CHUYỆN BỨC TƯỜNG SẬP
Ngày 9 tháng 11 năm 1999, cả thế giới để tâm theo dõi biến cố kỷ niệm 10 năm Bức Tường Bá Linh sụp đổ. Bức tường này vẫn gọi là Bức Tường Ô Nhục, được xây bằng những hòn đá hiện thân của bạo tàn hung ác đã giam hãm và chia cách bao người. Tất cả những gì kiên cố tưởng chừng bền vững như vậy mà mười năm về trước đã bỗng sụp đổ theo dây chuyền với cả Đông Âu. Cùng năm đó, công đoàn Ba Lan mở tung được bức màn sắt vào tháng 6. Cũng vào mùa hè này dân Hung mở cửa biên giới giao thông được với Áo, Tiệp Khắc thành công trong cuộc Các Mạng Nhung với nhà lãnh đạo Vaclav Havel đầy chất nghệ sĩ và viễn kiến văn hóa nhân loại. Tất cả các cuộc chuyển hướng đều diễn ra ổn thỏa không đổ máu, chỉ trừ ở Romania phải thanh trừng nhà độc tài Nicolae Ceausescu. Điều này chứng tỏ dân trí và ý thức nhân nhượng sau những bạo lực cùng độ đã đến lúc chín mùi.
Ba vị thượng khách danh dự nhất được mời trong dịp này là các ông Mikhail Gorbachev, George Bush, và Helmut Kohl. Ba người này đã là những lãnh tụ của ba nước Nga, Mỹ và Đức vào thời gian đó liên hệ trực tiếp tới biến cố lịch sử trên. Ông Gorbachev, lãnh tụ cuối cùng của Cộng Sản Nga, đã nói thật thẳng thừng trong cuốn “Trên Nước Tôi và Thế Giới” (On my Country and the World) xuất bản ngày 11 tháng 11 năm 1999, rằng chả lẽ cứ phải đánh nhau mãi cho một chủ thuyết, mà đây chỉ là một lý thuyết được tưởng tượng ra chứ có bao giờ hiện hữu trong thực tế ở bất cứ chỗ nào đâu, kể cả ở Đông Âu cũng như ở Nga. Trên thực tế thì chỉ có chế độ theo thuyết xã hội của Stalin là hiện hữu thôi. Hệ thống đó đã kiệt sức và tự tan biến.
Đúng là điềm thời đại. Lương tri của con người sau bằng ấy hành hạ đầy đọa nhau một cách phi lí rồi cũng phải đến lúc thức tỉnh. Vì thế tạo điều kiện cho lương tri thức tỉnh mới là điều quan trọng. Tổng thống nhà văn Vaclav Havel đã phát biểu rằng báo chí thời đó thường cho người dân chúng tôi là quá dở không dám nhúc nhích gì. Họ phải biết thế nào là một xã hội dưới chế độ độc tài. Chỉ cần một chữ viết hay một cá nhân như Solzhenitsyn tạo ý thức là có thể chuyển hướng lịch sử hơn cả nửa triệu người biểu tình.
EPHATA: HÃY MỞ RA!
Những tảng đá của Bức Tường Ô Nhục được mở tung cũng là dấu chỉ cho chiều hướng của nhiều cuộc phục hưng tinh thần.
Tuần này tôi có dịp giúp một khóa tĩnh huấn kéo dài từ chiều thứ sáu đến chiều Chúa Nhật cho lớp trẻ khoảng từ 15 đến 17 tuổi, gọi là Khóa Ephata, từ Kinh Thánh có nghĩa là “hãy mở ra.”
Tuổi này không ngồi yên mà nghe lâu được, nên phải có nhiều màn sinh hoạt đã được sửa soạn trước theo hướng. Trò chơi khởi đầu gọi là “nhận diện hòn đá.” Mỗi em tìm chọn một hòn đá trong đống đá phía trước mang về chỗ nhìn kỹ những nét đặc sắc của hòn đá ấy trong vòng vài phút rồi phải đem trả lại. Sau khi người điều khiển đã vun lại thành một đống thì lại được lệnh lên tìm lại hòn đá của mình. Màn này bắt đầu lam lũ vì mới nhìn thoáng qua thì hòn đá nào xem ra cũng gần giống nhau, nên người trẻ bắt đầu biết tập trung tinh thần để nhận ra những nét khác biệt nơi hòn đá của mình. Màn này khá hào hứng, vì sẽ có người nhận lầm ra hòn đá khác và lấy lẫn của nhau. Sau khi điều chỉnh xong, người điều khiển lại bảo các em tìm ra nét nào mình thích nhất nơi hòn đá diễn tả tính tình của mình, rồi đem trả lại vào đống đá chung.
Lần này trò chơi tiến thêm một bước nữa: cứ từng hai em một tả cho nhau chi tiết trong vòng vài phút về hòn đá của mình, để người kia lên tìm hộ cho. Đây là bước tập nhìn nét đặc sắc khác biệt của người khác, đồng thời cũng tập cách thông đạt qua lại. Đôi khi mình tưởng đã diễn đạt đủ và người khác đã hiểu mình, nhưng kết quả nhiều khi không phải vậy.
LÒNG XÁC QUYẾT QUÍ HƠN VÀNG BẠC
Trò chơi sinh hoạt trên rất hiệu quả vì giúp cho người trẻ nhận diện được ngay nét tích cực đặc sắc của mình và người khác. Thế là dần dần trong suốt khóa, mắt người trẻ được giúp mở ra, nhận ra mỗi người đều được tạo dựng cách lạ lùng như những hòn đá có thể xây dựng nhà hạnh phúc, nhưng ngược lại cũng có thể đập phá tan tành hoặc xây những “bức tường ô nhục” ngăn cách giam nhốt chính mình và người khác. Đồng thời cũng nhận ra nét đẹp tích cực nơi người bên cạnh để cùng thông cảm biết ơn lẫn nhau và tô điểm cuộc sống.
Sở dĩ một số người trẻ có những hành động lố bịch đôi khi bừa bãi hay phá đổ là vì mang mặc cảm mình chẳng là gì, nên phải tỏ ra như thế để tạo chú ý, ra như mình cũng nổi, cũng “cool”, cũng “ngầu”. Khi được mở mắt nhận ra nét đặc sắc tốt đẹp của mình, người trẻ bắt đầu xây được lòng tự tin để bước lên, dù bất cứ trở ngại nào. Đúng như lời Kinh Thánh (Cách Ngôn 22:1)
Lòng xác quyết quí hơn vàng bạc
Chọn đúng tên vượt mặt sang giầu.
Tom Dempsey khi sinh ra thì đã bị cụt tay phải và chỉ có một nửa bàn chân phải. Vậy mà nó không bị mặc cảm giầy vò thu mình lại, nhưng vẫn vui vẻ hòa nhập với bạn bè tập chơi banh. Lên đại học anh ta trở thành một tay đá nổi tiếng khiến đội Saints của New Orleans ký giao kèo vào chơi chuyên nghiệp.
Ngày 8 tháng 11 năm 1970 trong trận banh với đội Lions của Detroit, đến phút chót mà đội Saints còn thua hai điểm. Lúc gay cấn này, đội Saints đang giữ banh, đã cố hết sức, nhưng chỉ còn 2 giây mà còn cách biên cuối sân đối phương tới 45 yards. Đây là mức quá xa không hy vọng có thể đá “fieldgoal” được, vì còn phải đặt lùi lại 17 yards nữa thành 62 yards. Vậy mà ông bầu Roberts đã bảo Tom Dempsey vào đá: nhớ đá cú đẹp nhất nhá!
Kìa, Tom Dempsey đã đá lọt lưới trước tiếng hò hét vỡ cầu trường, dù cầu thủ đặt banh lại đặt lùi thêm 1 yard nữa thành 63 yards. Cú đá phá kỷ lục vượt cả 7 yards trong ngành football NFL. Chỉ có 2 giây cuối cùng, đội Saint đã thắng đội Lions, kết quả là 17-16.
TIN VUI GỬI NGƯỜI MẶC CẢM THUA KÉM
Mặc cảm là một thứ bệnh khó trị. Nó sinh ra nhiều biến chứng tệ hại. Vì mặc cảm thua kém nên muốn buông xuôi chôn vùi cuộc đời mình thành một điệu buồn tẻ. Kinh Thánh đã cho thấy hậu quả của mặc cảm này qua câu chuyện ông chủ đi xa giao phó của cải mình cho những người giúp việc. “Ông cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tùy khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người lãnh năm nén lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm nén khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai nén gây lời được hai nén khác. Còn người đã lãnh một nén thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.” (Mt 25:15-18)
Thánh Phêrô cũng chỉ là một người tầm thường, nhưng khi được Đức Giêsu xác quyết “Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,” ngài đã trở thành một vị lãnh đạo vững mạnh cương quyết. Có thể ngài chỉ nhận được có một nén, nhưng đã tự tin đào lên để phát triển tối đa.
Mỗi người sinh vào trần thế đều mang theo một sứ mạng với những nét đặc sắc khác biệt của mình. Nhiều người trẻ dự Khóa Ephata đã mở mắt nhận ra tiềm năng chôn vùi của mình để bắt đầu thăng tiến. Ngay như Tom Dempsey tưởng rằng tàng tật vô dụng mà đã thành công vượt trổi.
PHÚT KHAI MỞ
Ngay bên cạnh cộng đoàn Việt thật nhỏ bé ở Avondale vùng ngoại ô New Orleans là nghĩa trang Avondale, nơi an nghỉ của linh mục nhạc sư Ngô Duy Linh và nhạc sư Hải Linh. Cả hai đã từng sinh hoạt và phục vụ cộng đoàn nhỏ này. Có thể cộng đoàn này chỉ nhận được một nén bạc thôi, nhưng vẫn âm thầm dựng xây thành một ngôi làng như một mảnh đất quê hương mở rộng sang Mỹ, với nhà thờ riêng, trường học và hội trường riêng, và với những sinh hoạt mang nét đặc sắc dân mình.
Mỗi người đều nhận được những nén bạc khác nhau với những sứ mạng khác nhau. Có người thì sinh lời, nhưng có người lại mang mặc cảm xây những “bức tường ô nhục” chặn vít đời mình không sao ngóc đầu lên được.
Xin cho được một phút giây tĩnh lặng khai mở để nhìn rõ ơn gọi đời mình với nén bạc được trao ban đang cần được đào lên để góp phần tô điểm cuộc đời, như ý hướng tâm huyết được khắc ghi nơi bia mộ của hai vị nhạc sư. Linh mục Ngô Duy Linh thì tiếp tục hát vang “suốt đời con nguyện ca tụng Chúa,” còn nhạc sư Hải Linh vẫn mãi mãi “vinh danh Thiên Chúa và tán tụng Quê Hương.”
Trích Khúc Sáo Ân Tình – cố Lm. Dũng lạc Trần Cao Tường