Chúa Nhật, 03.03.2019 – Cái Rác – Cái Xà – Nọc Độc – Sự Chết
Tuần VIII Mùa Thường Niên.
Hc 27, 4-7 • Tv 91• 1Cr 15,54-58 • Lc 6, 39-45
Lời Chúa
“Miệng nói những điều đầy ứ trong lòng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.
“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.
“Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”.
Bản dịch của Uỷ Ban Phụng Tự, HĐGMVN
NS Trái Tim Đức Mẹ đánh máy vi tính
Nguồn: thanhlinh.net
Nghe bài giảng – Lm. GB Phương Đình Toại, IM
Sống Lời Chúa: Cái Rác – Cái Xà – Nọc Độc – Sự Chết.
Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi. (Lc 6,42)
Các bài đọc hôm nay đề cập đến những điều gây ra tổn thương và hư hại nơi con người. Bài đọc I trích sách Huấn Ca viết rằng “Khi người ta sàng, rác rến còn lại thế nào, thì nết xấu của một người cũng xuất hiện trong lời nói kẻ ấy như vậy.” Như thế, thói hư nết xấu nơi một con người được xem như rác rến khiến bản thân ô uế. Tương tự, Bài đọc II cho biết “nọc độc tử thần” chính là “tội” đã gây nên sự chết cho con người.
Bài Tin Mừng cũng đề cập đến cái rác, cái xà là những thói hư tật xấu và tội lỗi, nhưng nhấn mạnh đến chiều kích xét đoán trong tương quan đời sống cộng đoàn. “Nhân vô thập toàn” đã là con người ai cũng mắc lỗi, nhưng người ta thường làm ngơ các tội lỗi nặng nề nơi bản thân mà lại xét đoán một lỗi nhò của người khác. Điều đó có nguy hiểm không?
Quan sát một người khi họ lên án, người đó thường giơ bàn tay lên chỉ trỏ. Nhìn kỷ hơn, người chỉ trích thường chỉ ngón tay trỏ về phía người kia, nhưng vô tình đưa ba ngón tay khác chỉ trỏ chính mình, đôi khi có ngón cái chỉ trỏ trời cao. Vậy cử chỉ đó nói lên điều gì? Phải chăng khi chỉ trích ai đó (một ngón chỉ vào họ), nhìn lại mình, tôi đang có điều đáng chỉ trích hơn họ ba lần (ba ngón chỉ vào mình), đồng thời tôi cũng xúc phạm đến Chúa (ngón tay cái chỉ trời cao).
Như Tin Mừng đã cảnh báo “Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính con mắt ngươi thì lại không thấy?” Đức Giêsu không dạy ta phải bịt mắt trước cái xấu, nhưng dạy ta hãy biết nhìn về phía trước. Chính cái đà thật to trong mắt tôi đã che mất tầm nhìn về bản thân, nhưng qua cái nhìn nhỏ đó, tôi lại soi mói cái rác rất bé nơi mắt người khác. Như vậy, ta cần biết lấy cái đà trong mắt mình ra trước, rồi mới có thể giúp người khác lấy các rác trong mắt họ.
Vậy chúng ta không được sửa lỗi tha nhân? Không phải thế. Nhiều lần, khuyên chúng ta góp ý sửa lỗi cho người khác, nhưng ở đây Người muốn chúng ta biết mình cũng yếu đuối để rồi bao dung hơn với anh chị em. Biết mình cũng lỗi lầm cần được tha thứ để rồi dễ tha thứ cho tha nhân.
Sửa lỗi cho anh chị em là việc cần làm trong sự bao dung. Trong gia đình, nhóm, cộng đoàn, các thành viên sống liên đới với nhau. Vì thế, lỗi của một thành viên cũng làm ảnh hưởng đến đời sống chung. Ơn của Thiên Chúa đến với tập thể qua từng cá nhân, lỗi của một người cũng ngăn cản ơn huệ, cắt đứt mối dây hiệp thông với nhau. Khi ta “biết mình” cũng yếu đuối, lỗi lầm thì việc sửa lỗi anh chị em không phải để hạ bệ, trù dập người đó, nhưng là việc bác ái, giúp họ sửa những điều xấu và giúp họ sống tinh thần hiệp thông.
Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM
Lạy Chúa, xin cho con biết mình yếu đuối cần được sửa dạy để con bao dung khi nhìn đến lỗi lầm của anh chị em con.
Quyết tâm: Bao dung với mọi người, nhưng đòi hỏi mình hơn.
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam