Chúa Nhật, 24.01.2021
Nhận Lỗi Lầm Để Được Thứ Tha
Chúa Nhật Tuần III Thường Niên
Lời Chúa
Gn 3,1-5.10 • Tv 24,4bc-5ab.6-7bc.8-9. (x. c. 4b) • 1 Cr 7,29-31 • Mc 1,14-20
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.
Bài giảng Phúc Âm – Lm. GB. Phương Đình Toại
Sống Lời Chúa
“Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1,15).
Nhận Lỗi Lầm Để Được Thứ Tha
Do Thái giáo sau thời kỳ lưu đày bị giằng co giữa hai khuynh hướng: hoà giải và phổ quát hoặc là khép kín và loại trừ. Bài đọc I trích sách Giôna cho thấy vị ngôn sứ đã chuyển từ thái độ khép kín, thù địch, xem mình là dân riêng, dân ưu tuyển, sang thái độ hoà giải và phổ quát, công tác để loan truyền sứ điệp yêu thương và ơn cứu rỗi của Thiên Chúa tới mọi dân nước. Với tinh thần này, vị ngôn sứ đến cảnh tỉnh thành phố dân ngoại Ninivê, nên dân thành đã ăn chay sám hối, bỏ đời sống xấu xa hiện tại; nhờ đó họ đã được Chúa thứ tha. Từ kinh nghiệm của ông Giôna, chúng ta được mời gọi từ bỏ tính loại trừ người khác. Thiên Chúa đến tìm kiếm người tội lỗi để tha thứ, nhưng ngược lại, có khi nào chúng ta cản trở hay thậm chí loại trừ người nào đó ra khỏi chương trình cứu độ của Thiên Chúa hay không?
Bài Tin Mừng cũng nói về việc Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ của Người và khai mở Triều đại mới bằng lời mời gọi sám hối. Yếu tố nay mang chiều kích lịch sử. Có thể nói lịch sử Israel là một lịch sử thăng trầm, và dường như trầm nhiều hơn thăng, do họ quay lưng với Chúa. Vì thế, kể từ thời Đavít-Salomon về sau, Dân Israel dần dần hướng về Đấng Mêsia, về một vương quốc thái bình thịnh vượng. Rồi Đức Giêsu đến, trong tư cách Mêsia, Người khai mở một triều đại mới, một vương quốc mới, một thời kỳ thái bình như lời đã hứa. Triều đại đó bắt đầu không phải bằng sự thanh trừng hay giáng phạt, nhưng bằng lời mời gọi người ta thay đổi lối sống để được hạnh phúc bất diệt. Vì vậy, khởi đầu Tin Mừng, Đức Giêsu đã loan đi thông điệp: “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Sám hối không chỉ là tránh tội này chừa tội kia, nhưng là một cuộc biến đổi tận căn. Sám hối là bước vào đời sống mới trong Đức Kitô, dựa vào các giá trị Tin Mừng và theo sự hướng dẫn của Thần Khí. Trong cuộc sống, có khi Thiên Chúa gửi những biến cố hay các sứ giả nào đó đến để cảnh tỉnh chúng ta, như trong trường hợp của dân thành Ninivê, nhằm giúp chúng ta ý thức tội lỗi của mình, biết hối cải quay về mà được thứ tha. Thánh Thomas Carlyle khẳng định rằng “không nhận ra lỗi lầm là lỗi lầm lớn nhất của mọi lỗi lầm”. Chúng ta có biết rằng Thiên Chúa không chấp chúng ta vì đã phạm tội, nhưng sẽ chấp chúng ta vì đã không biết hoán cải để được tha thứ hay không?
Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam