Chúa Nhật, 24.02.2019 – Nhân Từ Và Tha Thứ
Chúa Nhật Tuần VII Mùa Thường Niên (Năm C)
1 Sm 26, 2. 7-9. 12-13. 22-23 • Tv 102 • 1Cr 15, 45-49 • Lc 6, 27-38
Lời Chúa
“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.
Bản dịch của Uỷ Ban Phụng Tự, HĐGMVN
NS Trái Tim Đức Mẹ đánh máy vi tính
Nguồn: thanhlinh.net
Nghe bài giảng Phúc Âm – Cha GB Phương Đình Toại, MI
Nghe suy niệm Lời Chúa
Nguồn: chanlyviet.net – Đài Chân Lý Á Châu
Sống Lời Chúa: Nhân Từ Và Tha Thứ
Các con hãy nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. (Lc 6,36)
Sau khi chọn một nhóm thân cận gọi là Nhóm Mười Hai, Đức Giêsu dành thời gian huấn luyện họ. Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc: cho mượn không mong được trả lại, cầu nguyện và chúc lành cho người ghét mình, yêu kẻ thù…dường như đi ngườc lại những thói quen bình thường nhất của con người.
Làm cách nào để ai đó có thể sẵn lòng cho mượn mà không nghĩ đến ngày lấy lại cả vốn lẫn lời? Làm sao để cầu nguyện và chúc lành cho những người chụp mũ ta trong tư tưởng, đàn áp ta trong hành động, bất công với ta trong trong đối xử, gian dối với ta trong trao đổi? Làm sao để yêu những người chỉ muốn bỏ tù ta khi ta có chọn lựa khác với họ? Làm sao để yêu yêu những người chỉ muốn giết hại ta khi ta không theo họ? Tại sao đức Giêsu luôn muốn và huấn luyện những người theo Người có những quyết định tốt nhất có thể cho những người bị căm ghét nhất.
Bài học này chỉ có thể được hiểu và được áp dụng khi chúng ta biết rõ mình và quay lại với những kinh nghiệm tốt nhất của yêu thương; bởi vì Tình yêu không những là trung tâm của lời Đức Giêsu rao giảng, nhưng còn chính là bản thân người. Qua Đức Giêsu, chúng ta biết tên gọi của Thiên Chúa là Tình yêu.
Qua bài học này, Đức giêsu muốn con người nhận ra nguồng gốc thần linh nơi bản tính yếu đuối của mình. Đây là một bài học khó mà Đức Giêsu không những dạy qua lời nói, nhưng còn qua chính cuộc sống của Người. Đức Giêsu đã nói lời đẹp nhất trong lúc đau khổ nhất trên thánh giá là xin Cha tha tội cho kẻ giết mình. Đó là việc làm trái với bản tính tự nhiên của con người. Khi sống trong yêu thương, chúng ta mới có sẵn lòng chia sẻ với tất cả, mang tất cả vào trong lời cầu nguyện của mình, luôn chúc lành cho mọi người khi có dịp, và bước theo con đường Tình yêu dẫn lối khi đến với mọi người. Bài học này thật khó, nhưng phải học để làm môn đệ của Giêsu. Cái khó ở đây chính là lấy Thiên Chúa làm tiêu chuẩn. Chính điều này làm cho Kitô hữu phải cố gắng tột cùng; và cũng tiêu chuẩn này làm cho Kitô hữu khác hẳn với mọi người.
Lòng nhân từ và sự tha thứ là những dấu hiệu cho thấy mình được huấn luyện bởi Thiên Chúa. Lịch sử dân Chúa đã chứng minh điều này, cụ thể như vua Đavít trong bài đọc một, và vô vàn vị thánh đã sống với tinh thần thượng giới như trong bài đọc hai. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi để lòng nhân từ và sự tha thứ tiếp tục hiện diện nơi chúng ta đang sống và làm việc.
Lm. Gioan Võ Trần Gia Định, AA
Xin cho con biết chọn sự khôn ngoan đích thực là sống NHƯ Chúa trong sự nhân từ và tha thứ.
Quyết tâm: Mang người khác vào lời cầu nguyện của mình khi bắt đầu giờ giải lao của bất cứ việc gì
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam