Buổi họp mặt chia sẻ Lời Chúa trong tháng 10/2016 của GĐVSĐT được tổ chức vào sáng ngày Chúa nhật 30/10/2016 tại Hội trường lưu xá sinh viên – Dòng Thánh Phao lô Sài gòn. Tham dự buổi chia sẻ là các cô chú – anh chị đồng hành và các anh chị em tân tòng các khóa.
Để bắt đầu buổi chia sẻ, anh Hiển mời mọi người cùng chung lời ca chúc tụng Chúa và cùng đọc chung đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca 19, 1-10.
1Sau khi vào Giêrikhô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. 2Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó. 5Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” 6Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” 8Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” 9 Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. 10Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
Các thành viên được mời gọi chọn một câu hoặc một đoạn Kinh Thánh đánh động tâm hồn mình để cùng chia sẻ với nhau.
Sự khao khát tìm gặp Chúa nơi Dakêu (Lc 19, 3-5)
Trong cuộc sống, chị Huệ chia sẻ chị cảm thấy mình chỉ là người nhỏ bé trong đám đông. Như Dakêu, chị cũng nhiều lần đến Nhà Thờ, muốn tìm hiểu Chúa là ai? Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn làm cho chiều nhiều lúc buông tay, không nhớ đến Chúa. Chị xin mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện với chị, để cho chị thêm vững tin vào Chúa.
Với anh Hiển, anh cảm nhận được Dakêu trong bài Kinh Thánh ý thức được thể trạng thấp kém của mình. Vì vậy, ông đã có cách chủ động leo lên cây để xem thấy Chúa. Anh ấn tượng với hành động dứt khoát khi gặp Chúa của Dakêu. Nhìn lại mình, là một Kitô hữu, nhưng đôi khi anh lười biếng trong việc tìm hiểu về Chúa, cứ an tâm với suy nghĩ Chúa sẽ lo cho mình. Nhìn lại hành động của Dakêu để thay đổi, biết sống gắn kết với Chúa ngay từ bây giờ.
Với chị Trang, đoạn Tin Mừng này nhắc chị nhớ đến lòng thương xót của Chúa. Như Dakêu vì đã cố gắng tìm gặp Chúa để rồi được Chúa đoái thương và viếng thăm; chị cũng được Chúa xót thương khi chị đã vượt qua nỗi lo sợ trời mưa gió để đến Nhà Thờ gặp gỡ Ngài. Chị cũng cầu mong mọi người đều cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa dành cho mình, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng thương xót này.
Qua Dakêu để nhận ra Đức Tin của mình còn yếu kém (Lc 19, 3)
Anh Dương cảm nhận được mình cũng như ông Dakêu, không chỉ về thể trạng thấp bé, nhưng còn “lùn” trong Đức Tin. Anh xin mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện cho anh biết tìm gặp Chúa trong cuộc sống và qua các anh chị em xung quanh.
Chị Phương cũng xin các thành viên giúp cầu nguyện để xin thêm Đức Tin, để chị luôn nhớ đến Chúa và tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh.
Chúa gọi Dakêu hay gọi tôi?
“Này ông Dakêu, xuống mau đi” – Câu Kinh Thánh ngắn gọn nhưng đánh động tâm hồn chị Thu Hằng. Chị cảm nhận như Chúa đang gọi mình. Là một người tân tòng, đã biết Chúa và theo Chúa, nhưng hình như tôi vẫn ở vai trò quan sát. Tôi vẫn ở trên cây như Dakêu, đển để thấy Chúa và quan sát Chúa vì từ lúc theo đạo đến nay, tôi vẫn chưa làm được gì cho Chúa. Vì những e ngại, lo lắng mình không có khả năng để làm việc Nhà Chúa mà chị chưa quyết định dấn thân, tham gia một hội đoàn nào. Vì thế, câu Kinh Thánh này nhắc chị cứ đến với Chúa. Chị cũng xin gia đình cùng cầu nghiệp cho chị được vững tin để bước theo Chúa.
Lòng thương xót của Chúa (Lc 19, 7 & Lc 19, 9-10)
Chị Cúc cảm nhận được sự bao dung của Chúa khi Người hạ mình đến nhà người tội lỗi. Hành động của Chúa dạy tôi sống khiêm nhường, phục vụ dù trong hoàn cảnh nào. Xin Chúa cho con tinh thần khiêm nhường, biết phục vụ mọi người như Chúa.
Em Hùng đặt mình ở vị trí Dakêu, khi đang ở trên cây, nghe mọi người xung quanh xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ”, chắc sẽ rất xấu hổ. Là một người thu thuế và bị xếp vào hạng người tội lỗi, nhưng ông có lòng khát khao được gặp Chúa. Đáp trả lại, Chúa đã tỏ lòng bao dung và đón nhận ông. Em cũng chia sẻ thêm, là một người tân tòng, em cảm thấy rất xúc động khi nói về Chúa. Tuy là một người mạnh mẽ, nhưng trước Chúa, em cảm thấy tâm hồn mình “mềm” lại trước Ngài.
Anh Cao Minh Hải: Câu Kinh Thánh (Lc 19, 7) giúp anh liên hệ với tình trạng con người hiện nay khi nhiều người có thể vì ham vui mà tham gia vào các Hội đoàn, thiếu ý thức và sự bền chí. Điều này nhắc nhở anh trong đời sống Đức Tin, khi đối diện với số đông ham vui, anh phải đón nhận và giúp đỡ họ nhận biết Chúa để họ ý thức hơn khi đến với Chúa.
Em Trung nhìn nhận cuộc sống con người phụ thuộc vào người khác, như đám đông xầm xì khi Chúa đến nhà ông Dakêu. Tôi cũng vậy, lúc nào tôi cũng sống theo số đông, nhưng không theo lý trí của mình hướng dẫn. Chỉ khi sai trái, tôi mới chạy đến với Chúa xin Ngài tha thứ và hướng dẫn. Xin cho con thêm Đức Tin, để con phân biệt phải trái thay vì sống theo tâm lý của đám đông.
Anh Khôi cảm nhận được Chúa rất bao dung và rộng lượng. Chúa đến để “tìm và cứu những gì để mất”. Chúa đến phải chăng để tìm lại chân – thiện – mỹ cho con người? Chúng ta cần phải gặp gỡ Chúa vì chỉ có Chúa mới đem lại những gì tốt nhất cho con người. Xã hội hiện nay mất rất nhiều, từ cuộc sống bon chen, tranh giành, đến môi trường bị hủy diệt, mất dần chân-thiện-mỹ. Đoạn Kinh Thánh nhắc bản thân tôi phải tìm và làm điều tốt như Chúa.
Em Yến cảm nhận được lòng thương xót Chúa ở câu “bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”. Trong cuộc sống hiện nay, con người không sống tử tế như xưa. Với bản năng tự vệ của con người, tôi thường tránh xa những người không tốt. Câu Kinh Thánh nhắc cho tôi mọi người đều là con cái Chúa, tôi phải đến với họ vì qua tôi, họ có thể thấy khuôn mặt của Chúa và có thể thay đổi vào một ngày nào đó.
Liên hệ đến chia sẻ của em Yến, anh Hiệp giới thiệu quyển sách “Làm sao để tha thứ” đã được post lên trang web gdvsdt.com của GĐVSĐT, để mọi người học cách tha thứ cho nhau.
“Hôm nay ơn cứu độ đã đến nhà này” – Chị Lộc cảm nhận khi ta làm điều tốt thì ơn Chúa sẽ đổ xuống cho ta.
Chị cũng chia sẻ thêm về bản thân: Chị theo đạo từ năm 15 tuổi. Sau khi lập gia đình, chồng chị không muốn vợ giữ đạo. Chị đã kiên trì cầu nguyện và đã được giữ đạo. Chị khóc khi chia sẻ mặc dù chị đốc thúc và rất muốn chồng biết Chúa và theo đạo, nhưng đến hôm nay anh vẫn chưa theo đạo, dù vẫn đưa chị đi lễ và tham gia sinh hoạt với GĐVSĐT.
Chia sẻ với chị Lộc, chị Cúc cũng chia sẻ về gia đình mình, khi chồng là một người tân tòng, nhưng anh không còn đi lễ ngày Chúa nhật mặc dù vẫn tin vào Chúa. Chị vẫn kiên trì cầu nguyện cho chồng nhưng không đốc thúc anh phải sống đạo.
Em Hùng chia sẻ: Là một người tân tòng, ban đầu em cũng bị vợ đốc thúc, nhắc nhở sống đạo. Nhưng em nghĩ Đức Tin chỉ đến khi tự bản thân cảm nhận được Chúa và tự tìm đến Chúa. Vì vậy, không nên đốc thúc vì có thể gây khó khăn và ác cảm cho người đang tìm kiếm Chúa.
Chị Thanh Hằng cũng đồng ý kiến với chị Cúc và em Hùng. Chị nghĩ cứ tin tưởng và kiên nhẫn cầu nguyện, còn mọi sự Thiên Chúa sẽ lo liệu.
Mọi người cùng đọc một kinh “Lạy Cha” cầu nguyện cho gia đình chị Lộc, chị Cúc và các anh chị em tân tòng được sớm tìm gặp Chúa.
Anh Minh Hải khi chia sẻ về câu 9, anh cảm nhận Chúa mở lòng cho mọi người, chỉ là ta có mở lòng với Chúa hay không?
Anh Hiệp cảm nhận được lòng bao dung của Chúa qua câu: “Vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Không ai buộc Chúa phải đến nhà Dakêu nhưng Chúa lại đến. Điều này thể hiện lòng bao dung của Chúa, Ngài đến để cứu rỗi. Tính bao dung cần phải được tập luyện để có lòng bao dung như Chúa, bao dung cả với người tội lỗi. Xin Chúa cho con biết bao dung với anh chị em xung quanh, để con thể hiện tình yêu Chúa cho mọi người.
Chị Thanh Hằng: Trong cuộc sống, con người có những sai phạm. Khi ta đến với người tội lỗi và khuyên nhủ họ, là ta đã học từ Chúa.
Kết thúc buổi chia sẻ Lời Chúa, các thành viên được mời gọi thực hành lòng bao dung – quảng đại như Chúa đối với những người xung quanh ta.
Anh Hiệp cũng thông báo GĐVSĐT sẽ tổ chức một chuyến đi vùng xa để tặng quà cho trẻ em nghèo, nhằm thực hành bài Kinh Thánh hôm nay là biết quảng đại cho đi như Dakêu khi được đón tiếp Chúa.
Buổi chia sẻ Lời Chúa kết thúc bằng lời cầu nguyện và tạ ơn. Xin Chúa chúc lành cho ngày nghỉ cuối tuần và một tuần sống mới được tốt đẹp.