Chúa Nhật, 20.12.2020
Hạnh Phúc Là Có Chúa

Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng

Lời Chúa

2 Sm 7,1-5.8b-12.14a.16 • Tv 88,2-3.4-5.27 và 29 (Đ. x. c.2a) • Rm 16,25-27 • Lc 1,26-38

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria.
Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.
Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”
Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Sống Lời Chúa:

“Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ” (Lc 1,26).

Hạnh Phúc Là Có Chúa

Con người thường có những cái nhìn bi quan về cuộc sống: họ thường than thở, đời là những chuỗi ngày kết tụ ít hạnh phúc và nhiều đau khổ, hiếm yêu thương và đầy ghen ghét, khó tha thứ và dễ hận thù… Nhưng họ dã quên: Thiên Chúa luôn ở với họ.

Trong Tin Mừng Thánh Luca tường thuật sự thăm viếng của Thiên Chúa đến với con người, qua trung gian Đức Trinh Nữ Maria. Biến cố truyền tin mạc khải cho chúng ta biết khi Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đó là hạnh phúc tuyệt hảo. Cùng đích khát vọng của chúng ta là Thiên Chúa, như lời thánh Augustinô đã nói: “Cha khuấy động con người để ca ngợi Cha, bởi vì Cha đã tạo ra chúng con cho chính Cha, và trái tim của của chúng con không ngừng nghỉ cho đến khi nằm yên trong Cha”.

Nhưng có phải chờ cho đến chết chúng ta mới được hưởng hạnh phúc bên Chúa không? Không. Ngay tử đời này, chúng ta đã có hạnh phúc đó rồi.

Chúng ta đang lo lắng vì vi rút Corona… và tự hỏi: Thiên Chúa đang ở đâu?

Chúa đang ở bên cạnh chúng ta. Chúa hiện diện trong từng bác sĩ, y tá. Chúa hiện diện trong các lãnh đạo quốc gia để họ sáng suốt đưa ra những quyết định kịp thời, giúp đỡ và bảo vệ cho công dân. Ngay lúc này đây, con người không còn phân biệt màu da, chủng tộc hay tôn giáo. Mọi người đều được đối xử bình đẳng như nhau. Và trong cơn hoạn nạn, con người tự nhiên quan tâm tới nhau hơn: Gửi đến nhau những lời thăm hỏi, động viên, chúc lành; các bạn trẻ dành nhiều thời gian với gia đình hơn là tụ tập ăn uống, vui chơi ở quán bar thâu đêm suốt sáng. Tiền bạc, địa vị danh lợi… giải trí, chơi bời trác táng… không còn là thứ mà con người mong muốn. Mọi người nhận ra điều quý giá nhất chính là sức khoẻ và mạng sống.

Nếu chúng ta đón nhận chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa trong cuộc sống với lòng khiêm nhu vâng phục như Đức Trinh Nữ Maria trong đêm Truyền Tin. Mùa Vọng sắp chấm dứt, nhưng tinh thần chờ đợi không được chấm dứt: “Lạy Chúa, xin hãy đến”. Chúa đến cho chúng con được đầy ơn phúc, Chúa đến chúng con được hưởng niềm hạnh phúc thánh thiêng.

Lạy Chúa, xin cho con gặp Chúa. Giữa những long đong phận người, xin cho con gần Chúa. Giữa cảnh nghèo khó, xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.

Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ, xin cho con cảm được bình an của Chúa, ngay giữa những âu lo hằng ngày. Cuối cùng, xin cho sự sống như Chúa vì Chúa chia sẻ sự sống của con. Amen.

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau