Kho báu

Thưa bạn, không phải ai ai cũng dễ dàng tìm gặp kho báu trong cuộc đời. Tất cả các kho báu như, kim cương, vàng, dầu lửa đều được tìm thấy qua một quá trình kiếm tìm trong sự kiên nhẫn vượt bậc. Kho báu trong mỗi con người cũng thế. Tài năng của con người cũng cần có ai đó tìm kiếm và kiên nhẫn hun đúc, khơi gợi. Khi đã được ai đó tìm gặp và khơi gợi tiềm năng, những người này trở nên tỏa sáng và tài năng của họ được dùng để phục vụ cộng đồng. Hôm nay, trong chủ đề Kiên nhẫn – Kiên cường, mục Sống Sao Cho Đẹp nêu câu chuyện của John Mc. Knight trong tập truyện Stone Soup for the World [1] như một ví dụ điển hình. Và cũng để nói lên rằng, sự kiếm tìm hun đúc tài năng cho con người không nên nhắm vào việc thắng-bại, nhưng nhằm vào khả năng khám phá những giá trị tiềm ẩn trong mỗi con người, dù người đó có thể bị cho là bất tài, tật nguyền, bệnh tật.

Kiên nhẫn không chỉ được hiểu là hì hục làm lụng liên tục như một cái máy, nhưng với thái độ khám phá và sẵn sàng đón nhận điều mới mẻ, kiên nhẫn giúp ta thấy niềm vui và thêm sức mạnh để tiếp tục hoàn thiện chính mình.

* * *

Một nhân viên xã hội chuyên phụ trách việc chăm sóc và quan tâm đến những người tàn tật tại miền Nam tiểu bang Georgia. Bà ta nghĩ rằng, xã hội con người thường quan tâm đến những người tài năng, nổi tiếng, trong khi những người tàn tật thì ít khi được quan tâm để ý. Vì lẽ đó, bà quyết định dành rất nhiều thời gian để quan tâm chú ý đến những người tàn tật, mà theo bà nơi những con người này, họ cũng đang ẩn chứa những kho báu đang bị chôn vùi. Một hôm, bà đến thăm một thanh niên 41 tuổi, tên Joe. Sau nhiều năm được gởi đi vào trường giáo dục đặc biệt, Joe vẫn không tỏ ra tiến bộ và có khả năng để làm việc bình thường được. Vì lẽ đó, Joe bị trả về gia đình. Tại gia đình, Joe chỉ có làm hai việc duy nhất. Thứ nhất, cho heo ăn vào buổi sáng và buổi chiều; thứ hai, ngồi cả ngày nghe Radio. Người phụ nữ đến thăm Joe và trải qua bốn ngày liên tiếp mà không tìm thấy được nơi Jeo một “khả năng” gì nhằm có thể giúp anh ta. Tuy nhiên, với thái độ khám phá chứ không theo quan điểm hơn-thua, được-mất, bà vẫn kiên nhẫn quan sát Joe. Vào ngày thứ năm, bà quan sát và thấy Joe rất say mê nghe Radio và có thể tường thuật những sự kiện anh vừa nghe một cách tài tình. Sau ngày hôm ấy, bà tìm biết được rằng, có ba vị trí mà cộng đồng phải trả tiền cho người nghe Radio. Một là cảnh sát giao thông, hai là một nhân viên cảnh sát hình sự, và ba là một nhân viên tại phòng cấp cứu cộng đồng. Tại phòng cấp cứu cộng đồng, nhân viên này nghe Radio để báo cho người trách nhiệm vài sự cố xảy ra trong cộng đồng nhỏ của mình. Thế là Joe được mời vào làm vị trí này. Cứ mỗi cuộc họp mặt trong cộng đồng, Joe trở nên nhân vật quan trọng cho những ai muốn biết những gì đã xảy ra cho cộng đồng của mình trong thời gian qua. “Joe, chuyện gì xảy ra tại ngã tư…, Joe, gia đình ông Smith gặp sự cố gì…, Joe, em bé vào cấp cứu hôm qua như thế nào rồi…? Joe không những trở nên “nguồn” cung cấp thông tin quí giá cho nhiều người trong cộng đồng mình, nhưng còn cho giới săn tin địa phương. Nhờ sự kiên nhẫn và thái độ khám phá của nhân viên xã hội mà Joe được khám phá, và tài năng của anh ta được dùng để giúp cho cộng đồng.

* * *

Nhưng nếu bạn quan niệm đời mình như là một hành trình khám phá, thì dù có lúc nào đó bạn “thua”, bạn vẫn đủ nghị lực để hoàn thiện con người mình.

Bạn thân mến, với cái nhìn đúng về cuộc đời và về con người, nó phần nào giúp ta dễ dàng hơn trong việc thực hành đức tính kiên nhẫn. Kiên nhẫn không chỉ được hiểu là hì hục làm lụng liên tục như một cái máy, nhưng với thái độ khám phá và sẵn sàng đón nhận điều mới mẻ, kiên nhẫn giúp ta thấy niềm vui và thêm sức mạnh để tiếp tục hoàn thiện chính mình. Để có được cái nhìn khám phá trong cuộc sống, ta cần loại bỏ quan niệm hơn-thua, được-mất trong cuộc sống. Thật vậy, nếu nhân viên xã hội trong câu chuyện trên dựa theo quan điểm được-mất, thì rõ ràng, bà đã mất nhiều thời gian, vì nơi Joe không tìm thấy khả năng như mọi người khác. Nhưng với cái nhìn khám phá trong mỗi con người, bà đã gạt đi những quan niệm thất bại, thua cuộc mà nhiều người khác đã đánh giá về Joe trước đây. Chính trong cái nhìn khám phá, bà đã tìm thấy nơi Joe một kho báu ẩn chứa. Với cái nhìn khám phá, bà không quan trọng việc thắng thua, được mất trong một nhiệm vụ, một công việc, nhưng quan trọng là bà mở lòng để đón nhận mọi tiến trình. Dù có thể là gặp thất bại trong một công việc, nhưng trong tiến trình khám phá, bà vẫn kiên nhẫn tiến tới để hoàn thiện chính mình và cùng giúp người khác cùng hoàn thiện.

Thưa bạn, nếu đời ta chỉ dựa vào quan niệm thắng-thua, chắc một điều bạn sẽ gặp thua nhiều hơn thắng; và kết cục cũng là thua. Nhưng nếu bạn quan niệm đời mình như là một hành trình khám phá, thì dù có lúc nào đó bạn “thua,” bạn vẫn đủ nghị lực để hoàn thiện con người mình. Hãy kiên nhẫn với cái nhìn khám phá kho báu trong cuộc đời và trong con người. Nó không dễ. Đúng! Nhưng nếu dễ, thì ta đâu còn gọi nó là kho báu, phải không bạn?

Br. Huynhquảng

Trích “Sống Sao Cho Đẹp” – Kiên nhẫn Kiên cường


[1] Lược dịch từ John Mc. Knight, “Hidden Treasures” in Stone Soup for the World, ed. Marianne Larned, (California: Conari Press, 1998), 15 -16.

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau