Tự do của người nô lệ
Với lời nhắn nhủ của thánh Phaolô, chúng ta cùng nhau suy niệm bài cuối của chủ đề Tự Do qua loạt bài Sống Sao Cho Đẹp. “Thật thế, người đang làm nô lệ mà được Chúa kêu gọi, thì là người được Chúa giải phóng. Cũng vậy, người đang tự do mà được kêu gọi, thì là nô lệ của Ðức Kitô. Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Anh em đừng trở nên nô lệ cho người phàm. Thưa anh em, khi được kêu gọi ở địa vị nào, mỗi người cứ ở địa vị đó trước mặt Thiên Chúa” (1 Cor 7:22 – 24).
* * *
Cuộc sống của tôi thuộc về Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa, vì lẽ đó tôi hoàn tự do sống trong niềm cảm tạ tri ân qua từng hơi thở nhịp đập của con tim.
Trong cuốn sách True Freedom, Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám mục giáo phận New York đã tường thuật kinh nghiệm mục vụ của ngài như sau:
Thời gian mới trở thành linh mục tại St. Louis, cứ mỗi thứ Sáu ngài thăm viếng và trao Mình Thánh cho bệnh nhân. Hằng tuần Ngài đến thăm ông bà cụ già trong một căn hộ nơi mà ông lão đã mất khả năng giao tiếp và đi lại. Để giao tiếp, ông chỉ ra hiệu bằng những cái chớp mắt với bà lão. Theo ĐHY kể lại, điều làm cho Ngài ngạc nhiên thích thú khi đến thăm ông bà lão chính là nơi họ toát ra một sự bình yên sâu thẳm bên trong mà không thể diễn ta nên lời được.
Ba năm sau, trước khi chào tạm biệt ông bà vì nhận nhiệm sở mới, linh mục Dolan không quên hỏi “bí quyết” bình an của ông bà. Ngài hỏi ông lão, “Trước mắt người đời, ông không còn khả năng đi lại, ăn nói, và làm được những điều gi bình thường, nhưng trong ba năm qua, mỗi tuần tôi gặp ông, tôi không hề nghe ông than trách lời nào, than vản lời nào, nguyền rủa lời nào. Ông có bí quyết gì vậy, ông có thể chia sẻ cho tôi được không?” Ông lão bắt đầu nói cho bà vợ bằng những cái chớp mắt, sau đó bà vợ thuật lại theo ý ông lão cho linh mục Dolan như sau: “Chỉ được sống thôi, tự nó đã là một món quà của Thiên Chúa. Cứ mỗi sáng khi biết mình còn được thức dậy, tôi biết là tôi được ban thêm cho tôi một ngày để sống.” Theo ĐHY Dolan, đó chính là bí quyết bình an sâu thẳm của ông lão nằm trên giường bệnh.
* * *
Bạn thân mến, sự bình an sâu thẳm của ông lão trong câu chuyện trên được bắt nguồn từ sự nhận thức sáng suốt: “Chỉ được sống thôi, tự nó đã là một quà tặng của Thiên Chúa.” Sự bình an sâu thẳm ấy bắt nguồn từ nhận thức đúng về giá trị sự sống: Thân xác này là của Thiên Chúa, nó bắt nguồn từ Thiên Chúa. Sự cảm nghiệm sâu sắc về quà tặng sự sống đã dẫn ông lão một cảm nghiệm sâu sắc về sự tự do: Cuộc sống của tôi thuộc về Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa, vì lẽ đó tôi hoàn tự do sống trong niềm cảm tạ tri ân qua từng hơi thở nhịp đập của con tim. Chính trong niềm tự do vô tận của Thiên Chúa, tôi được ngập tràn trong niềm tri ân cảm mến nên không còn chỗ cho than vản xót xa, thiếu hụt.
Khi chúng ta thực sự cảm nghiệm sự sống của ta là một quà tặng, thì tự nhiên, chúng ta sẽ cảm nghiệm thật sâu sắc giá trị của tự do. Thật vậy, ai trong trần gian này có thể làm chủ lấy ta nếu Thiên Chúa – Đấng cho ta sự sống – làm chủ lấy ta?! Chúng ta mất tự do và bị dín bén vào sự phù du của thế trần là vì chúng ta dán mắt quá nhiều vào thực tại trần thế. Tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, thú vui… trở nên ông chủ của ta khi ta không ý thức người Chủ thật của ta là Thiên Chúa. Nếu chúng ta có đôi chút cảm nghiệm về hạnh phúc, bình an, vui vẻ khi chúng ta sở hữu những giá trị vật chất là chính nhờ chúng ta có sự sống trong thân xác này. Chính qua sự sống thân xác đã giúp ta cảm nghiệm được giá trị hạnh phúc và niềm vui qua những giá trị trần thế; dầu vậy, những giá trị này không phải là mục đích tối hậu và cứu cánh cho cuộc đời chúng ta, chúng chỉ là phương tiện để giúp ta đạt tới tự do và hạnh phúc thật. Buồn thay, biết bao lần trong đời chúng ta vẫn cứ dậm chân một chỗ trong đời sống tâm linh là chính vì chúng ta quên chân lý căn bản: Sự sống của ta hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Vì chúng ta thuộc về Thiên Chúa, nên để tìm được tự do và hạnh phúc thật trong đời này, chúng ta cần chọn Chúa đề Ngài làm chủ đích cho đời chúng ta.
Vì lẽ Chúa là chủ của đời ta, còn ta trở nên nô lệ của Ngài, nên ta chỉ hoàn thành sứ mạng và ơn gọi của ta khi ta phụng sự Chúa, yêu mến Chúa, và tôn thờ Chúa. Với lý do đó, bất cứ trong hoàn cảnh nào, dù thành công hay thất bại, dù hạnh phúc hay cô đơn, dù mạnh khoẻ hay đau yếu, dù bình an hay đau khổ, dù được vinh quang hay bị sỉ nhục hiểu lầm, dù trong sạch hay tội lỗi… ta luôn nhắc chính mình với câu hỏi, “Với hoàn cảnh hiện tại lúc này của tôi, làm thế nào để tôi phụng sự và yêu mến Chúa tốt hơn?” Chân thành hơn, chúng ta có thể hỏi Chúa, “Lạy Chúa, với “hoàn cảnh” của con hôm nay, con cần phải làm gì để phụng sự Chúa tốt hơn?” Chính thánh Phaolô đã chẳng kinh nghiệm và khuyên nhủ chúng ta đó sao? ! “Dù khi ăn, dù khi uống, dù khi làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa là Cha chúng ta” (1 Cor 10:31).
* * *
Bạn thân mến, nếu như một cái bánh xe đạp mà có những chiếc căm xe bị gãy, thì cái trục của nó sẽ chên vên, mất trung điểm, không đứng vững. Đời ta cũng thế khi trục chính bị mất thăng bằng, khi ta không đặt Chúa làm trung tâm điểm của đời ta, ta bị chên vên, không đứng vững. Một lần nữa chúng ta được mời gọi xác tín mối quan hệ giữa ta với Thiên Chúa. Chính trong mối quan hệ mật thiết này, ta được tự do. Đó là sự tự do của người nô lệ – Người nô lệ của Đức Kitô – Người nô lệ chỉ luôn muốn làm vui lòng chủ của mình. “Lạy Chúa, với “hoàn cảnh”∗ của con hôm nay, con cần phải làm gì để phụng sự Chúa tốt hơn?”
Fr. Huynhquảng