Tin Vui 17 B – THỜI ĐIỂM THÍCH NỔI
Khi nghiên cứu về văn minh Việt Nam, người ta lấy làm lạ là người mình chẳng để lại điều gì lớn lao, chẳng có mặt nào xem ra nổi cả, từ triết học, nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa đến khoa học, phát minh v.v. trừ tài bắt chước giỏi hay những tháo vát thật bén nhậy để sống còn.
Ấy cũng tại người ta cứ lấy cái thước phách lối chỉ ưa mặt nổi đè người của Tây phương mà đo cái không đo được. Anh nhà buôn Bắc Mỹ đi nghỉ hè miền núi gặp một nhà tu hành mà hỏi lợi tức hằng năm bao nhiêu thì ai thèm trả lời. Tay đánh võ khỏe như Tyson cắn tai đối thủ mà đi hỏi nhà bác học Einstein rằng ông không đánh được tôi là ông thiếu văn minh, thì thật lố bịch.
Quả thực, cái kiểu sống thích nổi, phải tranh đua để vượt lên hơn người thì dễ làm tiến bộ, nhưng cũng lại là đầu mối của căng thẳng khiến cho cuộc sống trở thành một đấu trường hơn là một vườn êm mát mà hưởng sinh thú.
Sơn Nam trong cuốn “Người Việt có dân tộc tính không?” đã dí dỏm nói lên cái thái độ tự đắc của người Âu Mỹ:
”Nhiều nhà khảo cổ Tây Phương nghiên cứu kỹ lưỡng để xem người Việt có gì đặc sắc so với người Ai Cập, người Tàu, người Ấn Độ, căn cứ vào di tích, vào những gì mà ngày nay còn chụp ảnh được, đào xới được, đọc được… Dưới mắt người Tây Phương, rõ ràng người Việt Nam chẳng có gì đáng kể, về hình thức. Người Nhựt, người Tàu, người Ấn Độ, người thiểu số cao nguyên, bộ lạc ăn lông ở lỗ ngoài hải đảo Thái Bình Dương đáng chú ý hơn. Ở giải đất Đông Dương thì quyền ưu tiên dành cho Đế Thiên Đế Thích, nghệ thuật Chiêm Thành, hoặc cánh đồng rải rác những cái chum bằng đá ở Lào. Việt Nam thuộc vào hàng thứ yếu…” i
”Trong việc sưu tầm văn hóa, người Pháp đã tặng cho người Việt vài lời khen an ủi: sọ người ở Hòa Bình, trống đồng Thanh Hóa, lăng tẩm Huế, tượng nhà sư Minh Hạnh. Trước khi rút lui, người Pháp phát giác thêm những di tích ở đồng bằng Hậu Giang về nước Phù Nam, tại thương cảng Óc Eo (núi Ba Thê An Giang)”
MỘT NỀN VĂN MINH KHÔNG MẶT
Mỗi dân tộc đều có cái ”máu” đặc sắc khác nhau. Người Ý có máu nghệ sĩ, sản xuất biết bao nhân tài về hội họa, điêu khắc, nhạc… Người Đức, người Nhật có máu ta đây, nên thích đè bẹp lân bang để tỏ ra chủng tộc mình trổi vượt, nên họ nghiện làm quên ăn quên ngủ, miễn là dân mình phải hơn thiên hạ, đè bẹp nhiều người. Mặc dù cái máu đó giúp cho hai dân này tiến bộ về khoa học thực, nhưng tiến bộ như vậy để làm gì? Tần Thủy Hoàng để lại Vạn Lí Trường Thành do biết bao nhân mạng để xây cất. Bao đền đài lăng tẩm đã là kết quả của biết bao xương máu.
Mỗi nền văn hóa có những quan niệm và tiêu chuẩn để đo giá trị khác nhau. Văn minh Hy Lạp thích đo bằng đầu óc triết lí. Văn minh Ai Cập chuộng sức mạnh tâm linh. Văn minh Âu Mỹ thích tìm tòi sự lạ, thích đề cao hiệu năng sản xuất, tôn thờ vật chất. Hết định nghĩa người là con vật biết suy tư đến người là con vật kinh tế. Chẳng biết đâu là văn minh, đâu là man rợ. Cứ thấy cái cảnh người Âu Mỹ giết bào thai đã có tay chân phèo phổi một cách ngon lành mà lại do luật pháp bảo vệ, đang khi ai trót dại động tới mấy con chó là bị hội bảo vệ súc vật lôi ra tòa liền. Người ta tự hỏi nền văn minh đang đưa con người tới đâu? Chỉ biết xã hội Âu Mỹ đang trả giá cho văn minh này: bác sĩ thần kinh không bao giờ thất nghiệp, thuốc nhức đầu bán chạy hơn tôm tươi. Con người mệt mỏi, rã rời, khắc khoải…
Suy nghiệm về thân phận Việt Nam, chúng ta vẫn thường tự hỏi nếu người mình có cái gì gọi là đặc sắc, thì cái đặc sắc đó chính lại cái không mặt, không có gì nổi, chẳng đem lại gì đồ sộ nguy nga, mà chỉ nhằm tìm ra cái lạ thường trong cuộc sống xem ra tầm thường.
Cái đặc sắc chính là điều biết sống cái bình thường, chính là cái biết tìm an nhiên tự tại trong bất cứ hoàn cảnh nào. Người Việt vốn không tin vào những chủ trương lấn lướt này hay lý thuyết quá khích nọ, nhưng tin vào sự sung túc của cuộc đời, và dai dẳng bám vào sức sống đó, qua những bình lặng hằng ngày, qua những trầm bổng đắng cay ngọt bùi, mà khám phá ra cái lạ thường trong những tầm thường. Người Việt luôn biết dung hòa và hóa giải mọi đối nghịch để tìm ra nét hài hòa và thăng bằng để làm nên đạo sống an nhiên tự tại. Sống như vậy gọi là phong lưu: hòa được vào dòng sinh khí vẫn đang thổi hơi sức sống và dòng nước suối nguồn cuộc đời vẫn đang luân lưu chảy. Đời sống không phải là những phép lạ là gì?
TIN VUI VỀ CÁI LẠ TRONG CÁI THƯỜNG
Chúa Giêsu trong lúc giảng đạo thường đưa ra những “công án” xem ra rất ngược đời, có ý đánh thức người nghe để mở mắt nhìn ra những lạ lùng đang hiển hiện chứ không phải những đua tranh kiếm tìm một cách khổ sở mệt nhọc như nhiều người đang bị quăng vào vòng xích quay. Ai cũng nghĩ phải gia tăng lợi tức thì mới hạnh phúc, phải ăn mặc theo tiêu chuẩn thì mới sáng giá, phải có nhà lớn thì mới đáng kể, phải có tài năng xuất chúng thì mới thành công v.v. Nghĩa là hơn bao giờ hết ở cuối thế kỷ này, người ta đề cao sức mạnh của vật chất hơn là là sức mạnh của tinh thần.
Khi đặt chân lên mặt trăng hay hỏa tinh nhìn lại trái đất hay nhìn ra vũ trụ bao la, con người mới thực sự cảm thấy mình nhỏ bé to vo trong cái bao la vô tận của đất trời, đúng như nhận xét của tổng thống Tiệp Khắc là ông Vavlav Havel về nền văn minh “thời đại mới” khi nhận giải thưởng Tự Do, rằng cái gọi là “thời đại mới” của văn minh vật chất đã chấm dứt lúc nhân lọai cựa mình bước sang nghìn năm thứ ba. Con người chỉ thật sự tiến bộ văn minh khi đánh bể được cái hộp vuông vật chất tù túng để mở tới được chiều kích tinh thần là vòng tròn viên mãn. Mà sức mạnh này nằm ngay trong những gì xem ra tầm thường hằng ngày.
Sức mạnh tinh thần chính là hòa nhập vào sức thiêng vượt trên mình, cậy dựa vào quyền năng của Đấng Tối Cao. Nói khác hơn là biết để cho Chúa làm việc. Tin Vui tuần này cho thấy một đám đông dân chúng đi theo nghe Chúa Giêsu giảng đạo một cách say mê. Linh Mục Trần Văn Kiệm trong phần diễn giải Tin Mừng theo Thánh Gioan đã cho biết tại sao lại có đám đông dân chúng như thế quây tụ nghe Chúa Giêsu giảng tại vùng Biển Hồ, vì đây là dịp Hội Vượt Qua khoảng giữa tháng tư đầu xuân cây cỏ xanh tươi, người Do Thái từ Galilê hành hương xuống Giêrusalem thường men heo Biển Hồ và tả ngạn sông Gio-Đan để tránh đi qua miền đất Samaria. Đám đông đã theo Chúa Giêsu cả mấy ngày rồi, nay đã hết đồ ăn mà không biết tìm cách nào vì đây là vùng đồng quê.
Đang khi nhiều người tìm những giải pháp khác nhau như môn đệ Philip, nghĩa là vẫn còn dựa vào sức mạnh vật chất hay tìm mặt nổi, thì một mình An-Rê đã nhận ra giải pháp bằng sức mạnh tinh thần nơi Chúa Giêsu. Nên khi được hỏi phải giải quyết thế nào thì An-Rê đã nói một cách xem ra rất ngớ ngẩn nhưng lại là một giải pháp đúng nhất.
“Có đứa bé mang theo hai đồng bánh lúa mạch và hai con cá nhưng người đông, ngần ấy thấm thía gì?” (Gioan 6:9).
Khi đi hành hương, người Do Thái thường đeo trên lưng một cái sọt đựng đồ ăn, nhưng nay sau nhiều ngày thì Chúa Giêsu biết rõ lương thực đã cạn. Theo môn đồ Philip chiết tính thì cũng phải sáu tháng lương mới cho mỗi người được một mẩu bánh mì làm sao đủ chép miệng! Vậy mà An-Re lại tìm giải pháp nơi một đứa bé chứ không phải một ông bự giầu có, và chỉ bằng năm đồng bánh lúa mạch là loại bánh rất thường, dành cho người nghèo và gia súc.
Đây là lúc quyền năng Chúa hoạt động. Chúa Giêsu đã đọc kinh cầu phúc biến thành phép lạ cho năm ngàn người ăn no nê mà dư tới mười hai sọt mẩu bánh. Lời thánh vịnh 24 được thể hiện qua mỗi thánh lễ:
Có Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi,
Trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm gnhỉ.
Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi.
Tâm hồn tôi Người lo bồi dưỡng.
Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường