Tự do ở xứ người
Cuộc sống của những người mới nhập cư tại đất Mỹ quả thật không dễ dàng chút nào. Khi chưa qua Mỹ thì nôn nóng phấn khởi, nhưng đặt chân vào vùng đất “tự do” nhiều người mới thấu chạm cái giá của sự tự do tại đất nước này thật quá đắt. Không phải vì đất nước này khắc nghiệt, nhưng chỉ đơn giản chỉ vì sự thay đổi địa lý, môi trường, văn hoá làm cho con người không dễ thích ứng trong thời gian ngắn.
Chân lý thì không thay đổi, nhưng cách truyền đạt cần thay đổi cho phù hợp với thời đại, lứa tuổi khác nhau.
Sau một thời gian khá lâu, cuối cùng chị Năm và hai con được ông bà ngoại bảo lãnh qua Mỹ với mục đích là để con cháu sum vầy, tạo điều kiện cho hai cháu gái, 16 và 18, được học hành để có tương lai cho cháu. Sau khi đặt chân xuống sân bay, thời gian mừng mừng, tủi tủi dần dần cũng trở về với cuộc sống thật của xứ “tự do” này. Đăng ký việc học, tìm trường, bảo hiểm, công việc… Thấm thoát thời gian trôi nhanh, các cháu dần quen với lối sống muốn độc lập, đi học về trể, đóng cửa phòng, nói chuyện điện thoại, text, facebook liên tục…ông bà ngao ngán thở dài. Mong ước để được cho gia đình xum vầy giờ đã được, nhưng sum vầy theo tiêu chuẩn nào thì ông bà ngoại không nghĩ tới; hoá ra, tụi nó không nghe mình nữa!
Than ngầm bắt đầu bén, lửa bắt đầu nhum chỉ chờ cơ hội là bùng phát. Ông bà ngoại không vui ra mặt khi thấy chiếc Mercedes dừng trước cổng nhà nhiều lần; một cậu học trò bước xuống và mở cửa cho cháu gái mình. Chúng nhìn nhau, hôn (ôm nhẹ) nhau một cái và chia tay.
Nhìn cháu giận giữ, bà ngoại la lớn, “Con gái mới qua đây mấy bữa mà bày đặt thằng này thằng khác; tao cấm mày. Mày không lo cái thân cùa mày thì có ngày…”
Một lần khác ông bà ngoại lớn tiếng với mẹ hai cháu, “Mày coi con người ta kìa; chừng đó tuổi đã học thành tài. Còn con mày, hư đốn, đã qua đây thua kém người ta, đã không lo học, bây giờ lại thêm đàng đúm ăn chơi… Tao nói hết nỗi rồi. Ra khỏi nhà tao, tao không không muốn tụi mày làm ô uế dòng họ; tao không muốn bị người ta chê cười.”
* * *
Bạn thân mến, mục Sống Sao Cho Đẹp chia sẻ hoàn cảnh trên không phải để nhằm mục đích xem câu chuyện nó kết thúc thế nào, nhưng quan trong hơn, qua bối cảnh này chúng ta cùng nhau xem xét lại khái niệm tự do và tình thương chúng ta dành cho nhau ở mức độ nào, đặc biệt những gia đình sống xa quê hương với bao hụt hẫng, thiếu thốn về mặt tinh thần.
Những người mới tị nạn tại Hoa-Kỳ phần nào chưa thích ứng với đời sống quá tự do và dễ dãi tại vùng đất này. Không đủ tự do thì bị chết do cằn cỗi, thiếu thốn, nhưng tự do nhiều quá thì cũng bị chết vì quá nhiều điều để chọn lựa. Sự thay đổi môi trường bên ngoài xã hội quá nhanh chóng, trong khi tinh thần và lối suy nghĩ vẫn chưa bắt kịp được. Chính vì lẽ đó, sự không hoà điệu giữa thể lý và tinh thần đã tạo nên những bồn chồn, mất bình an, lo lắng diễn ra ngay trong mỗi con người. Về mặt thể lý, con người cố để hoà nhập với cuộc sống mới; còn về mặt tinh thần, sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá xứ người đã không thể đáp ứng cho nhu cầu tinh thần như mình mong đợi. Nên theo lẽ tự nhiên, con người co rút lại, bảo vệ mình bằng được những giá trị đạo đức, truyền thống mà mình đã tiếp nhận từ cha ông. Một trong những cách bảo vệ những giá trị ấy chính là giáo dục con cháu. Tuy nhiên, sự xung khắc bắt đầu khi phương pháp mà mình áp dụng cho con cháu nó không còn phù hợp với không gian, thời gian, và văn hoá. Chân lý thì không thay đổi, nhưng cách truyền đạt cần thay đổi cho phù hợp với thời đại, lứa tuổi khác nhau. Làm sao để con cháu hiểu được những gì mình truyền dạy là giá trị? Làm sao ông bà cha mẹ có thể giúp con cháu mình khôn lớn thành người mà chúng không phải bị dồn nén, ức chế?
Thưa bạn, hoàn cảnh điển hình như câu chuyện trên giúp ta đặt lại những câu hỏi cho chính mình về khái niệm tình thương và tự do. Biết rằng ông bà thương cháu, nhưng ông bà dùng phương pháp “cấm” có phải là phương pháp hữu hiệu nhất không? Ông bà có đồng hành với những thay đổi tâm lý về môi trường, sự hụt hẩng tình cảm khi xa quê của cháu? Phương cách “hù” đuổi ra khỏi nhà có phải là cách biểu lộ tình thương che chở? Sợ cháu bị hư hỏng vì là sự hư hỏng hay là vì sự sĩ diện của mình? Khi chúng ta bị ràng buộc bởi dư luận về “sĩ diện” là chúng ta mất tự do trong việc giải quyết vấn đề. Vấn đề là mình thương và lo cho cháu chứ không phải do sĩ diện của mình. Hiểu đúng như thế, ta mới hành động hợp tình hợp lý qua đối thoại cởi mở, lắng nghe, và tôn trọng sự tự do của nhau.
Nếu không may gia đình bạn đang gặp vấn nạn tương tự, xin mời bạn suy nghĩ và tìm giải pháp đối thoại trong sự tôn trọng, chia sẻ chân tình với con cháu mình. Ai ai cũng cần tình thương, vấn đề là tình thương ấy cần được biểu lộ cho người mình thương qua lời nói và hành động.
Fr. Huynhquảng