Thứ Bảy, 30.03.2019 – Cầu nguyện hay kể công
Tuần III Mùa Chay
Hs 6, 1-6 • Tv 50 • Lc 18, 9-14
Lời Chúa
PHÚC ÂM: Lc 18, 9-14
“Người thu thuế ra về được khỏi tội”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi’. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
Bản dịch của Uỷ Ban Phụng Tự, HĐGMVN
NS Trái Tim Đức Mẹ đánh máy vi tính
Nguồn: thanhlinh.net
Nghe suy niệm Lời Chúa
Nguồn: chanlyviet.net – Đài Chân Lý Á Châu
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện hay kể công
Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên. (Lc 18,14)
Trong một bài giáo lý ngày Chúa nhật tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã cho chúng ta vài suy tư đoạn Kinh Thánh này như sau:
“Chúa Giêsu đã gặp rất nhiều người tự mãn. Họ tự hào là người công chính và luôn xem thường người khác. Họ chính là những người thuộc nhóm Pharisêu hay còn gọi là Biệt phái. Chúa Giêsu đã dạy cho họ một bài học bằng cách kể một chuyện dụ ngôn. Có hai người lên Đền thờ để cầu nguyện. Những người đương thời với Chúa Giêsu sẽ thấy rõ sự khác biệt của hai người này. Một người là biểu tượng chuẩn mực thánh thiện, tuân giữ luật lệ; một người là biểu tượng của hạng người tội lỗi.
Người Pharisêu chọn vị trí nổi bật nhất trong Đền thờ, ông kể lể tất cả những công trạng của mình. Không chỉ là tránh những chước cám dỗ, mà còn tất cả các việc ông đã thực hành trong đời sống. Người Pharisêu nghĩ rằng những công trạng đó sẽ mang lại lợi ích cho Thiên Chúa, ông cố gắng làm nhiều hơn cả những gì luật định. Luật định giữ chay một lần trong năm, ông lại giữ chay hai lần trong một tuần (Lv 16,26 và Ds 29,7); luật định đóng thuế thập phân trên súc vật và hoa màu (Đnl 14,22-28; Lv 27,30) thì ông đóng luôn tất cả các nguồn thu nhập khác. Như Thánh Augustinô nhận xét: lời cầu nguyện của người Pharisêu là một bài tự tán dương. Những lời đó thể hiện một tâm hồn tự tôn vinh chính mình chứ không phải là tâm hồn thờ phượng Chúa. (Sermon 115, 2-3)
Người thu thuế cầu nguyện một cách hoàn toàn khác. Thay vì gây ra sự chú ý, ông tự lẩn tránh ánh nhìn của người khác. Ông đứng cách xa người Pharisêu và đứng phía sau. Ông còn không dám ngước mắt lên trời. Ông có dáng vẻ của người đau khổ, bối rối và ăn năn. Ông đấm ngực để để thể hiện thống hối từ tâm can: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội. Người thu thuế chỉ nghĩ đến tội lỗi của bản thân mà không so sánh với bất kỳ người nào, ông ta cũng không hề tìm cách để giải thích nguyên cớ, biện hộ. Lời thú nhận của ông rất tin tưởng vào sự tha thứ của Thiên Chúa, ông cũng rất khiêm nhường” (trích L’homélie du Dimanche du Pape Benoit – 28.10.2007)
Sau khi đọc xong đoạn phân tích này, tôi nhận thấy mình trong những con người ở Đền thờ hôm đó. Đó là khi tôi miệng nói ăn năn, hối lỗi một cách máy móc; khi tôi cao ngạo trước mọi người và trước Thiên Chúa; và nhất là khi tôi tự tin thái hoá vào những công trạng của mình và nghĩ rằng Chúa sẽ phải đáp lại những hy sinh, cố gắng đó.
Lm. Anrê Đoàn H.M.Tuấn,AA
Lạy Chúa xin cho con biết rằng, lời tán tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa; những gì con có làm nên cũng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng xin giúp chúng con ý thức cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô. Amen
Quyết tâm: Sống khiêm nhường trong lời nói và trong tư tưởng.
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam