Vậy mà lắm kẻ hiếu kỳ cũng mò tới chen lấn từ 7g sáng ở tiệm sách Brentano, còn hơn gặp bậc vĩ nhân! Nhưng nhiều người thì lợm giọng như Herb Zoolman, chẳng phí tiền cho cuốn sách sũng bùn đen nhơ nhớp này: “Tôi không muốn làm giầu cho cô ta”. Một sinh viên văn chương tại đại học California ở Santa Cruz thì phàn nàn: “Thật là nhảm. Vậy mà được gặp Monica cũng khó lắm đấy.”
DẤU CHỈ NÀO TỪ MỘT CUỘC TÌNH?
Bây giờ thì người ta bắt đầu hiểu tại sao phim Shakespeare Vào Cuộc Tình đoạt giải Oscar. Cùng nằm trong thao thức con người đi tìm một con tàu an toàn khác với con tàu Titanic để đi sang ngàn năm mới, sau những đắm chìm khủng khiếp. Ông Clinton chắc cũng đã ốm đòn về một vụ xô vào băng sơn bể mánh. Còn Monica thì lại được ném vào một đường giây làm ăn trơ trẽn cho lợi tức gia tăng.
Ngoài những lý do thắng 11 giải Oscar về tài đạo diễn, về hình ảnh, kỹ thuật và nhạc đệm …, phim Tatanic đúng là một biểu tượng, một điển hình cho con tàu của cả một nền văn minh mà nhân loại đang mua vé để bước lên vượt sang năm 2000.
Cuộc đắm tàu Titanic được diễn lại vào đúng lúc cuộc đắm tàu của con người vào cuối thế kỷ 20 với những tự mãn đang phải trả giá thật khắt khe đến thật bất ngờ khi cứ chắc rằng không thể đắm được. Trên mạng lưới điện toán về Titanic, một lời bình phẩm thật sâu sắc: “Đêm 14 tháng 4 năm 1912, vào lúc 11g40, chiếc tàu lớn nhất thế giới do tay loài người làm ra đã xô vào băng sơn ngay giữa Đại Tây Dương. Hai giờ bốn mươi phút sau, tàu chìm hoàn toàn. Thế giới Tây Phương cũng từ chuyện đó mà thay đổi mãi mãi. Đầu óc con người thay đổi. Lòng tự mãn tàn lụi. Cơ cấu và đẳng cấp xã hội thay đổi. Kỹ thuật trở thành mối hoài nghi. Con tàu Titanic đã bắt đầu cả chuỗi những biến cố mà kết luận chưa thể thấy được”.
Một trong những nét ăn khách của phim Titanic là mối tình chân thật của Jack Dawson và Rose. Tàu Titanic nói lên nhiều điều cho nếp sống văn minh hiện tại, cho thấy nhiều giá trị đảo ngược với những gì đang được cân đo bằng máy móc. Hình ảnh tương phản của lối sống thoải mái của anh chàng “tuy nghèo mà vui” Jack Dawson với cái cảnh gò bó lễ nghi kiểu cách thật tội nghiệp của đám nhà giầu trong khu vực hạng nhất. Cái chết bất ngờ và khủng khiếp của đa số khách trên tàu làm ta nghĩ sâu xa hơn về lẽ phù du của văn minh tiến bộ của đời người và biết coi trọng những giá trị tinh thần lâu nay bị quên lãng. Cũng như một con tàu vừa trẻ vừa đẹp khác là công nương Diana cũng bị đắm ở đường hầm Paris. Thì ra đây cũng là một dấu chỉ cho thấy những chuyển biến về hiện tượng tâm lý xã hội, khi con người bon chen vật chất biết nhìn ra giá trị tình yêu của cô Rose dám liều vượt qua những tù túng của nếp sống gò bó nhốt giam để tập bay ở đầu mũi tàu với Dawson đi tìm chân trời hạnh phúc. Cũng như người ta bắt đầu biết trân quí bàn tay xương xẩu nhăn nheo nhưng đầy ắp tình thương vỗ về với ánh mắt dịu hiền của Mẹ Teresa bên Calcutta.
TIN VUI LẬT NGƯỢC
Trong năm phụng vụ của Đạo Chúa, tuần lễ quan trọng nhất được gọi là Tuần Thánh, tái diễn cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Mở đầu Tuần Thánh là Lễ Lá, cử hành biến cố Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem.
“Các môn đệ dắt cả lừa mẹ và lừa con về, rồi đặt áo khoác lên các con vật mà đỡ Đức Giêsu ngồi lên. Quần chúng rất đông: kẻ thì trải áo khoác xuống đường, kẻ thì bẻ cành cây lót lối Người đi. Đàng trước Người, phía sau Người, dân chúng cả đoàn reo hò râm ram” (Mt 21:7-9)
Điều ngược đời là Chúa Giêsu không cỡi ngựa chiến hay xe tăng, mà ngồi trên mình con lừa là con vật thấp hèn và chỉ biết chở đồ nặng, như con chiên gánh tội trần gian. Cảnh một ông vua cỡi lừa được các trẻ em hồn nhiên túa ra bẻ những cành lá bên đường để giơ lên chào đón đúng là một dấu chỉ lật ngược mọi giá trị đời sống vẫn ước định xưa nay. Ngài không cần có “ngoại trưởng” hay “giám đốc an ninh chìm” đi đêm trước với những tay mặt lớn là cấp lãnh đạo trong dân để được ủng hộ. Ngài cũng không cần màu mè thủ tục với cờ xí rợp trời, với biểu ngữ tung hô nồng nhiệt để được gọi là vinh quang sang trọng.
Vậy là mọi giá trị đã bị lật ngược lại. Đúng ra là tìm lại được giá trị đích thật. Một nụ cười thương mến chẳng quí hơn chiếc nhẫn hột xoàn sao? Một cử chỉ hồn nhiên chào đón chẳng đáng giá hơn là những quà cáp hay những trưng diện bề ngoài sao? Một cành lá, một đôi giầy cũ cũng quí giá vậy. Đó cũng là lý do tại sao cả triệu người đang tuốn về bảo tàng viện ở Los Angles để xem triển lãm những bức tranh của Vincent van Gogh được đưa từ Amsterdam sang, vì nhà hội họa kỳ tài này đã khai mở được cái nhìn rất lật ngược nhưng lại rất đúng về giá trị đích thật của cuộc hiện hữu.
Đó là con đường tìm lại giá trị tình yêu đích thật như Chúa Giêsu chỉ dạy. Mỗi người có thể làm vua được đời sống của mình rồi, thấy mình đã quá giầu có với cõi tình rồi. Không một điều kiện nào có thể chế ngự lấn lướt được.
Cứ tưởng phải có chiếc xe Rolls Royce hay Lexus thì mới oai. Tậu rồi lại phải lo có chỗ giữ nó cho được an toàn. Thế là bao nhiêu khổ sở cũng bởi đó mà ra. Mà mất nó rồi thì chả lễ mất luôn hạnh phúc?! Hoặc chưa có nó thì cũng chưa hạnh phúc sao?
PHÚT TỊNH TÂM
Phim Titanic, phim Shakespeare in Love đã trở thành một thời điểm. Những bức tranh của họa sĩ Vincent van Gogh đã trở thành hiện tượng. Bàn tay xương xẩu và nét mặt đầy nét nhăn của Mẹ Têrêsa lại mang một nét đẹp thu hút lạ lùng. Tất cả đều là dấu chỉ thời đại, cho thấy con người đang trăn trở đi tìm giá trị mới về cuộc đời, chứ không phải những áp đặt vốn xỏ mũi lôi mình đi xưa nay.
Tuần này mình muốn theo Chúa Giêsu vào thành Giêrusalme xem những gì sẽ xẩy ra. Để tìm lại cho mình hướng đi và giá trị thật của đời sống.
Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua? Con đường nào cho con có thể tìm lại nét giầu có quí trọng của tình yêu tinh ròng, nguyên thủy?
Lm. Dũng lạc Trần Cao Tường