Gọi tên Ngài, có nghĩa gì không?

Thứ Tư Tuần XX Mùa Thường Niên

Đức Maria Nữ Vương

Is 9,1-6
Mt Lc 1,26-38

Lời Chúa

Bà Elisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabrien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

Gọi tên Ngài, có nghĩa gì không?

Đây là con đường xem ra dẫn tới lặng thinh. Vấn đề không còn là có tin Thiên Chúa hay không, có gọi tên Ngài hay không. Sự khác biệt lớn lao xem ra đã bị chuyển sang chỗ khác: Con người là ai, khi đối diện với thân phận của mình; đâu là niềm can đảm để sống của họ, đâu là sự sáng suốt của họ; và trên tất cả, họ là gì đối với nhau.

Bấy giờ, điều còn lại nơi Thiên Chúa (nếu ta có thể nói như thế), đó là khoảng không gian trần trụi và trống rỗng tồn tại giữa con người với nhau, và chỉ có nghĩa là không hề có dấu ấn của người này trên người kia, chỉ có cái nhìn, giọng nói, khuôn mặt, sự hiện diện giúp cho mỗi người được giải thoát khỏi vực thẳm, khỏi sự thù hận cô đơn – con quái vật không ai ngờ tới này.

Điều còn lại – hay điều chợt đến – đó là khoảng không gian này, đang mở rộng ra và không ngừng đào sâu giữa chúng ta, và như vậy, đang quy tụ chúng ta. Chính trong đó mà chúng ta có thể là sự đón tiếp, là tự do, là lương thực cho nhau; cùng với nhau, trong mối liên hệ ban sơ nhất của nhân loại, cũng là mối liên hệ cao nhất, bởi vì đúng là lúc bấy giờ chúng ta không bị ràng buộc bởi bất cứ thứ gì, không có gì đi trước sự cho đi thuần túy này, một sự cho đi khiến việc hiện hữu cho nhau chính là sự sống.

Tuy nhiên, có phải là Thiên Chúa không tiếp tục làm nên sự khác biệt?

Maurice Bellet
Thiên Chúa, chưa ai thấy bao giờ (Albin Michel)

Nguồn CALENDRIER SAINT-PAUL 2018
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Anh Võ CVK67

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau