Tin Vui 20B – THỜI ĐIỂM NGÓN TAY VÀ MẶT TRĂNG
Cuốn sách Ngón Tay và Mặt Trăng của giáo sư Đỗ Mạnh Tri đã được nhóm Đường Sống và thân hữu xuất bản và giới thiệu tại Nam Cali vào tháng 7 năm 1997, nhằm “nói với 18 tác giả Giao Điểm”. Nhóm Giao Điểm đã chỉ mặt chỉ tên Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II như cái cớ mà gay gắt trút cơn ẩn ức lâu ngày thay vì đối thoại về cuốn “Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” của Ngài. Tựa đề cuốn sách Ngón Tay và Mặt Trăng nhắc tới chính câu nói của Đức Phật, ví đạo như ngón tay chỉ mặt trăng, phải nhìn mặt trăng chứ đừng bị ngón tay chận lại!
Đức Phật còn dùng một hình ảnh khác cũng thật hay, ví đạo như cái bè qua sông. Nói theo hình ảnh của những người vượt biên là những cái ghe chở đầy ắp người ra khơi, có cái lớn cái nhỏ, cái máy tốt cái mấy hư, có cái còn chỗ có cái bị người ta “căn me” dồn người xuống cứng ngắc gần chìm.
Bao nhiêu chuyện tang thương đã xẩy ra hãi hùng tại vinh Thái Lan do hải tặc hoành hành. Cách đây mười mấy năm về trước, một bé gái kể lại một câu chuyện thật về chính em. Sau khi đã cướp xong thì bọn hải tặc phá tầu của em cho đắm luôn. Trong cơn hốt hoảng, ai nấy vớ được cái gì thì bám cái đó. Nhiều người đã chết đuối vì không kịp bám vào đâu, rồi bị xoáy nước nhận chìm. Em không nhớ đã bám được cái gì, và đã ngất xỉu bao lâu. Chỉ biết khi tỉnh dậy thì em đang ôm một cái xác người chết. Một điều kỳ lạ em không hiểu được là xác đó chết hồi nào và tại sao lại nổi lên đúng chỗ để em có thể ôm lấy được trong cơn mê sảng, mà rồi em cũng không biết sợ xác chết nữa, cứ ôm ghì lấy cho trôi lềnh bềnh. May mắn em đã được vớt lên đưa vào bờ, để em sống sót mà kể một câu chuyện kỳ lạ như vậy.
Như thế Đạo đúng là Đường, là phương cách, là ngón tay dẫn tới đích điểm. Có khi là cái miếng gỗ, cái phao bằng cao su hay cái bình ny-lon. Phao nào thì phao, phải làm sao cứu vớt người ta được trong lúc đắm đuối trầm luân. Mà ngay cả cái xác chết mọi khi đáng sợ như vậy mà cũng có thể trở thành cái phao quá quí, cũng trở thành đạo được. Ngón tay phải chỉ được mặt trăng, chứ đừng để nhiều ngón tay lông lá che lấp tất cả làm sao thấy trời trăng mây nước được! Phương chi lại đi chỉ mặt nhau mà ăn thua đủ!
CÁI CẲNG THỨ BA CỦA CON GÀ
Thiền sư người Nhật là Oshida đã kể một câu truyện dí dỏm về đạo như sau:
Một hôm người ta xôn xao tranh luận về cái cẳng của một con gà. Một người tức tối nói: “Tôi đã nói là con gà đau ở cẳng mặt”. Người thứ hai quát lại: “Lầm to rồi, con gà đau ở cẳng trái kia mà”. Cuộc “đối thoại” đã trở nên gay cấn ác liệt đến hồi suýt phải thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Rồi một người có vẻ đạo mạo đứng ra can gián: Ừ, thì cẳng nào chẳng là cẳng của con gà, cẳng mặt hoặc cẳng trái thì có sao đâu, sao lại phải cãi nhau? Thế là người thứ tư chen vào đấu lý: “Sao lại ba phải kiểu như cẳng nào cũng được là làm sao, cẳng nào thì một cẳng thôi chứ! Thôi thì tốt hơn nên coi con gà đau cả hai cẳng cho khỏi cãi nữa”.
Thế là xong chuyện chăng? Thưa không, đâu vẫn còn đấy cả. Chưa ai giải quyết được gì, vì người ta cứ mải mê cãi nhau về cái cẳng thứ ba của con gà. Hai cẳng thật của con gà vẫn còn đó mà chẳng ai muốn nhận ra, chỉ thích vỗ ngực đấu lý với nhau mà thôi. Tại sao không kéo nhau đến cái chuồng gà mà xem tận mắt cái con gà bị què giò để chứng thực với nhau là con gà, ngày hôm đó, nó đau ở cẳng nào? Đừng lý luận suông nữa, đừng bám vào tư tưởng mà bỏ rơi thực tại.
Cũng chính vì cảm nghiệm được cái “thực tại” không dễ gọi tên là Đấng Tuyệt Đối vượt trên mọi ngón tay mà vị thiền sư này đã gia nhập đạo Công Giáo, trở thành một linh mục dòng Đa-Minh nhưng vẫn sống thiền. Ông Trần Công Báu trong tập san Định Hướng số 6 kể lại chuyện trên với nhận định: “Nhờ sống trung thực với đạo pháp nhà Phật mà ông Oshida đã tìm thấy đạo lý Phúc Âm. Có người hỏi Ngài như thế nghĩa là gì, thì được trả lời rằng “tôi không bao giờ theo đạo Công Giáo như người ta bỏ một chỗ đứng cũ để bước sang một chỗ đứng mới”. Cứ theo cung cách trả lời ví von ấy, tôi hiểu rằng ngài không đi đạo như người ta đi đường, bỏ đi đạo Phật để rẽ sang đi đạo Chúa, không đổi đạo như người ta thay áo này mặc áo kia. Đạo không phải là cái gì ở ngoài ta, để ta đi theo, hay để ta cởi ra mặc vào. Đạo là sự sống; sự sống không thể cho vay mượn hay đổi chác gì được.
VẪN CẦN NGÓN TAY
Trong buổi sinh hoạt giới thiệu tác phẩm Ngón Tay và Mặt Trăng, giáo sư Lưu Trung Khảo, một người không theo đạo Chúa, đã nhận xét rất tinh tế về các ngón tay, tức là những lễ nghi của các niềm tin qua hình ảnh:
Trong một nghĩa địa, thấy người Nhật bày thức ăn để cúng người quá cố, một người Mỹ đã cất tiếng hỏi châm biếm:
– Ông nghĩ rằng thân nhân của ông có thể hưởng những món đồ cúng này ư?
Người Nhật thản nhiên hỏi lại để thay cho câu trả lời:
– Thế ông có nghĩ rằng thân nhân của ông có thể thưởng thức vẻ tươi đẹp của những bông hoa này sao?
Quả thực niềm tin rằng người chết thực sự vẫn còn sống là một niềm tin của nhiều tôn giáo, nhất là đối với đạo sống người Việt. Dâng một bông hoa, một nén hương… là để diễn tả tâm tình. Trong một chiều kích khác, những nghi thức phụng tự còn để dẫn người dự lễ bước vào một thực tại cao hơn khi cả con người của mình tìm được sự hòa nhập đó. Có lần giáo dân dâng lễ một bình hoa khá đẹp mà các bông được cắm hướng ra phía trước. Vị linh mục đưa lại cho chú bé giúp lễ để đưa lên bàn thờ. Chú bé này đã thản nhiên đặt bình hoa mà phía mặt chính hướng lên Chúa, đang khi theo thói thường người ta đặt bình hoa phía chính quay xuống dân chúng cho đẹp mắt. Chú bé này xem ra ngây ngô nhưng đã cảm được cõi tâm vượt hơn cả nét phụng vụ nhằm hòa nhập người dự thưởng thức vẻ đẹp của hoa.
Ông Lưu Trung Khảo nói tiếp: “Sự xích mích có tính cách chủ quan và cực đoan giữa một số người không cùng một đức tin thì thời nào cũng có. Nhưng đối thoại là để tìm ra chân lý chứ không phải để miệt thị những cái mình không đồng ý. Phải tự chế, bình tĩnh và tôn kính lẫn nhau. Nếu không sẽ chỉ là độc thoại hay là cuộc đối thoại giữa hai người điếc, hay cũng có thể gọi đó là sự tiết hận để giảm đi sự ấm ức tàng trữ trong lòng. Đối thoại kiểu đó là cuộc tranh cãi không bao giờ chấm dứt và đó cũng là cách giải cơn khát bằng cách uống nước muối vậy”.
TIN VUI VỀ SỰ KHÔN NGOAN CHỌN ĐÚNG NGÓN TAY
Ông Đỗ Mạnh Tri đã nhận định thật chính xác trong chương “Trăng: ảo ảnh hay thực tại?”: Ngón tay có tầm quan trọng của nó. Ta cũng có lý để nói: “Khi ngón tay chỉ mặt trăng đừng vội nhìn mặt trăng, hãy nhìn ngón tay cho kỹ”. (trang 94)
Vì thời nay đã có nhiều ngón tay chỉ như tượng Lenin ở công trường đỏ bên Nga hồi nào. Ông ta chỉ vào báo Sự Thật chuyên môn nói dối của đảng mà bảo mọi người phải bước theo, không thì búa liềm phất vào gáy ngay. “Buôn thần bán thánh cũng chỉ một ngón tay: này đây thiên đàng, này đây địa ngục, đàng kia hạnh phúc, lối ấy tự do. Đáng sợ, những ngón tay uy quyền.. nhọn như mũi giáo, nặng như những quả lựu đạn, những ngón tay sai khiến, đe dọa và chèn ép con người.” (Ngón Tay và Mặt Trăng, trang 95)
Nhiều người đã chỉ đường mà rồi trở thành “đường đi không tới”! Chỉ có một mình Chúa Giêsu dám tuyên bố “Ta là Đường, là Bánh bởi Trời chuyển Sức Sống”. Tin Mừng hôm nay nói về thái độ khôn ngoan phân biệt và lựa chọn đúng đường, nhìn rõ ngón tay chỉ. Con đường này không còn phải để mà đi, mà để nhiệm hiệp với một thực tại tuyệt đối là chính Chúa, khi nhận lấy Bánh bởi Trời chuyển thông Sức Sống từ Nguồn qua bí tích Thánh Thể. Khi ấy con người hữu hạn được chạm tới cõi vô biên, bởi vì “chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta”, vì “kẻ ấy ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”.
“Chúa đã ban bánh bởi Trời cho nhân loại, bánh có đủ mọi mùi thơm ngon“. Đâu là thái độ của tôi lúc này khi được Chúa mời gọi đến dự tiệc thánh?
Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường