Chúa Nhật, 31.05.2020 – Ơn Của Chúa Thánh Thần
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Lễ trọng
Cv 2,1-11 • Tv 103,1ab và 24ac.29bc-30.31 và 34 • 1Cr 12,3b-7.12-13 • Ga 20,19-23
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.
Nghe suy niệm Lời Chúa
Nguồn: chanlyviet.net – Đài Chân Lý Á Châu
Sống Lời Chúa:
“Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha.
Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại.” (Ga 20,23)
Ơn Của Chúa Thánh Thần
Khi chúng ta hỏi Chúa Thánh Thần là ai, Giáo hội đã tuyên xưng rằng: “Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống…” Kinh Thánh dạy chúng ta nhận biết Người qua hình ảnh, dấu chỉ và hệ quả mà Người tác động trên chúng ta và trong thế giới.
Tân Ước diễn tả Người qua bốn hình ảnh: Thánh Gioan dùng từ Pnuema, tương đương với từ Ruah trong tiếng Hipri nghĩa là hơi thở, và hơi thở nói về sự sống từ thuở Tạo dựng Đất Trời (St 2,7; Tv 33,6). Sách Tông đồ Công vụ dùng hình ảnh của gió, của lửa, của lưỡi. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa tỏ mình ra cho ông Môsê giữa bụi gai rực cháy (Xh 3,2). Lửa là sự hiện diện của Thiên Chúa để cho dân Israel thấy khi Người lập giao ước dưới chân núi (Đnl 1,33) và lửa hướng dẫn dân Do Thái trong sa mạc (Xh 13,21). Thiên Chúa chính là ngọn lửa thiêu (Hb 12,29) chỉ sự thánh thiện của Người.
Hình ảnh của lưỡi nhắc chúng ta về Lời của Thiên Chúa, Lời tạo dựng. Lời cứu độ, Lời hằng sống.
Các ngọn lưỡi lửa được trao ban cho các Tông đồ, những chứng nhân trụ cột trong hoạt động rao giảng Tin Mừng. Nhờ Chúa Thánh Thần, họ có thể nói Lời của Thiên Chúa. Và kết quả đầu tiên vượt quá trí thông minh và tưởng tượng của con người: “Chúng ta đây, có người là dân Pácthia, Mêđi, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđê, Cáppađôkia, Pontô, và Axia, có người là dân Phyghia… vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (Cv 2,9-11).
Sách Tông đồ Công vụ giúp chúng ta nhận thức hồng ân của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô. Nhân loại thời tháp Baben vì kiêu căng, tin vào trí tuệ của mình để vươn tới trời cao, mà Thiên Chúa đã khiến họ nói nhiều thứ tiếng khác nhau (St 11,1-9), khiến họ tự chia rẽ và mất đi sức mạnh, khiến họ tự gây ra chiến tranh để huỷ hoại lẫn nhau. Thiên Chúa như đã thách thức họ, nếu họ có thể dùng lời đối thoại để hiệp thông với nhau trong khác biệt, họ sẽ tìm lại được sức mạnh mà Thiên Chúa ban. Hôm nay, Chúa Thánh Thần đã ban cho những Kitô hữu khả năng nối kết và giúp mọi người hiệp thông với nhau, đây là điều kiện tiên quyết của bình an và hạnh phúc trong thế giới.
Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến và biến đổi chúng con. Xin gia tăng đức tin, lòng mến Chúa nơi chúng con, xin cho chúng con được luôn kết hợp với Người trong đời sống chứng tá.
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam