Bí Tích Thánh Thể giúp bước vào sự hiệp thông với Chúa và có cuộc sống đời đời
Các Bí Tích, đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể đáp ứng ước mong trông thấy Chúa Kitô, sờ mó Ngài và hiểu biết Ngài hơn. Chúng là các dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa và là các con đường đặc ân giúp chúng ta gặp gỡ Ngài.
ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua (8.11.2017). Giải thích đoạn Phúc Âm thánh Gioan chương 6 viết rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”, ĐTC cho biết ngài bắt đầu một loạt giáo lý mới về Bí Tích Thánh Thể, là trọng tâm của cuộc sống Giáo Hội. Kitô hữu cần phải hiều biết rõ ràng giá trị và ý nghĩa của Thánh Lễ để luôn sống một cách tràn đầy hơn tương quan của mình với Thiên Chúa. Nêu bật tầm quan trọng của Thánh Lễ ĐTC nói:
Chúng ta không thể quên con số lớn lao tín hữu kitô trên toàn thế giới trong hai ngàn năm lịch sử, đã kháng cự tới chết để bênh vực Thánh Thể, và biết bao nhiêu người cả ngày nay nữa liều mạng sống để tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Vào năm 304 dưới thời hoàng đế Diocleziano bắt đạo, có một nhóm kitô hữu ở Bắc Phi đã bị bắt thình lình trong khi họ đang cử hành Thánh Lễ trong một căn nhà. Trong cuộc hỏi cung quan tổng tài Roma hỏi họ tại sao lại làm điều đó, khi biết nó bị cấm triệt để. Họ đã trả lời: “Không có Chúa Nhật chúng tôi không thể sống được”, có nghĩa là nếu chúng tôi không thể cử hành Thánh Thể, chúng tôi không thể sống, cuộc sống kitô của chúng tôi sẽ chết.
Thật thế, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Ngài rằng: “Nếu anh em không ăn thịt Con Người và không uống máu Người, anh em không có sự sống. Ai ăn thịt Ta và uống Máu ta thì có sự sống vĩnh cửu và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,53-54).
Các kitô hữu Bắc Phi này đã bị giết vì cử hành Thánh Thể. Họ đã làm chứng rằng người ta có thể khước từ cuộc sống trần gian vì Thánh Thể, bởi vì Thánh Thể trao ban cho chúng ta sự sống đời đời, bằng cách khiến cho chúng ta thông phần vào chiến thắng của Chúa Kitô trên cái chết. Đây là một chứng tá gọi hỏi chúng ta tất cả, và đòi một câu trả lời liên quan tới ý nghĩa việc từng người trong chúng ta tham dự Hy tế Thánh Lễ và tiến tới Bàn Thánh của Chúa.
** Chúng ta đang tìm về suối nguồn “vọt lên nước hằng sống” cho cuộc đời vĩnh cửu, khiến cho cuộc sống chúng ta trở thành một hy lễ tinh thần của việc chúc tụng và tạ ơn, và làm cho chúng ta trở thành một thân thể duy nhất với Chúa Kitô. Đó là ý nghĩa sâu xa của Thánh Thể, có nghĩa là tạ ơn. Thánh Thể, Eucaristia, có nghĩa là tạ ơn: tạ ơn Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, lôi cuốn chúng ta và biến đổi chúng ta trong sự hiệp thông tình yêu của Ngài.
Trong các bài giáo lý tới tôi sẽ trả lời vài câu hỏi quan trọng liên quan tới Thánh Thể và Thánh Lễ, để tái khám phá ra hay khám phá ra qua mầu nhiệm này của đức tin tình yêu của Thiên Chúa rạng ngời như thế nào.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Công Đồng Chung Vaticăng II đã được linh hoạt một cách mạnh mẽ bởi ước mong dẫn đưa các kitô hữu tới chỗ hiểu biết sự cao cả của đức tin và vẻ đẹp của việc gặp gỡ Chúa Kitô. Vì thế trước tiên, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cần hiện thực một việc canh tân Phụng vụ thích hợp, bởi vì Giáo Hội liên tục sống nhờ Thánh Thể và canh tân nhờ Thánh Thể.
Có một đề tài chính mà các Nghị Phụ đã nhấn mạnh đó là việc đào tạo phụng vụ cho các tín hữu, là điều không thể thiếu đối với một việc canh tân đích thực. Và đây cũng chính là mục đích của loạt bài giáo lý chúng ta bắt đầu hôm nay: lớn lên trong việc hiểu biết ơn cao cả Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể. ĐTC định nghĩa Thánh Thể như sau:
Thánh Thể là một biến cố tuyệt diệu trong đó Chúa Giêsu Kitô, sự sống của chúng ta, hiện diện. Tham dự Thánh Lễ “là sống một lần nữa cuộc khổ nạn và cái chết cứu chuộc của Chúa. Đó là một sự hiển linh: Chúa hiện diện trên bàn thờ để được hiến dâng cho Thiên Chúa Cha cho ơn cứu độ của thế giới” (Bài giảng Thánh Lễ, Nhà trọ Thánh Marta, 10-2-2014). Chúa ở đó với chúng ta, Ngài hiện diện. Nhưng biết bao lần chúng ta đến đó, chúng ta nhìn các sự việc, chúng ta nói chuyện bép xép với nhau, trong khi linh mục cử hành Thánh Thể… Nhưng chúng ta không cử hành gần Ngài. Nhưng đó là Chúa!
Nếu hôm nay tổng thống Cộng hoà hay vài nhân vật rất quan trọng trên thế giới đến đây, thì chắc chắn là mọi người chúng ta sẽ gần gữi ông, sẽ đến chào ông. Nhưng hãy nghĩ coi: khi bạn đi tham dự Thánh Lễ, có Chúa ở đó! Thế mà bạn lại lo ra, quay qua quay lại… Đó là Chúa! Chúng ta phải nghĩ tới điều này! “Thưa cha, vì các thánh lễ nhàm chán quá! – “Mà bạn nói gì thế, rằng Chúa là nhàm chán à!” – “ Không, không. Thánh Lễ không, các linh mục thì có”. Ôi, ước chi các liinh mục hoán cải, nhưng mà Chúa ở đó nhé! Anh chị em đã hiểu chưa? Xin đừng quên điều ấy! Tham dự Thánh Lễ “là sống một lần nữa cuộc khổ nạn và cái chết cứu chuộc của Chúa”
** Giờ đây chúng ta hãy đặt cho mình vài câu hỏi đơn sơ. Thí dụ, tại sao ta làm dấu thánh giá và có cử chỉ sám hối ở đầu Thánh Lễ? Một câu hỏi. Và ở đây tôi muốn mở một dấu ngoặc. Anh chị em đã trông thấy các em bé làm dấu thánh giá như thế nào chưa? Bạn không biết chúng làm gì, không biết đó là dấu thánh giá hay hình vẽ gì. Chúng làm như thế này này… Mà phải học chứ, phải dậy cho trẻ em làm dấu thánh giá hẳn hoi, và Thánh Lễ bắt đầu như vậy, cuộc sống bắt đầu như vậy, ngày sống bắt đầu như vậy. Điều này có nghĩa là chúng ta được cứu chuộc với thập giá của Chúa. Anh chị em hãy nhìn các trẻ em và dậy chúng làm dấu thánh giá hẳn hoi. Và các bài đọc trong Thánh Lễ, tại sao chúng ở đó. Tại sao ngày Chúa Nhật có ba bài đọc và các ngày khác lại chỉ có hai bài đọc thôi? Tại sao chúng ở đó? Bài đọc Thánh Lễ có ý nghĩa gì? Tại sao lại đọc chúng, chúng có liên quan gì? Hay tại sao tới một lúc nào đó vị linh mục chủ sự buổi cử hành nói: “Hãy nâng tâm hồn lên?”. Ngài không nói hãy giơ điện thoại di động lên để chụp hình nhé! Không. Đây là điều xấu! Và tôi xin nói, tôi rất buồn khi cử hành Thánh Lễ tại quảng trường này hay trong Đền thờ và trông thấy biết bao nhiều điện thoại di động giơ lên, không phải chỉ các tín hữu, mà cả vài linh mục và cả giám mục nữa. Tôi xin anh chị em. Thánh Lễ không phải là một cuộc trình diễn: đó là việc đi gặp gỡ cuộc khổ nạn, sự phục sinh của Chúa. Chính vì thế linh mục mới nói: “Hãy nâng tâm hồn chúng ta lên!”. Điều này có nghĩa là gì? Xin anh chị em hãy nhớ: không phải giơ điện thoại di động lên đâu nhé!
Thật rất quan trọng trở về với các nền tảng, tái khám phá ra điều nòng cốt, qua điều chúng ta sờ mó và trông thấy trong việc cử hành các Bí Tích. Lời tông đồ Tôma xin (x.Ga 20,25) được trông thấy và sờ vào các vết đanh trên thân xác Chúa Giêsu, là ước mong, trong một cách thức nào đó có thể “sờ mó” Thiên Chúa để tin nơi Ngài. Điều thánh Tôma xin Chúa là điều chúng ta tất cả cần đến: đó là trông thấy Chúa và sờ mó Chúa và có thể nhận biết Ngài. Các Bí Tích đáp trả lại đòi hỏi ấy của con người. Các Bí Tích, và một cách đặc biệt việc cử hành Thánh Thể, là các dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa, là các con đường đặc ân giúp chúng ta gặp gỡ Ngài.
Như thế, qua các bài giáo lý, mà hôm nay chúng ta bắt đầu, tôi muốn cùng anh chị em tái khám phá ra vẻ đẹp dấu ẩn trong việc cử hành Thánh Thể, và một khi được vén mở nó trao ban ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống của từng người trong chúng ta. Xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta trên đoạn đường mới này.
Linh Tiến Khải
Nguồn http://vietvatican.net