Chúa Nhật, 14.04.2019
Lễ Lá – Tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu

Lời Chúa

BÀI PHÚC ÂM: Lc 19, 28-40

“Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi trước lên Giêrusalem. Và xảy ra là khi Người đến gần Bếtphaghê và Bêtania, giáp núi gọi là núi Cây Dầu, Người sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp con lừa con cột sẵn đó chưa ai cỡi bao giờ; các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con “Tại sao các ông mở dây?”, thì hãy nói thế này: “Vì Chúa cần dùng đến nó”. Hai người được sai ra đi, và gặp lừa con đứng đó như Chúa đã bảo. Hai ông đang mở dây lừa con, thì chủ nó hỏi rằng: “Sao các ông mở dây lừa con?” Hai ông đáp: “Vì Chúa cần đến nó”. Hai ông dắt lừa về cho Chúa Giêsu, trải áo lên mình lừa và đặt Chúa lên trên. Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời”. Một vài người biệt phái trong đám đông nói cùng Người rằng: “Thưa Thầy, xin hãy mắng các môn đệ Ngài đi”. Chúa Giêsu nói: “Tôi bảo cho các ông biết: nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên”.

Bản dịch của Uỷ Ban Phụng Tự, HĐGMVN
NS Trái Tim Đức Mẹ đánh máy vi tính
Nguồn: thanhlinh.net

Nghe Bài giảng – Cha GB. Phương Đình Toại

Sống Lời Chúa: Khiêm hạ và tự xoá mình để được tự do

Phần các con, thì không như thế, vì ai cao trọng hơn các con thì hãy trở thành như người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu, hãy trở thành như người hầu hạ.” (Lc 22,26)

Các bài đọc Lễ Lá dẫn chúng ta bước theo Chúa Giêsu vào Cuộc Khổ Nạn và sự Phục Sinh của người qua sự khiêm hạ, từ bỏ và sự chết. Tuy nhiên những sợ hãi, những “tham, sân, si” khiến các môn đệ của Đức Kitô cũng như mọi người chúng ta bị cám dỗ bỏ cuộc. Danh vọng và quyền lực là một trong những cám dỗ lớn mà Chúa Giêsu luôn phải nhắc nhở các môn đệ: “Phần các con, thì không như thế, vì ai cao trọng hơn các con thì hãy trở thành như người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu, hãy trở thành như người hầu hạ.” (Lc 22,26).

Ngôn sứ Isaia đã rất bình thản chịu đánh, giật râu, nhạo cười và phỉ nhổ nhờ tin tưởng vào sự nâng đỡ của Chúa và biết chắc mình sẽ không phải hổ thẹn. Chúa Giêsu vốn là Thiên Chúa, nhưng Người đã bỏ mình, vâng lời chết trên thập giá. Sự khiêm hạ và tự huỷ này đã làm cho Isaia, Đức Giêsu và rất nhiều người khác được tự do để yêu thương một cách đúng nghĩa nhất. Còn các môn đệ và mỗi chúng ta thì sao?

Khi Chúa Giêsu nói về cuộc khổ nạn của mình để chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ, có vẻ như Người đã hoàn toàn thất bại. Bời giữa các môn đệ đã có một cuộc tranh cãi sôi nổi xem ai là người lớn nhất (Lc 22,24). Những lần trước, Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn ở Luca 9,44-46; 18,31-34, các môn đệ hoặc không hiểu gì hoạc lo tranh cãi xem ai là người lớn nhất. Ở mọi thời đại, người theo Chúa luôn bị giằng xé giữa yêu thương phục vụ cách khiêm tốn và những cám dỗ về quyền lực, danh vọng đời này, Đức Thánh Cha Phanxicô luôn nhắc nhở các phẩm trật trong Giáo hội về cám dỗ này: “Khi cái vẻ bề ngoài, những màu áo và huy chương trở thành đối tượng ưu tiên của cuộc sống,…Đó là căn bệnh đưa chúng ta trở thành những con người giả dối và sống một thứ thần bí giả hiệu, một chủ thuyết yên tĩnh giả tạo,…Khi tông đồ biết việc phục vụ của mình thành quyền lực,… họ vu khống, mạ lỵ và làm mất thanh danh của người khác…” (15 căn bệnh của giáo triều Rôma cần chữa trị, Vatican 22.12.2014). Ngay trong hàng ngũ những người sống đời thánh hiến thì cám dỗ về quyền lực trần thế vẫn “len lỏi” cách mạnh mẽ và làm băng hoại giáo huấn của Chúa. Trong huấn dụ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Giới Trẻ ngày 03.10.2018, Đức Giáo Hoàng kêu gọi tất cả hãy vượt thắng “nạn lạm quyền giáo sĩ”…”là một sự đồi bại và là căn cội bao nhiêu tai ương của Giáo Hội”.

Tóm lại, tình yêu Chúa dành cho nhân loại được thể hiện qua sự Nhập Thể, sự Chết và sự Sống lại của Chúa Giêsu. Con đường dẫn đến tự do và hạnh phúc đích thực, là sự tự hạ để phục vụ. Những vấp ngã và hoán cải của các môn đệ là sự khích lệ lớn cho chúng ta vì chúng ta thấy mình giống họ: “Ơn Thầy đủ cho con” ( 2Cr 12,9), là lời khẳng định chắc chắn của Chúa Giêsu dành cho bất kỳ ai muốn tiếp tục theo Người.

Phaolô Nguyễn Văn Hưng

Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa vì Ngài luôn yêu thương con. Xin giúp con ngày càng cảm nghiệm nhiều hơn tình yêu vô biên của Chúa để con đứng dậy sau những vấp ngã và để on can đảm làm chứng cho tình yêu Ngài suốt đời con.
Quyết tâm: Tập yêu thích và làm những gì bé mọn, đơn sơ.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau