Dây leo hạnh phúc – Nét ẩn mật trong dòng máu Việt
Năm 1995 xẩy ra vụ nổ bom một tòa nhà có nhiều cơ quan chính phủ tại Oklahoma City nước Mỹ, trong đó có một vườn trẻ. Nhiều người bị chết thê thảm, trẻ con cũng bị banh xác. Phi lí quá! Những người mẹ vừa khóc thảm sầu vừa nhặt những mảnh thịt xương con mình văng vãi. Sau đó, nhiều người bị khủng hoảng tâm lý. Tivi phải thường xuyên kêu gọi bác sĩ tình nguyện giúp chữa những người bị điên.
THỜI ĐIỂM TỶ LỆ BỆNH TÂM TRÍ
Vụ Oklahoma City chỉ là một tiêu biểu. Tỷ lệ người Mỹ bị điên thật cao so với những nước Á Đông. Một người thân chết cũng bị điên. Bị li dị cũng điên. Bị mất việc cũng điên. Nói chung người Âu Mỹ sống trong xã hội nhiều tiện nghi nên sức chịu đựng ít được tôi luyện.
Nếu theo mức này thì chắc người Việt mình trong hơn nửa thế kỷ qua cần phải có mấy triệu bác sĩ trị liệu tâm lý. Nhưng thật lạ, trải qua những đau khổ cùng độ và những phi lí trong cuộc chiến hay trong cuộc vượt biên như vậy mà số người Việt bị điên mát không nhiều.
Sức chịu đựng phi thường của người Việt đã làm ngạc nhiên nhiều người ngoại quốc trong đó có linh mục dòng Tên người Ý tên Việt là Đỗ Minh Trí (phiên âm bởi tên chính là Dominici), người đã nhận Việt Nam là quê hương của mình, đã có một nhận xét rất đặc sắc về tâm hồn Việt Nam. Sức chịu đựng bền bỉ và thích nghi cân bằng đời sống với bất cứ hoàn cảnh nào đã trở thành nét văn hóa tiêu biểu như một gia sản riêng của người Việt, ít dân nào có được:
Cuộc sống con người là một sự cân bằng giữa sức khoẻ và bệnh tật, niềm vui và đau khổ, giữa lao động và nghỉ ngơi, giàu có và nghèo nàn.. . Khi sự cân bằng đó mất đi bởi vì một yếu tố trở nên lấn lướt hơn so với yếu tố kia, con người sẽ bị khủng hoảng. Cuộc sống của cả một dân tộc trở nên phong phú và có nhân tính nếu như cái dáng dấp bi thảm của khổ đau quân bình với cái hình dạng của niềm hân hoan và hạnh phúc…
Tôi nhớ vào năm 1979 ở Kuku, các bác sĩ người Pháp đã rất kinh ngạc vì số lượng rất thấp của những căn bệnh rối loạn tâm trí giữa một số lượng đông đảo người tị nạn đang sống trong một tình cảnh bi đát. Tôi tin rằng sở dĩ có được điều này là do tâm tính vui vẻ và thơ thới của Người Việt… Chính ngay điều đó chứng tỏ được rằng sự thông minh của người Việt đã biết cách tạo dựng nên những điều kiện lý tưởng để cho cuộc sống của họ, dù rằng đôi khi cay đắng và bi thảm, trở nên có nhân tính.
Nhân tính, đó mới là phẩm chất mà theo tôi, tâm hồn người Việt Nam có thể tóm gọn vào hai chữ đó. Người Việt Nam có rất nhiều nhân tính. Họ không khao khát một sự thánh thiện cao siêu, một nếp sống hào hùng hay những khám phá phi thường. Lý tưởng của họ là một nếp sống an nhàn, tràn đầy niềm vui đơn sơ và bình dị của con người.
Chính cái nhân tính đó đã làm cho người ngoại quốc rất ưu ái và gắn bó rất chặt chẽ với dân tộc Việt Nam. Nhất là người Tây phương rất cần đến cái nhân tính đó của người Việt Nam, là vì họ đã biến đổi cuộc sống thành một cuộc chạy đua điên cuồng trong lãnh vực tiến bộ khoa học kỹ thuật, một sự tiến bộ đã làm cho cuộc sống nhân loại khổ sở biết chừng nào! (LM Dominici, Việt Nam Quê Hương Tôi, Diễn Đàn Chúa Nhật, trang 26-28)
TRUY TẦM NÉT ẨN MẬT
Nhà ảnh Mark Sindler nổi tiếng ở New Orleans về những bức hình diễn được nét văn hóa tiêu biểu của người Việt mà người Âu Mỹ đang cần tìm hiểu. Anh mò ra được vùng “kinh tế mới” là vùng đất bỏ hoang từ lâu, nay được các cụ Việt ta chặt cây, làm cỏ, xới đất trồng rau, thành hàng thành luống. Lúc đầu thì lấy thùng xách nước dưới mương lên trông rất “miệt vườn”. Sau này các cụ “cơ giới” hóa bằng máy bơm, mua cũng rẻ thôi. Nhìn những đọt rau đang mơn mởn phóng lên, các cụ thấy đời mình tươi trẻ lại, hy vọng lóe lên trong ánh mắt. Về nhà ăn cơm thấy ngon hơn, đọc kinh thấy dòn hơn, chứ không uể oải như mọi khi.
Rình mãi, Mark Sindler mới chụp được cảnh “Vườn Rau Xanh Ngát Một Mầu” của mấy ông bà cụ vùng Versailles. Thay vì ngồi than ngao ngán “thấy đời mình là những quán không” thì đi trồng rau. Vừa chạm đến thiên nhiên tươi mát, vừa có tiền còm mua bánh kẹo cho các cháu. Các cụ còn phát ngôn ngon lành:
“Người Mỹ các anh cứ nhốt mình trong phòng như cái hộp vuông. Như vậy điên mát là đúng rồi. Phải mở hộp vuông ra mà hòa với trời tròn, với đời sống cộng đồng, thì cuộc sống mới vuông tròn được. Nước cứ bị đóng lại trong một cái ao nhỏ, trước sau gì thì cũng bị ủng thối ”. Có lý thật. Hèn chi thấy nụ cười các cụ no tròn và miệng hát nghêu ngao. Bác sĩ thần kinh mà đến đây thì thế nào cũng thất nghiệp.
NÉT VĂN HÓA DI TRUYỀN
TRONG DÒNG MÁU VIỆT
Bác sĩ Dean Ornish hiện rất thành công trong chương trình khảo cứu rất khoa học về việc chữa bệnh hòa hợp thể lý với tâm lý. Một trong những sinh hoạt chính của những người tham dự chương trình là gặp gỡ nhau để chia sẻ trong tình thân. Bác cầu tình thân với người khác sẽ làm cho tính tình được thanh thản, bớt bị căng thẳng. Bởi vì khi bị căng thẳng thì trong cơ thể tiết ra một loại hóa chất gọi là adrelanine, noradrelanine và cortisol. Những chất này như còi hụ tình trạng báo động nguy cấp, mọi nỗ lực chỉ còn dồn vào một động tác duy nhất là đánh hay chạy; mọi sinh hoạt khác bị ứ đọng hoàn toàn: ăn không cảm thấy ngon, đầu hết suy nghĩ được, mạch máu trì trệ, mất kháng tố chống nhiễm trùng nên các tế bào sinh chứng, dễ bị cảm cúm, mất hết hứng khởi…
Như vậy, cô đơn tách lìa cũng là chất độc mà chỉ tình thương mới chữa cứu nổi.
“Nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn thôi!” Không có con đường nào khác nữa đâu. Bác sĩ Ornish tâm sự: “Tôi càng tìm vun quén cho mình thì càng cô đơn, nhưng khi tôi biết tìm phục vụ người khác thì tôi thấy hạnh phúc hơn nhiều”.
Nhìn được như vậy thì người ta mới thích nhạc Jazz. New Orleans là thủ đô loại nhạc này, bộc phát từ những hứng khởi rung cảm tâm hồn hơn là những qui luật ước định. Người chơi nhạc Jazz hay thưởng ngoạn nhạc Jazz đều cần phải mở tâm đóng kín “ao tù” ra mà hòa vào nhịp sống chung của dòng đời tươi mát.
Vậy ra New Orleans là một thành phố thu hút du khách sành điệu, biết nhìn ra những nét phản tỉnh tìm lại niềm sinh thú trong một xã hội quá đóng kín khép lại khiến mỗi ngày mỗi nghèo nàn tinh thần ra. New Orleans luôn “giầu có” sinh động với Mardi Gras, với đại hội nhạc Jazz, với những tiệm ăn Pháp nổi tiếng, với Café du Monde, với Superdome, với cầu xa lộ Causeway dài nhất thế giới bác qua Biển Hồ, với cầu Con Cò vươn tay ôm dòng Mississippi uốn lượn vòng quanh thành phố Vành Trăng Lưỡi Liềm (Crescent City). Và bây giờ thì du khách Mỹ thích tìm đến các làng Việt để truy tầm nét văn hóa ẩn mật của dân Việt: tại sao với bằng ấy khổ nạn mà người Việt ít bị điên.
Sức chịu đựng bền bỉ từ niềm tin “dù ai nói ngược nói xuôi, ta đây cứ vững đạo Trời khăng khăng” hòa hợp với nếp sống mở rộng khơi được dòng tình, đã là những nét di truyền trong dòng máu Việt. Những nét văn hóa gốc này được truyền đạt qua những truyện thiêng bánh dầy bánh chưng tạo được phong thái hoàng vương, sức mạnh từ Trời của Phù Đổng Thiên Vương, của công tác xây thành Cổ Loa, của Thôi Vỹ với Ngọc Long Toại, của tình duyên Trời xe định giữa Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung v.v.
TIN VUI GỬI AO TÙ BỊ Ứ ĐỌNG
Tình trạng trì trệ ứ đọng cũng giống như nước ao tù bị ủng thối dễ làm cho điên, do đóng kín chỉ biết giữ cho mình, mà không mở tới được với dòng sống tuôn chảy. Nhìn như vậy thì mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong đạo Chúa quả là một Tin Vui Gửi Thời Đại Mới cho mỗi người. Nếu mình không mở tâm ra thì bác sĩ bắt buộc phải mổ tim thôi. Thiên Chúa biểu hiện không như một ngôi vị đơn độc, mà là một hiệp thông tình thương như một gia đình có ngôi Cha, ngôi Con, và ngôi Thánh Thần. Đúng là một chia sẻ cộng đồng bắc cầu tình thân làm nên dây leo hạnh phúc ràng buộc quấn chặt lấy nhau, một khuôn mẫu cân bằng sức khỏe vững như kiềng ba chân, một cảm nghiệm tạo dựng sức mạnh tinh thần.
Đây cũng chính là cảm nghiệm chung của nhân loại khi vượt qua được cái tôi hạn hẹp mà mở tới chiều kích đại ngã tâm linh. Từ nhân chủng học gọi là nhiệm hiệp (participation mystique). Thánh Phaolô đã sống thật sâu xa niềm hiệp thông này: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Galata 2:20). Niềm tin này đã tạo ra sức mạnh vượt qua tất cả, và có thể làm được phép lạ như thánh Phaolô quả quyết: “Tôi có thể làm được mọi sự với Chúa là sức mạnh cho tôi” (Philipphê 4:13).
Sách Tông Đồ Công Vụ kể lại phép lạ chữa người què do thánh Phêrô làm ngay sau khi nhận lãnh Thần Khí Chúa. Mọi người kinh ngạc ùa tới các tông đồ. “Thấy vậy, ông Phêrô lên tiếng nói với dân: “Thưa đồng bào Israel, sao lại ngạc nhiên về điều đó, sao lại nhìn chúng tôi chằm chằm, như thể chúng tôi có thể làm cho người này đi lại được nhờ quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chúng tôi? Thiên Chúa của các tổ phụ Abraham, Isaac và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta, đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giêsu…Chính vì lòng tin vào danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em.” (TĐCV 3: 12-16).
PHÚT MỞ TÂM
Cử chỉ làm dấu của người tin Đạo Chúa mang đầy ý nghĩa hiệp thông có sức vượt ra khỏi tình trạng tù túng ứ đọng và nhỏ hẹp của con người mình mà hòa được vào dòng sinh lực Thần Linh. Trước khi làm một việc gì, nói điều gì, trước một khó khăn phải đương đầu, mình làm dấu nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, để Chúa hiện diện, hành động và nói năng qua mình. Chính Chúa tác động chứ không còn phải là mình nữa. Như thế thì còn chuyện gì mà không vượt qua nổi. Sự khác biệt là ở niềm tin. Phép lạ là ở niềm tin.
Nhìn như vậy thì làm dấu Thánh Giá đúng là một phương cách đơn giản để làm phép lạ, có sức thay đổi tất cả. Mình thực hành ngay một cử chỉ làm dấu Thánh Giá, làm chậm lại, thật chậm, với tất cả ý thức và niềm tin: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Và từ nay mình sẽ cảm nhận được sức mạnh của cử chỉ làm dấu Thánh Giá trước bất cứ công việc gì.
Trích từ “Nhịp Múa Sông Thanh” – Tác giả: Cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường