Cầu dừa đủ xoài – Thời điểm cần nét văn hóa Việt.
Truyện kể về một linh mục qua đời đến cổng thiên đàng, gặp thánh Phêrô giữ cửa. Thánh Phêrô hỏi:
– Con muốn vào thiên đàng phải không? Con phải kể cho cha biết khi ở trần gian con đã làm được những gì.
Linh mục trả lời:
– Thưa thánh Phêrô, con đã mở được một nhà mồ côi chăm sóc trẻ con bị bỏ rơi hoặc cha mẹ chết sớm.
– Tốt. Con được một điểm. Còn gì nữa?
– Thưa thánh Phêrô, con đã xây được một nhà thờ làm nơi giáo hữu đến dâng của lễ và cầu nguyện sốt sắng.
– Tốt. Được thêm một điểm nữa. Con còn gì nữa không?
– Thưa thánh Phêrô, con đã viết sách viết báo hướng dẫn cho người ta biết Chúa và sống ngay lành.
– Tốt, được thêm một điểm nữa. Con còn gì nữa không?
Linh mục gãi đầu:
– Thưa thánh Phêrô, vậy bao nhiêu điểm mới được vào thiên đàng cơ ạ?
– 100 điểm.
Linh mục bối rối:
– Con chỉ có bấy nhiêu việc. Còn thì mọi sự đều do ơn Chúa cả.
Thánh Phêrô nói ngay:
– Vậy thì con đủ 100 điểm để vào thiên đàng rồi.
CÔNG THỨC NẤU MÓN HẠNH PHÚC CỦA VĂN HÓA VIỆT
Câu truyện trên nói lên một phần cái cảm nghiệm từ thâm tâm mỗi người: trên mình còn có một lực lớn hơn, sức riêng của mình chỉ là phần nhỏ nhoi, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên: con người thì cứ phải lo toan tính toán, nhưng thành đạt hay không còn do ơn Trời. Đây cũng là niềm tin chung của người dân Việt qua bao thời. Người bình dân thấy rõ được việc làm ăn vất vả lam lũ cấy cầy, nhưng Ông Trời không phù hộ thì cũng vô ích. Chính vì thế mà vừa làm lụng canh tác người mình vừa cầu xin qua lời ca dao mộc mạc:
Ơn Trời mưa nắng phải thì,
Nơi thì bừa cạn nơi thì cầy sâu.
Niềm tin này cũng được diễn tả qua nét vuông tròn của văn hóa Việt. Đầu năm mọi người chúc nhau mọi sự được vuông tròn, làm ăn phát đạt. Khi có người sắp đi sinh thì chúc cho được mẹ tròn con vuông, mọi sự may lành.
Không hiểu từ thời nào mà nét tròn của bánh dầy bị mai một biến đi trong nhiều gia đình qua phong tục ngày tết. Hình ảnh tết chỉ còn được ghi lại: thịt mơ, dưa hành, câu đối đỏ; nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh. Ít thấy bánh dầy tròn! Đang khi công thức nấu món hạnh phúc của tổ tiên lại rất rõ: nét vuông phải trộn kỹ với nét tròn thì mới vuông tròn sung mãn được. Nét vuông chỉ đất, vật chất; nét tròn chỉ Trời, tinh thần. Vậy mà chỉ còn giữ bánh chưng không thì còn chúc nhau hạnh phúc làm sao được, nên cứ bị khốn khổ tối tăm mặt mày là phải! Không khéo mà người mình lại đi dạy cho con cháu cái “chủ thuyết” duy vật trong phong tục ngày tết. Rõ ràng đây nhá: sau khi chúc tuổi và lì xì cho con cháu xong, cả nhà bày bánh chưng ra ăn, gọi là ăn tết, không thấy dấu vết bánh dầy đâu.Trong thực tế và trong vô thức, nhiều người đã cổ võ chủ nghĩa duy vật từ lâu, mang cả vào trong ngày tết là ngày linh thiêng nhất, là ngày quyết định hướng nhìn và hướng đi cho cả năm. Bỏ bánh dầy là vất Trời tròn đi, cho ông Trời “lây-óp”, để quyết cậy vào sức riêng cho là vuông vắn của mình, thì khấm khá thế nào được!
Thế mới phải lãnh đủ.
Ta về ta dựng mây lên
Trời xe mây lại một bên hòn Lèn.
Ở miền Nam nhiều nơi có thói quen tết bằng bốn thứ trái cây: mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài. Ấy là muốn diễn tả niềm tin cậy vào ơn Trời tròn cho cả năm với ý nguyện “cầu vừa đủ sài”. Nhưng vào thời buổi thờ thần đô la trọng tài khinh nghĩa này, một vài người bèn nói chơi là thay vì mãng cầu thì tết bằng trái chôm chôm cho chắc ăn. Có nghĩa là nhiều người không cần cầu nữa, mà chỉ lo đi chôm chỉa chộp giật cho lợi tức gia tăng theo đà “tiến hóa tất yếu của lịch sử người là con vật rình mồi”.
Có lần một người Mỹ trắng đến tham dự một buổi hội chợ Tết Việt để tìm hiểu nét văn hóa người mình qua sinh hoạt ngày tết, đã nhận xét một câu ngắn gọn nhưng làm giật mình: “Tôi đọc truyện hoàng tử Tiết Liệu làm bánh dầy bánh chưng mà được nối ngôi làm vua thì cũng ham quá. Nhưng vào đây tôi tìm mãi mà chưa thấy bánh dầy đâu”.
Bánh dầy như người Mỹ này nói không chỉ là đồng bánh dầy bị bỏ mất trong phong tục ngày tết, mà còn là những nét tròn đề cao tâm linh và giáo dục như hoàng tử Tiết Liệu đã được thần linh soi sáng cho biết. Những sinh hoạt chỉ diễn nét vuông không thôi thì cũng phải coi chừng lắm.
TIN VUI CHO LỜI CHÚC LÀM ĂN PHÁT ĐẠT
Ngày đầu năm người mình có phong tục “xông nhà”. Được người tốt phúc đến chúc tuổi thì may biết chừng nào, như kiểu bà Eligiabet đã nói với người em họ là Maria: “Bởi đâu tôi được mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi, vì tai tôi vừa nghe lời em chào thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi”. Ai cũng chúc nhau một năm hạnh phúc, được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Nhưng có được như vậy không lại là một chuyện khác. Chả lẽ đây chỉ là chuyện may rủi?!
Tin Vui tuần này kể lại câu truyện mẻ cá lạ. Các môn đệ lam lũ cực nhọc suốt đêm mà chả được gì cả, nhưng khi nghe lời Chúa Giêsu “hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá” (Luca 5:4) , thì đã “bắt được rất nhiều cá, lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho cho các bạn chài ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm” (Luca 5:6-7).
Muốn làm ăn khấm khá phát đạt thì hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu. “Chỗ nước sâu” được khoa tâm lý miền sâu ngày nay diễn tả là chính cõi tâm, đời sống nội tâm. Đang khi các hoàng tử khác của vua Hùng lo hướng ngoại vật chất, đi khắp nơi để kiếm tìm cách thức đạt điểm để có thể nối ngôi làm vua sống sang giầu hạnh phúc, thì hoàng tử Tiết Liệu lại tìm vào sức mạnh của nội tâm. Ông thấy sức mình quá giới hạn, lại thấp cổ bé miệng, nên lo đi trồng mãng cầu, tức là tìm cầu khẩn ơn Trời. Mà quả thực, khi tin tưởng và cầu khấn với thần linh, ông đã được ơn soi sáng biết được công thức nấu món hạnh phúc, làm ăn phát đạt, được nối ngôi làm vua.
PHÚT CẢM NHẬN VUÔNG TRÒN
Thánh Phêrô đã nhận ra sức riêng thật nhỏ nhoi khi chứng nghiệm thần lực Chúa lớn lao chừng nào: “Lạy Chúa, xin tránh xa con vì con là người tội lỗi” (Luc 5: 8). Tiên tri Isaia đã cảm nhận sự bất xứng của mình khi được Chúa mời gọi: “Vô phúc cho tôi, tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn”. Và thánh Phaolô cũng nhận ra mình: “Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ hội thánh của Chúa”. Tất cả đều thấy rõ nét vuông của sức mình mà tin tưởng vào sức thiêng Trời tròn: Có Chúa chăn dẫn tôi, tôi luôn được đầy đủ.
Chả lẽ mình quá tin tưởng vào nét vuông trong việc làm ăn hiện tại để đến nỗi không còn giờ cầu nguyện, không còn dành đủ giờ cho nét tròn của đời sống nôi tâm?
Vâng, con muốn tìm vào cõi tâm, dành ra mỗi ngày mấy phút trước khi đi ngủ để thực hành công thức nấu món hạnh phúc vuông tròn, như tâm tình ca dao Việt luôn tin tưởng vào ơn Trời.
Non kia ai đắp nên cao
Sông kia ai bới ai đào mà sâu
cầu vừa đủ sài
Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường
Trích “Nhịp Múa Sông Thanh”