Chúa Nhật, 20.09.2020
Thực Tại Khó Hiểu Về Nước Trời

Chúa Nhât Tuần XXV Thường Niên

Is 55,6-9 • Tv 144,2-3.8-9.17-18 • Pl 1,20c-24.27a • Mt 20,1-16a

Lời Chúa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.
Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết.” Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.
Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao”? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?” Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.

Sống Lời Chúa:

Thực Tại Khó Hiểu Về Nước Trời

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để nói về một thực tại rất “khó hiểu” là Nước Trời. Dụ ngôn Thợ Làm Vườn Nho đã nói lên một khía cạnh của thực tại này. Sự khó hiểu của dụ ngôn có lẽ là sự đảo lộn trật tự mà Chúa Giêsu nhắc đến ở câu cuối chương trước đó: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu” (Mt 19,30). Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu lập lại điều tương tự. Chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về phản ứng của những người được mời vào làm vườn nho từ sáng sớm để hiểu lý do của sự đảo lộn trật tự này. Hình ảnh Nước Trời được ví như chuyện ông chủ vườn nho, vào các giờ khác nhau trong ngày, gặp những đám thợ khác nhau và đều mời họ vào làm việc trong vườn nho của mình. Chi tiết thú vị của dụ ngôn là ông chủ chỉ thoả thuận giá mỗi ngày lao động cho một người là một quan tiền với đám thợ vào làm từ sáng sớm. Sự “ngược đời” của ông chủ này là cho người quản lý thanh toán tiền công thợ, bắt đầu từ những người vào làm sau hết.

Nước Trời bổng dưng trở thành nơi của những sự “bất ngờ”. Sự bất ngờ đầu tiên là của những người vừa được nhận vào làm khi trời đã xế chiều. Họ đã tìm kiếm và chờ đợi suốt ngày trong vô vọng và lo lắng: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Họ còn bất ngờ vui sướng trước sự ưu đãi của ông chủ đã trả cho họ tiền lương hậu hĩnh. Cách tính “ngược đời” của ông chủ cũng là sự bất ngờ với tất cả chúng ta. Ông đã không đặt giá trị kinh tế lên trên hết. Sự bất ngờ của những người thợ vào làm từ sáng sớm thì lớn hơn và qua nhiều cảm xúc khác nhau. Họ bất ngờ vì thấy những người mới đến được nhận tiền công một quan tiền. Họ cũng hy vọng mình sẽ được nhận nhiều hơn khi nghĩ về sự vất vả cả ngày. Nhưng cuối cùng họ cũng chỉ nhận được một quan tiền như những người khác. Có lẽ lòng tham, tính ích kỷ và sự ganh tị đã làm họ quên mất là mình đã thoả thuận với ông chủ trước lúc vào làm. Từ đó họ đâm ra giận dữ với ông chủ và các nhóm thợ khác.

Lm. Phaolô Nguyễn Văn Hưng

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy cho con biết sống quảng đại và khoan dung hết thảy mọi người.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau