Thứ Tư, 06.02.2019 – Đạo Làm Con

Mồng Hai Tết – Kính Nhớ Ông Bà Tổ Tiên

Hc 44,1.10-15 • Tv 127 • Ep 6,1-4.18-23 • Mt 15,1-6

Lời Chúa

Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Ðức Giêsu và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy, không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.”

Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ

Sống Lời Chúa: Đạo Làm Con

Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răng thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. (Ep 6, 1-3)

Câu Lời Chúa trên, như thể đã được gieo vào trong truyền thống văn hoá Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu”. Đối với người Việt Nam, chữ hiếu chính là “đạo” – “đạo làm con”. Đạo là con đường. Sống được chữ hiếu giống như việc đang đi trên con đường nên thánh. Hội nhập truyền thống tốt đẹp này, Giáo Hội Việt Nam đã đưa ngày mồng Hai Tết vào phụng vụ để khơi dậy nơi con cháu việc kính nhớ tổ tiên và lòng hiếu thảo với cha mẹ sinh thành.

Trước hết, Tết là dịp kính nhớ tổ tiên, được biểu lộ qua thói quen đi tảo mộ, viếng đất thánh, thăm nhà tưởng nhớ, nhất là xin lễ cầu cho tiên nhân đã qua đời. Dân gian tin rằng dịp đầu năm ông bà tổ tiên sẽ về sum họp với con cháu. Niềm tin này giúp những người đang sống luôn nhớ tới cội nguồn của mình, sống hiếu thảo và cố gắng ăn ở xứng đáng với dòng họ gia phong. “Để rồi giấy có rách thì cũng giữ lấy lề”, vì nhờ kính nhớ đến tổ tiên, con cháu sẽ nổ lực sống tốt hơn. Quả như Bài đọc I trích sách Huấn Ca viết: “Công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành.”

Kế đến là dịp con cái đoàn tụ với gia đình, bày tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Như Bài đọc II nhấn mạnh: “Kẻ làm con, hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răng thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất.” Như vậy, sống tròn chữ hiếu vừa đẹp lòng Chúa vừa tạo hạnh phúc trong tương lai cho bản thân mình. Ca dao Việt Nam đã dạy rằng: “Nếu mình hiếu với cha mẹ, thì con cũng hiếu với ta khác gì. Nếu mình ăn ở vô nghi (không có tình nghĩa), đừng mong con hiếu làm gì uổng công”.

Ngày nay đời sống gia đình đang gặp rất nhiếu thách đố: nhiều trường hợp cha mẹ ly thân, ly dị; con cái hư thân bất hiếu; anh em chia rẻ bất hoà… Là cha mẹ, chúng ta cần ý thức rằng đời sống và việc làm của mình chính là tấm gương cho con cái. Là con cái, chúng ta cần ghi tâm rằng sống hiếu thảo sẽ đẹp lòng Chúa, làm vui lòng cha mẹ, tích đức cho bản thân và tương lai sẽ biết xây dựng một gia đình hạnh phúc, được con cái kính trọng như mình đã kính trọng cha mẹ của mình.

Gia đình là nơi ngập tràn niềm vui, nhưng cũng nảy sinh những khủng hoảng. Gia đình Thánh gia tại Nadarét cũng có những trải nghiệm như thế, nên gia đình chúng ta sẽ không tránh khỏi điều đó. Vì vậy, kính nhớ tổ tiên là dịp để mọi người chúng ta nỗ lực gạt bỏ điều bất hoà chia rẽ, vun đắp tình cảm, sự gắn gó, góp phần kiến tạo gia đình là tổ ấm yêu thương.

Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM

Lạy Chúa, xin nâng đỡ các gia đình đang bị khủng hoảng và gặp đau khổ, xin hướng dẫn họ hàn gắn những vết thương đang huỷ hoại bầu khí gia đình an vui hạnh phúc.

Quyết tâm: Trong dịp Tết này, làm hoà với một thành viên trong gia đình mà mình còn xích mích.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau