ĐTC Phanxicô: Loạt bài giáo lý về cầu nguyện – Bài 26: Cầu nguyện trong sự hiệp thông với Đức Maria

Vũ Văn An

Tại buổi yết kiến chung hàng tuần của ngài vào ngày 24 tháng 3 năm 2021, được trực tiếp phát đi từ Thư Viện Tông tòa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bác bỏ quan điểm cho rằng Đức Trinh nữ Maria nên được tôn vinh là “người đồng công cứu chuộc”. Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài nên được tôn vinh, “nhưng với tư cách là một người mẹ, chứ không phải như một nữ thần, không với tư cách là đấng đồng cứu chuộc”. Lưu ý rằng ngài đang phát biểu vào ngày vọng lễ Truyền tin, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng trong nghệ thuật ảnh tượng Kitô giáo, việc mô tả Đức Maria “luôn luôn trong liên hệ với Con của ngài và trong liên kết với Người. Mẹ luôn hướng ta tới trung tâm: là Chúa Giêsu”.
Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha, vẫn dựa vào chủ đề cầu nguyện, nhưng tập chú vào điểm: “Cầu nguyện trong sự hiệp thông với Đức Maria”:

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Bài giáo lý hôm nay được dành riêng cho việc cầu nguyện trong sự hiệp thông với Mẹ Maria. Nó diễn ra đúng vào ngày vọng Lễ Truyền tin. Chúng ta biết rằng con đường chính của việc cầu nguyện Kitô giáo là nhân tính của Chúa Giêsu. Thực thế, sự tin tưởng rất đặc trưng của lời cầu nguyện Kitô giáo sẽ vô nghĩa nếu Ngôi Lời không nhập thể, ban cho chúng ta, trong Chúa Thánh Thần, mối liên hệ hiếu thảo của Người với Chúa Cha. Chúng ta đã nghe trong Kinh thánh về cuộc tụ họp của các môn đệ, các phụ nữ ngoan đạo và Đức Maria, để cầu nguyện sau khi Chúa Giêsu lên trời. Cộng đồng Kitô hữu đầu tiên đang chờ đợi hồng phúc của Chúa Giêsu, lời hứa của Chúa Giêsu.

Chúa Kitô là Đấng Trung gian, Chúa Kitô là nhịp cầu mà chúng ta vượt qua để đến với Chúa Cha (xem Sách Giáo lý Của Giáo Hội Công Giáo, 2674). Người là Đấng Cứu Chuộc duy nhất: không có ai đồng cứu chuộc với Chúa Kitô. Người là Đấng duy nhất. Người là người hòa giải tuyệt vời. Người là Đấng Trung gian. Mỗi lời cầu nguyện mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa đều qua Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô và lời cầu nguyện được ứng nghiệm nhờ sự chuyển cầu của Người. Chúa Thánh Thần kéo dài sự trung gian của Chúa Kitô ra mọi thời đại và mọi nơi chốn: không có danh nào khác nhờ đó chúng ta được cứu rỗi: mà chỉ có Chúa Giêsu Kitô, Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại (xin xem Công vụ 4:12).

Nhờ sự trung gian duy nhất của Chúa Kitô, các qui chiếu khác mà các Kitô hữu tìm kiếm để cầu nguyện và sùng kính có ý nghĩa, trong số này, trước hết, là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu.

Mẹ chiếm một vị trí đặc biệt trong đời sống của các Kitô hữu, và do đó, trong lời cầu nguyện của họ, bởi vì Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu. Các Giáo hội Đông phương thường mô tả ngài là Odigitria, người “chỉ đường”; và đường đây là Con của Mẹ, Chúa Giêsu Kitô. Bức tranh cổ kính tuyệt đẹp Odigitria trong Nhà thờ Chính tòa Bari hiện lên trong tâm trí tôi. Nó đơn giản. Madonna chỉ cho thấy một Chúa Giêsu ở truồng; sau đó, người ta mặc áo cho Người để hết cởi truồng, nhưng sự thật là Chúa Giêsu cởi truồng, chính Người, làm người, sinh bởi Đức Maria, là Đấng Trung gian. Và Đức Mẹ chỉ cho ta Đấng Trung gian: ngài quả là Odigitria. Sự hiện diện của Mẹ ở khắp mọi nơi trong nghệ thuật ảnh tượng Kitô giáo, đôi khi rất nổi bật, nhưng luôn trong liên quan với Con của Mẹ và trong liên kết với Người. Đôi tay, đôi mắt, hành vi của ngài là một “bài giáo lý” sống động, luôn chỉ cho thấy bản lề, luôn chỉ cho thấy trung tâm: là Chúa Giêsu. Mẹ Maria hoàn toàn qui hướng về Người (xem Sách Giáo lý Của Giáo Hội Công Giáo, 2674) đến độ chúng ta có thể nói Mẹ là môn đệ hơn là Mẹ. Những hướng dẫn ngài đưa ra trong đám cưới ở Cana: “Hãy làm bất cứ điều gì ngài sẽ nói với các anh”. Ngài luôn qui chiếu vào Chúa Kitô. Ngài là môn đệ đầu tiên.

Đó là vai trò mà Mẹ Maria đã hoàn thành trong suốt cuộc đời trần thế của Mẹ và là vai trò mà Mẹ vẫn giữ mãi mãi: trở thành người tớ gái khiêm nhường của Chúa, không gì hơn. Tại một thời điểm nào đó trong các sách Tin Mừng, ngài gần như biến mất; nhưng rồi Mẹ lại xuất hiện vào những thời khắc quan trọng hơn, chẳng hạn như tại Cana, khi Con Mẹ, nhờ sự can thiệp đầy quan tâm của Mẹ, thực hiện “dấu lạ” đầu tiên của Người (xem Ga 2: 1-12), và sau đó trên Golgotha dưới chân Thánh giá.

Chúa Giêsu đã mở rộng vai trò làm mẹ của Đức Maria ra toàn thể Giáo hội khi Người giao phó Mẹ cho môn đệ yêu dấu của Người không lâu trước khi chết trên thánh giá. Kể từ đó, tất cả chúng ta đã được tập hợp dưới tà áo của Mẹ, như được mô tả trong một số bích họa hoặc bức tranh thời Trung cổ. Ngay cả bản điệp xướng tiếng Latinh đầu tiên – sub tuum praesidium confugimus, sancta Dei Genitrix (chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời): Madonna, người ‘bao bọc’, giống như một người Mẹ, người mà Chúa Giêsu đã giao phó chúng ta cho ngài, tất cả chúng ta; nhưng với tư cách là Mẹ, không phải như một nữ thần, không phải như người đồng công cứu chuộc: như là Mẹ. Đúng là lòng đạo đức Kitô giáo luôn dành cho Mẹ những danh hiệu đẹp đẽ, như một đứa trẻ dành cho mẹ của em: biết bao điều đẹp đẽ mà con cái nói về người mẹ của các em, người mà chúng vô cùng yêu quý! Biết bao điều đẹp đẽ. Nhưng chúng ta cần phải cẩn thận: những điều Giáo hội, các Thánh nói về Mẹ, những điều đẹp đẽ, về Mẹ Maria, không lấy mất điều gì khỏi việc Cứu chuộc duy nhất của Chúa Kitô. Người là Đấng Cứu Chuộc duy nhất. Chúng là những biểu thức yêu thương như một đứa trẻ dành cho mẹ của em – một số còn phóng đại nữa. Nhưng, như chúng ta biết, tình yêu luôn khiến chúng ta phóng đại mọi sự, nhưng chỉ do tình yêu.

Và vì vậy, chúng ta bắt đầu cầu nguyện với Mẹ bằng cách sử dụng một số diễn đạt có sẵn trong các sách Tin Mừng nói về ngài: “đầy ơn phúc”, “bà có phước lạ hơn mọi người nữ” (xin xem Sách Giáo lý Của Giáo Hội Công Giáo, 2676f.). Được công nhận bởi Công Đồng Êphêsô, tước hiệu “Theotokos”, “Mẹ Thiên Chúa”, đã sớm được thêm vào Kinh Kính Mừng. Và, tương tự như với Kinh Lạy Cha, sau lời ngợi khen, chúng ta thêm lời khẩn cầu: chúng ta cầu xin Mẹ Maria cầu nguyện cho chúng ta là những kẻ tội lỗi, để Mẹ cầu bầu với sự dịu dàng của Mẹ, “bây giờ và trong giờ lâm tử”. Bây giờ, trong những tình huống cụ thể của cuộc sống, và trong giây phút cuối cùng, để Mẹ có thể đồng hành với chúng ta – như là Mẹ, như là người môn đệ đầu tiên – trong hành trình của chúng ta tiến đến sự sống vĩnh cửu. Mẹ Maria luôn hiện diện bên giường bệnh của con cái ngài khi chúng rời khỏi thế giới này. Nếu ai đó cô đơn và bị bỏ rơi, thì Mẹ là Mẹ, Mẹ ở đó, ở gần, như Mẹ đã ở bên cạnh Con Mẹ khi mọi người khác bỏ rơi Người.

Đức Maria đã và đang hiện diện trong những ngày đại dịch này, gần với những người, thật không may, đã kết thúc cuộc hành trình trần thế của họ một mình, không có sự an ủi hoặc gần gũi của những người thân yêu của họ. Mẹ Maria luôn ở đó bên cạnh chúng ta, với sự dịu dàng mẫu thân của mẹ.

Những lời cầu nguyện với Đức Mẹ không phải là vô ích. Người phụ nữ từng nói “xin vâng”, người đã nhanh chóng đón nhận lời mời của Thiên thần, cũng đáp lại những lời khẩn cầu của chúng ta, Đức Mẹ nghe thấy tiếng nói của chúng ta, ngay cả những tiếng nói của chúng ta bị khoá kín trong trái tim chúng ta không đủ sức để thốt ra nhưng Thiên Chúa biết rõ hơn chính chúng ta. Đức Mẹ lắng nghe với tư cách là Mẹ. Cũng giống như mọi người mẹ tốt, và còn hơn thế nữa, Đức Maria bảo vệ chúng ta khỏi nguy hiểm, Mẹ quan tâm đến chúng ta ngay cả khi chúng ta tập trung vào những việc riêng và mất ý thức về đường đi, và khi chúng ta không chỉ đặt sức khoẻ của mình vào tình trạng nguy hiểm, mà còn là sự cứu rỗi của chúng ta. Mẹ Maria ở đó, cầu nguyện cho chúng ta, cầu nguyện cho những người không cầu nguyện. Cầu nguyện với chúng ta. Tại sao? Vì Mẹ là Mẹ của chúng ta.

Nguồn: http://vietcatholicnews.org

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau