Chiếc chiếu hoa cạp điều của Doãn Quốc Sỹ

Thấy được gì bên kia cửa tử luôn là một đề tài thu hút mọi người. Từ khoảng năm 1975 đến nay, đã có rất nhiều sách vở và chương trình nghiên cứu về hiện tượng những người đã chết đi thật rồi bỗng sống lại, đặc biệt của bác sĩ Raymond Moody và chương trình khảo nghiệm của bác sĩ Melvin Morse của đại học Washington và Nhà Thương Nhi Đồng ở Seattle. Sau đó là nhiều cuộc khảo cứu khác nữa như của đại học Florida, Nhà Thương Nhi Đồng Boston, đại học Ultrech Hòa Lan.

THỜI ĐIỂM NGƯỜI VỀ TỪ BÊN KIA CỬA TỬ

Những điều mà những người chết đi rồi bỗng sống lại thấy được thì thật lạ lùng, không phải chỉ về những chuyện đời sau, mà soi sáng cho nhiều chuyện ngay cả ở đời này. Cho đến nay, trường hợp của bà Betty Eadie người Mỹ Đỏ là đáng chủ ý nhất. Bà đã kể lại trong cuốn “Được Ánh Sáng Ấp Ủ” (Embraced by the Light, Gold Leaf Press, 1992), cuốn sách bán chạy nhất trong nhiều năm, đã được dịch ra 20 thứ tiếng khác nhau, và đã trở thành sách giáo khoa cho vấn đề này theo lời của bác sĩ Melvin Morse.

Trong lời tựa cho cuốn sách trên, bác sĩ Melvin Morse đã xác nhận rõ ràng: “Sau công trình nghiên cứu gần hai mươi năm, tôi thấy rằng kinh nghiệm những người chết rồi bỗng sống lại kể về những điều họ thấy bên kia cửa tử là có thật và tự nhiên, chứ không phải do ảo giác, không phải vì phản ứng thuốc hay vì thiếu dưỡng khí trong óc lúc chết, cũng không do dồn ép tâm lý sợ chết”.

NGƯỜI VỚI TA TUY HAI MÀ MỘT

Khoa học vật lý lượng tử (quantum physics) đang hé mở một chiều kích mới: mọi vật đều chung một lực sống nhất thể. Cái lực nối kết và làm sinh động chính là tình thương. Điều này chính bà Betty Eadie cũng cho biết, rằng chỉ có thế thì đời sống mỗi người trên trần gian này mới thực sự quan trọng và mang đầy ý nghĩa. Hạnh phúc hay không là do được yêu thương và biết yêu thương, chứ không phải do tiền bạc hay bất cứ hăm hở kiếm tìm mệt nhọc nào của con người hiện tại. Họ đã chết đi thật, đã gặp được cõi sáng và trở lại với một tin vui rất giản đơn trong sáng: “Tình thương là tất cả. Tình thương phải thống trị. Chúng ta được sinh vào trần gian là để sống tràn trề sung mãn, thấy được niềm vui trong mọi sự và mọi biến cố thành công hay thất bại”. Bà Betty Eadie không trở lại với những tuyên bố vĩ đại thành lập một tôn giáo mới, hay biểu diễn những phép lạ chữa mọi thứ bệnh, nhưng với một sứ điệp đơn giản: Tình Thương. Đây cũng là một khám phá mới nhất của nhân loại  qua mẹ Mẹ Teresa tại Calcutta với khẩu hiệu ngắn, gọn: “Làm những chuyện nhỏ với tình thương lớn”. “Chúng ta phải thương yêu nhau. Tình thương là trên hết. Tôi thấy rằng, không có tình thương thì chúng ta chẳng là gì. Chúng ta sinh ra trên đời này để nương tựa nhau, săn sóc cho nhau, thông cảm, tha thứ và phục vụ nhau, để yêu thương từng người không phân biệt đen, vàng, nâu, đẹp, xấu. còm, mập, giàu, nghèo, giỏi, dốt. Đừng xét theo bề ngoài… Bất cứ gì cũng có thể biểu lộ tình thương: một nụ cười, một lời khích lệ, một cử chỉ hy sinh. Chúng ta được lớn lên do những việc như vậy. Không phải mọi người đều dễ thương, nhưng khi chúng ta thấy một người khó thương thì cứ thường là vì người đó là phản ảnh điều mình không thích bên trong.” (Được Ánh Sáng Ấp Ủ, trang 51). Đúng như tục ngữ Việt: thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm. Mình có mặc cảm về mình nên phóng rọi cái không bằng lòng đó lên người khác.

Khi còn sống, mỗi người đều thấy mình là một cá nhân khác biệt tách rời với người khác. Trên thế giới bây giờ có cả năm tỷ người, tức là năm tỷ cá nhân biệt lập, với những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần. Nhưng những người đã chết rồi sống lại đều cho biết rằng: người với ta tuy hai mà một, điều mà Kinh Thánh đã nói rõ: Anh chị em là thân thể chúa Kitô (1Cor 12:27):

“Tôi thấy tôi là chính những người tôi xúc phạm, và cũng là chính những người tôi giúp đỡ”.

Ngạc nhiên quá! Điều “bật mí” của những người như trường hợp bà Betty Eadie chẳng những là những điều đã được xác nhận trong Kinh Thánh, mà còn thấy được trong đạo sống Việt Nam phù hợp với khám phá mới của khoa học vật lý lượng tử: Thương người như thể thương thân. Thương người là thương chính mình, tạo được sinh khí. Ghét người là ghét chính mình, làm mất đi nhiệt lực sống.

CHIẾC CHIẾU HOA CẠP ĐIỀU

Một trong những truyện ngắn hay nhất, tạo nhiều độ rung nhất của nhà văn Doãn Quốc Sỹ là Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều. Vì nhà quá nghèo lúc tản cư thời chiến tranh Việt-Pháp chưa có nhiều mền như bây giờ, nên phải nói dối một lần về Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều nhặt được cho em đắp, vậy mà: “Sau này khi về vùng quốc gia, rồi di cư vào Nam, tôi còn trải qua nhiều gian lao nghèo túng và nhiều lần bị khinh rẻ, nhưng dù nghèo túng đến đâu, dù bị khinh rẻ đến đâu, điều đau nhục nhất với tôi vẫn là truyện chiếc chiếu hoa cạp điều…

Cũng kể từ sau ngày xảy ra chuyện đó, thái độ của tôi đối với người đời khác xưa nhiều. Tôi thận trọng tránh mọi hẹp hòi, kiêu ngạo, ích kỷ, sắc cạnh. Lòng dễ xúc động, tôi thương người như thương chính mình vậy.

Tôi thương những em nhỏ sớm phải lăn lưng vào cuộc đời để tự nuôi sống, tôi thương những người đói khát ham ăn ham uống, tôi thương những hình ảnh lam lũ một sương hai nắng, những hình ảnh nghèo túng giật gấu vá vai, tôi thương những kẻ thù dân tộc hôm qua, ngày nay thất thế ngơ ngác đi giữa kinh thành. Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành”.

Thương người như thể thương thân, đó là nét Gìn Vàng Giữ Ngọc của cõi tâm người Việt mà Doãn Quốc Sỹ diễn ra được trong cuốn “Con Chuột Chù”:

“Làm nhục người khác là làm nhục chính mình, nhìn người khác quị lụy, nhất là vì miếng ăn, việc hay xảy ra ở trại tù binh, chàng có cảm tưởng như chính nhân phẩm mình bị sa sút. Bất cứ một cá nhân nào đều mang trọn vẹn hình ảnh nhân loại nói chung. Tước đoạt nhân phẩm của một cá nhân nào là thương tổn đến nhân phẩm của cả nhân loại..”

Nhà văn Võ Đình đã nhận xét về Doãn Quốc Sỹ: “Sống ở một thời đại mà ngôn ngữ lạm phát thê thảm, mà biết bao con người trở thành hời hợt, trâng tráo, Doãn Quốc Sỹ ăn ở thanh bạch, tình yêu quê hương, gia đình, bằng hữu, về nhân đạo và danh dự v.v.. mà không mảy may e dè, ngượng nghịu. Thiển nghĩ ông thật đáng yêu ở chỗ đó.”

TIN VUI KHÁM PHÁ MỚI NHẤT VỀ ĐIỆN LỰC

Phát minh mới nhất, điều thông thái tiến sĩ bậc nhất của nhân loại trong thời điểm 2000 chưa hẳn là máy vi tính, phi thuyền con thoi, thuốc chữa bệnh ung thư, mà là: “Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn, và hãy thương yêu người khác như chính mình“.

Để diễn tả phát minh này, Chúa Giêsu đã kể một dụ ngôn về một người bị ăn cướp dọc đường, bị đánh nhừ tử nửa sống nửa chết vất ra bên đường đi Giêricô. Nhiều người đi ngang qua, nhưng ai cũng có lý do trì hoãn, kể cả lý do đạo đức thánh thiện như vị tư tế và trợ tế. Vì theo luật do Thái, động tới người cùi hay xác chết là đã ra ô uế, tức là có tội rồi, phải đi lam lễ nghi thanh tẩy, như đi xưng tội để được tha thứ đã rồi mới có thể hành lễ được. Có nghĩa là cả hai người này đã làm đúng.

Sở dĩ đúng là vì họ đặt tiêu chuẩn tình thương ở ngoài mình, nên phải có đủ điều kiện mới tiến hành được. Người khác không phải là chính thân mình, người với ta tuy hai mà vẫn là hai, nên còn phải qua nhiều bậc thang giá trị. Cho đến khi chết ra trước tòa Chúa, họ mới vỡ lẽ ra rằng: chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất là khi Ta đói (và con cũng đói, vì là một thân thể) con đã cho ăn…

PHÚT KHAI MỞ HUYỆT LỬA

Nhiều người bị mờ mắt vì quá nhiều lo lắng tìm kiếm ở ngoài mà huyệt lửa bị tắc bên trong. Khai được huyệt lửa tình thương là khám phá mới nhất của thời điểm 2000, tìm lại được nhiệt lực của đời sống. Cũng giản đơn thôi, bắt đầu ngay hôm nay, như Mẹ Teresa, như bà Betty Eadie: một nụ cười cho người bên cạnh, một cử chỉ cảm thông, một việc làm bác ái cụ thể… thành một bông hồng cho tình yêu.

Mấy ngàn năm trước đây, khi biết cách làm ra lửa, loài người đã thoát được chết cóng, khỏi bị diệt chủng hoàn toàn như loài khủng long. Đi vào ngàn năm mới, giữa những tù mù lạnh cóng thiếu chất người, nhân loại đang bắt đầu khám phá ra năng lực phát sinh từ tình thương, theo đúng khoa học, như Teilhard de Chardin, một nhà thần học mà cũng là một nhà khoa học, đã khám phá và chứng nghiệm:

Một ngày kia, sau khi chúng ta đã làm chủ được gió, sóng biển, thủy triều, và trọng lực, chúng ta sẽ khai mở được năng lực của tình yêu; và khi đó, đúng là lần thứ hai con người khám phá ra lửa”.

Trích từ “Nhịp Múa Sông Thanh” – Cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Bài trước Bài sau