Chúa Nhật, 28.02.2021
Chúa Nhật II Mùa Chay
Lời Chúa
St 22,1-2.9a.10-13.15-18 • Tv 115,10 và 15.16-17.18-19 (Đ. Tv 114,9) • Rm 8,31b-34 • Mc 9, 1-9
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô Theo Thánh Marcô
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”
Audio giảng lễ – Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn
Suy niệm Lời Chúa
Câu chuyện “Thử lòng trung thành của Abraham” trong bài đọc 1 mang đến nhiều vấn nạn và ngạc nhiên về Thiên Chúa. Rất dễ để ta hỏi là làm sao Chúa lại thử Abraham bằng cách nào để cho Isaac trải qua những kinh nghiệm lạ lùng như vậy? Và Chúa thử Abraham thật ư, bằng cách ra lệnh cho ông giết con của mình để tế lễ? Câu chuyện làm Abraham trở nên vĩ đại trong lịch sử nhân loại vì ông đã tuân lệnh Chúa và sẵ lòng tế lễ con mình là Issac. Lòng trung thành của Abraham làm cho ông trở thành cha của tất cả mọi người tin. Dù không dễ dàng, Abraham tin tưởng, trung thành và bước theo Chúa dù có nhiều thử thách. Bước theo một Thiên Chúa toàn năng và vô hình, phải chăng Abraham biết rằng Chúa không thử mình vì Chúa cần biết lòng trung thành của mình; nhưng những thử thách đó có vì Abraham cần hiểu và cần biết lòng trung thành của mình đến đâu đối với Thiên Chúa.
Tương tự như thế trong bài Tin Mừng khi Chúa Cha cất tiếng “này là Con Ta yêu dấu”. Đức Giêsu cần phải có một khẳng định rằng mình là Con Một Yêu Dấu của Chúa Cha không? Có lẽ Giêsu không cần vì Giêsu luôn có kinh nghiệm hoàn hảo trong tương quan với Thiên Chúa là Cha; nhưng là một con người như chúng ta, có lẽ Giêsu sợ mất đi sự thân tình này.
Trong hai câu chuyện, Chúa Cha mới là nhân vật chính, Chua Cha tìm mọi cách để đến với ta và cho ta biết con người đích thực của mình. Cầu nguyện với Kinh Thánh là để ta khám phá ra chính mình. Khi ta đọc các bài đọc của ngày hôm nay trong một xã hội có khoa học phát triển và văn minh, ta vẫn sống giữa những thử thách về lòng trung thành đến từ nhiều phía, và ta vẫn có những nghi ngờ và nỗi sợ mất đi những mối quan hệ thân tình. Lời Chua giúp ta nhận ra những thử thách trong cuộc sống không phải là những điều mà Chúa thử thách ta, nhưng chính là cơ hội để ta khám phá chính mình có trung thành với Chúa và có cố giữ mối thân tình với Ngài không?
Là người có Đức Tin, thử thách luôn là một cơ hội để khám phá chứ không bao giờ là một vấn đề để giải quyết, hay vấn nạn Thiên Chúa. Thánh Phaolô là người kinh nghiệm điều này hơn ai hết khi ngài khẳng định: “Nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống chúng ta.
Lm. Võ Trần Gia Định, A.A
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam