CÁNH CỬA DUY NHẤT VÀO THIÊN ĐÀNG

Phải chăng bạn vẫn tự xem mình là người có đầu óc phóng khoáng, sẵn sàng chấp nhận nhiều quan điểm khác nhau? Nếu đúng như vậy thì xin bạn hãy xét qua một số tình huống sau đây:

Giả sử bác sĩ của bạn bảo: “Anh đang bị đau tim, cần phải phẫu thuật. Anh phải chọn bác sĩ thực hiện việc này”. Bạn sẽ đáp thế nào? Có phải bạn đáp: “Ồ, bác sĩ nào cũng được. Bác sĩ nhi khoa, hoặc bác sĩ đa khoa, bác sĩ nào cũng được. Tôi dễ chịu lắm.” Dĩ nhiên là không. Bạn không thể có “thái độ cởi mở” trong vấn đề này. Bạn sẽ chọn một bác sĩ chuyên về tim giỏi nhất trong phạm vi khả năng của mình.

Còn vấn đề hôn nhân. Phải chăng bạn nói: “Người phụ nữ nào cũng được” hoặc “Người đàn ông nào cũng ổn cả?” Không bao giờ! Bạn phải rất cẩn trọng khi chọn một người bạn đời. Bạn không thể “cởi mở” khi vấn đề liên hệ đến người vợ hay chồng tương lai của mình.

Rồi khi đi mua một món hàng giá trị, một chiếc xe chẳng hạn, thì sao? Phải chăng bạn bước vào cửa hàng và nói: “Cứ lấy đại cho tôi một chiếc; xanh, đỏ, vàng, trắng gì cũng được”? Dĩ nhiên là không. Bạn phải nhờ người bán hàng đưa bạn đi xem nhiều kiểu xe với nhiều màu sắc khác nhau trước khi bạn quyết định chọn một chiếc cho mình.

Sự thật là không có ai trong chúng ta có đầu óc “cởi mở” trong mọi việc như chúng ta vẫn thường nghĩ về mình như vậy. Chúng ta có thể cởi mở về một số vấn đề, nhưng chúng ta lại tỏ ra cân nhắc về một số vấn đề khác. Vấn đề càng lớn và nếu kết quả của sự quyết định sẽ ảnh hưởng lâu dài, nghiêm trọng thì chúng ta càng phải cân nhắc nhiều hơn.
“Hãy vào cửa hẹp vì cửa rộng và đường thênh thang dẫn đến sự hư mất; kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống; kẻ kiếm được thì ít”. (Mt 7,13-14).

Chỉ có một cửa vào thiên đàng.

Đức Giêsu cho biết chỉ có một cánh cửa đưa con người vào thiên đàng. Không có cửa hông, không có cửa sau. Cũng chẳng có lối nào trên mái. Chỉ có duy nhất một cửa mà thôi. Thế nên vấn đề là bạn đã vào cánh cửa ấy chưa?
Có thể bạn bảo: “Quan niệm như thế thì hẹp hòi quá!” Tuy nhiên, không ai trong chúng ta có thái độ “phóng khoáng” đến nỗi dễ dàng chấp nhận mọi sự ngay cả điều sai. Chân lý lúc cũng có sự chuẩn mực hay giới hạn. Hai cộng hai luôn luôn là bốn. Dầu bạn là người sống ở thế kỷ 21 hay là người sống vào thời Trần Hưng Đạo, dầu bạn là người sống ở miền Nam hay miền Bắc, hai cộng hai vẫn luôn luôn là bốn. Khi bàn về sự cứu rỗi thì vấn đề không phải là chúng ta quan niệm thế nào, chúng ta cảm nhận thế nào, nhưng Chúa đã phán dạy thế nào qua Lời của Ngài. Vì Lời của Ngài là chân lý được bày tỏ cho nhân loại, đó là Lời duy nhất đáng tin khi bàn về sự cứu rỗi.

Dầu cho bạn là người tốt, cố gắng làm điều tốt,… dâng hiến, cúng tế để xây dựng chùa, miếu hoặc đi nhà thờ, đọc kinh đều đặn….và còn nhiều hơn thế nữa. Nhưng, dù việc tốt của họ nhiều đến đâu và có thể khiến họ cảm thấy dễ chịu … thì cuối cùng cũng chẳng qua là một thể hiện hào nhoáng của lòng kiêu hãnh con người, nếu chúng không được đặt nền trên một liên hệ mới với Chúa Cứu Thế.

… Chỉ có một cửa vào thiên đàng, và cửa đó chính là Đức Giêsu. Ngài phán: “Ta là cửa”. Và cách để bạn bước vào là làm mọi việc vì tình yêu đối với Chúa và với anh em đồng loại là chi thể và là hình ảnh của Ngài..…. Đức tin nơi Chúa Giêsu là một sự cam kết với Đấng đã yêu bạn, đã hy sinh vì bạn, đã tha tội cho bạn và đổi mới cuộc đời của bạn. Đó không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ phạm tội nữa, mà có nghĩa là bạn sẽ không còn phạm tội mà vẫn thấy vui, thấy bình thường, hoặc không chút hối hận ….bởi mình đã xúc phạm đến Đấng yêu mình như thế.
Lạy Chúa, con ý thức rằng con cần Chúa, Đấng cứu độ duy nhất của trần gian .

Sr. Minh Nguyệt SPC

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau