THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (6)

GIÚP CON TRẺ THÍCH NGHI VÀO CUỘC SỐNG XÃ HỘI 

Khuất phục tinh thần cạnh tranh trong gia đình và đặc biệt giữa con cái là một trong những bổn phận khó khăn và cấp bách nhất đối với bố mẹ có lương tâm. Vì sự cạnh tranh này làm con cái mất đi sự thích thú nhau, nên bất cứ kinh nghiệm thích thú hỗ tương nào cũng đều làm giảm sự cạnh tranh. Điều mà gia đình cần là sinh hoạt chung và sở thích chung. Hai yếu tố này làm tăng cường cảm giác thuộc về và là liều thuốc chống lại sự phân chia qua sự cạnh tranh. Trò chơi cho mọi người cơ hội cùng nhau sinh hoạt, những cuộc đi ra ngoài lôi cuốn những sở thích chung, những cuộc hội thảo mời gọi mọi người diễn tả ý kiến, tất cả những sinh hoạt đó đều mang lại hiệu quả tuyệt đối nhất là nếu có cả bố mẹ cùng tham dự. Nhưng nếu không có sự cố gắng, sinh hoạt của nhóm sẽ ít phát triển. Những trò chơi có thể vẫn còn có sự cạnh tranh bởi nó cho phép đứa náy cái ưu thế thắng vượt trong khi đứa khác phải bị phục tùng. Vì thế, mỗi đứa trẻ nên được huấn luyện cho sự lãnh đạo và cho sự phục tùng. Những cách thế dân chủ phải được phát triển trong gia đình để rồi từ đó nối dài đến những sinh hoạt xã hội rộng lớn hơn. 

Đối với vấn đề xã hội, chúng ta có nên cứu những con trẻ chúng ta khỏi những ảnh hưởng xấu của thế giới bên ngoài không? Người ta nghe tiếng kêu la: “Hãy bảo vệ con trẻ chúng ta!” Đòi hỏi này có ý hướng tốt nhưng nguy hiểm. Con trẻ chúng ta đã được bảo vệ thái quá. Quá chú ý đến việc bảo vệ chúng, chúng ta quên chuẩn bị cho chúng đối diện với cuộc đời trắc trở tương lai. Điều chúng cần không phải là bảo vệ, nhưng là khích lệ. Hãy để chúng đối diện với những biến cố của cuộc đời. Người ta không thể che dấu chúng mãi. Nhưng bố mẹ có thể giúp con cái phát triển thái độ đứng đắn đối với cuộc đời: can đảm và đồng cảm, cảm thông và giúp đỡ. Thay vì cấm chúng nghe những câu chuyện dễ sợ của đài thông tin, bố mẹ có thể giúp chúng đánh giá những câu chuyện đó một cách chính xác. Bố mẹ không thể cấm chúng chơi với súng trong khi các bạn chúng được phép chơi, nhưng bố mẹ có thể dạy chúng ý nghĩa thật của việc chơi súng. Có được sự giúp đỡ này, đứa trẻ sẽ trở thành một tia sáng cho nhóm trẻ của nó. Nó sẽ gieo rắc giá trị luân lý mà nó học được từ bố mẹ nó. Chúng ta không thể ngăn cản sự học hỏi của con trẻ về những điều khủng khiếp của chiến tranh, nhưng chúng ta có thể bàn thảo với chúng những lý tưởng về dân chủ và tự do. Chúng ta có thể cắt nghĩa cho chúng hiểu rằng đánh nhau không là cách thế hữu hiệu cho sự thiết lập thế cai trị nhưng là một phương tiện cần thiết để tự bảo vệ. Đứa trẻ có thể tìm thấy những cách thế thích hợp để giải quyết sự đụng độ và tự tin đủ để chống lại sự tấn công. 

Sự can thiệp của bố mẹ vào những xung khắc mà trẻ con có với nhau là rất nguy hại. Nếu xung đột ở trong gia đình, sự can thiệp của bố mẹ làm tăng sự cạnh tranh và chỉ khuyến khích thêm sự đánh nhau mà thôi. Nếu đánh nhau ở ngoài gia đình, ảnh hưởng của bố mẹ không giúp được nhiều để làm giảm bớt sự căng thẳng và chỉ làm hao mòn khả năng tự lo của đứa trẻ. Trong trường hợp nguy cấp, dĩ nhiên những quan tâm về giáo dục phải được dẹp sang một bên để nhường chỗ cho vấn đề an toàn. Tuy nhiên, những tình trạng như thế thì ít thường xảy ra hơn là bố mẹ vì nhút nhát mà trở nên bối rối. Nếu anh chị em cãi nhau, đừng nghĩ rằng chúng sẽ giết nhau. Tôi thích đặt hai đứa trẻ đang đánh nhau vào trong một phòng mà chỉ có chúng nó mà thôi để xem thử đứa nào trở ra còn sống sót. Phương cách đó có ích lợi lắm. Chỉ sau một lúc, mỗi đứa ngồi ở mỗi góc hoặc cả hai cùng chơi với nhau cách hài hoà. 

Vâng, nuôi dưỡng con trẻ lớn lên là công việc rất khó. Chúng ta biết rằng chúng ta phải đồng cảm với chúng. Nếu là đứa con một, nó khó sống giữa những người lớn. Nếu là hai, sự cạnh tranh mạnh mẽ phát triển khiến chúng hay cãi cọ và đánh nhau. Nếu là ba, đứa giữa luôn so sánh vị thế của nó với những đặc quyền của đứa lớn và đứa trẻ hơn, nó có khuynh hướng cảm nghĩ mình bị bỏ rơi. Nếu là bốn, chúng ta thường thấy hai cặp thù địch của đứa nhất và nhì, nhưng như một qui luật, với bốn đứa tình thế thăng tiến cách đáng kể, nhưng ai có thể chờ cho tới khi có bốn đứa con. 

Vậy chúng ta phải tỏ thiện cảm đối với những bố mẹ nghèo hoặc ít là các bà mẹ nghèo vì những ông bố có khuynh hướng rút lui khỏi công việc xem ra khó khăn hơn công việc thường ngày của họ. Bố mẹ là một vấn đề đáng lưu tâm chứ không phải là con cái. Chúng ta phải giúp họ để họ có thể hưởng được cái thú vị sâu xa nhất mà con người có thể có được – là có những đứa con. 

Ai thích có con thì sung sướng để trả giá cho sự đòi hỏi – những đêm không ngủ bên cạnh giường của đứa con đau, sợ sệt và ngỡ ngàng ở những lúc con nguy hiểm, thất vọng và quan tâm khi con mình thất bại. Nhưng nhìn đứa con lớn lên là một thích thú lạ lùng tuy không đồng đều. Nó đảo lộn ý nghĩ của thời gian. Mỗi năm mất mát cho chúng ta thì lại được cho đứa trẻ. Cái bước sang một bên của chúng ta được đền bù nhiều hơn bởi sự bắt đầu của đứa trẻ ngay chỗ mà chúng ta rời bỏ, không cho danh tiếng của chúng ta nhưng cho sự bảo tồn những lý tưởng chúng ta, của niềm tin chúng ta, và tất cả những gì chúng ta xem là đáng giá. Qua con trẻ, chúng ta xây tương lai, và chỉ có tương lai mới có thể thẩm định giá trị điều chúng ta làm hôm nay. 

Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.

Bài trước Bài sau