Tin Vui Phục Sinh 6B – THỜI ĐIỂM THÀNH MỸ VÀNG

Dịp nhớ lại ngày ly hương năm nay nhiều người giật mình nhận ra rằng phần khá lớn người Việt sống tại Mỹ đã có quốc tịch Mỹ; về pháp lý như vậy là đã trở thành Mỹ Vàng. Các ông bà già cũng đi thi để thành người Mỹ. Được hỏi ai là người làm ra bản quốc ca Mỹ, các cụ trả lời ngay: Phan Xít Xi Xì Cót Kì, hỏi mãi mới biết là Francis Scott Key.

Đây là xứ nhiều chủng tộc mà, có Mỹ trắng, Mỹ đen, Mỹ đỏ, Mỹ vàng. Lại có dân Mỹ tuy trắng mà vẫn bị coi là Mỹ hạng nhì đó là Mỹ Xì. Mỹ Do Thái thì không đông mà lại mạnh thế vì nắm được túi tiền và các đài nói, khiến dân họ có thể cầm chân cả khối Ả Rập với chiến thắng ngay tại New York và Washington. Sắc dân nào mạnh thì lấn lướt, tự nhiên có quyền đưa ra tiêu chuẩn với những nét văn hóa, quan niệm, kiểu sống, khiến các dân khác phải theo. Trào lưu Mỹ gốc Á cũng đang lên mạnh. Nếu kiểu Mỹ vốn được hiểu là Mỹ gốc Anh, gốc Âu, thì bây giờ người Mỹ Vàng cũng phải có cái gì đóng góp để nói lên một kiểu mới là kiểu Mỹ…Việt, với nếp sống đạo, những nét văn hóa, những giá trị mới về gia đình, về tình người. Và đồng thời cũng không bao giờ quên tạo thế mạnh cho tập thể mình mà góp phần vào cuộc phục hưng tộc Việt.

LÀM MỘT CÁI GÌ CHO DÂN MÌNH NGÓC ĐẦU LÊN ĐI CHỨ!

Đó là lời vẳng đâu đây tâm huyết của triết gia Kim Định nhắn gửi khi qua đời ngày 25 tháng 3 năm 1997. Là một người công giáo, là một linh mục, Ngài cũng là một người Việt có trách nhiệm với vận mạng dân tộc mình, suốt đời đi tìm cho ra thực chất văn hóa Việt tộc với ba chục cuốn sách để lại. Ngài đã đi theo đúng con đường của Hội Thánh Công Giáo trong việc nhập thể và nhập thế vào văn hóa dân tộc, như mẫu gương Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II trong việc góp phần vào cuộc phục hưng Ba Lan quê hương của Ngài. Trước tiền đồ nước mình, triết gia Kim Định đã tâm sự:

“Đối vơi quê hương đất nước đang trải qua tai họa vô tiền khóang hậu như nay thì tôi phải làm gì cho ổn với lương tâm người công giáo Việt nam. Cầu nguyện chăng? Nhất định rồi, nhưng như thế mới may ra xong vai Thiên Chúa. Còn vai tổ quốc thì sao? Tôi không hề bao giờ nghĩ đến ruồng bỏ làm người Việt nam. Vậy quê hương Việt nam tôi đang sắp tiêu trầm, thì chắc chắn tôi không được ngồi nhìn dửng dưng coi như chẳng có truyện chi xảy ra cả. Tôi phải đi tìm người đồng tâm đồng chí để cùng nhau đặt kế hoạch làm cho quê hương một cái gì.”.

VẤT KIẾN LỬA VÀO NGƯỜI

Linh Mục Kim Định đã “làm một cái gì cho dân mình ngóc đầu lên”. Điều này thật hiển nhiên. Nhưng quan trọng vẫn là Ngài đang thách đố lớp người Việt còn sống sót phải làm một cái gì cho dân tộc mình. Và nhất là đối với những người Việt đang sống rải rác trên khắp thế giới, việc tìm ra con đường mở hướng cho cuộc ra đi của mình vẫn luôn là một trăn trở và cũng là cách tìm lại hùng khí cho mình.

Truyện kể về một người bị bệnh mỡ đã khiến nội tạng hư hết: tim tắc, gan sưng, ruột xoắn, dạ dày bị nhọt… Thế là phải đi hết bác sĩ này đến bác sĩ kia, nhưng chữa được bệnh này thì lại phát sinh bệnh khác, mà tình trạng càng ngày càng tệ hơn. Một hôm không biết làm sao hơn, người này nghĩ ra cách hay là tìm đến một nhà hiền triết  mong sẽ được chỉ dạy cách nào khá hơn.

– Thưa Thầy, bệnh con đã đến thời kỳ nặng lắm, đủ mọi chứng, nhất là bệnh mỡ. Con đã đọc sách tìm hiểu, nhiều người bảo con phải năng tập thể dục, chịu khó đi bộ nhiều thì người khỏe hơn, nhưng con mệt quá không sao làm được. Thầy có cách nào chỉ cho con?

Nhà hiền triết nhìn bệnh nhân một hồi thì nhận ra ngay: tên này mắc bệnh của dân “thành phố” cứ ngồi lì một chỗ nên sinh ứ mỡ, vậy phải làm cho vận chuyển thì khỏi ngay. Vì thế ông liền cất giọng hỏi:

– Anh thực sự muốn khỏi bệnh? Vậy anh có dám để tôi chữa bất cứ bằng cách nào không?

Bệnh nhân gật đầu thì nhà hiền triết lẳng lặng bỏ đi. Một lúc sau ông trở lại với một vốc kiến lửa, rất nhanh tay vất ngay vào trong áo bệnh nhân. Thế là người bệnh phải bỏ chỗ đang ngồi hoảng hốt nhảy tưng tưng giẫy giụa la hét… Cứ thế, cứ thế mà chả bao lâu người bệnh hết cả bệnh luôn, cơ thể chuyển động đều hòa không còn ăn không ngồi rồi cả ngày khiến bị ứ đọng trì trệ sinh ra đủ chứng.

ĐI KIẾM CHÚT BƠ THỪA SỮA CẶN?

Quả thực, ai đã chạm tới đường hướng tư tưởng của triết gia Kim Định thì như bị vất kiến lửa vào người vậy, không cách nào có thể ngồi yên an thân được nữa. Có cái gì thôi thúc nhức nhối không ngừng khiến phải rời bỏ chỗ đang ngồi, phải chuyển hướng hoạt động, cũng như chính Ngài đã chia sẻ tâm huyết như vậy.

Thế kỷ 20 sắp chấm dứt để nhân loại bước vào thiên kỷ 3. Thế giới đã tiến quá xa vất lại đàng sau một Việt Nam cúi mặt nhục nhằn. Người mình tự phản tỉnh hỏi lại lương tri: bằng ấy năm vùi dập đầy đọa nhau đã đủ chưa? Một trăm năm lầm lỡ đã đủ cho mình học được điều gì cho một trăm năm tới? Cuộc ra đi của mình có mang một sứ mạng gì không, hay chỉ là một cuộc chạy thoát tìm an thân phì gia qua ngày, sống chết mặc bay? Lê Bi trong ”Một Đoạn Thơ Xuôi” (Thế Kỷ 21, tháng 8.90 trang 46) đã diễn tả: “Có người bảo đất nước chúng ta may mắn có hàng triệu ông bà đại sứ. Có người bảo đó là hàng triệu du học sinh. Có người bảo đó chỉ là những kẻ đi kiếm bơ thừa sữa cặn!”, mà lại là bơ thừa sữa cặn của cái xã hội cũng đang quá thừa mứa đến mệt mỏi cố tìm lối thoát một cách tuyệt vọng như vụ 39 người tự tử ở San Diego vào tháng 3 năm 1997. Có thể mình cũng đã nuốt nhục nghe mà chưa sao tìm nổi lời biện bạch.

TIN VUI MỞ LÊN VIỄN KIẾN MỚI TỪ CẢNH MỊT MÙ

Từ cảnh lưu đầy của dân Do Thái bên Babylon đầy sầu thảm thất vọng như những bãi tha ma ngổn ngang xương trắng, tiên tri Ezekiel đã diễn lên thị kiến một cuộc phục hưng đầy Thần Khí. Đó là niềm tin vào Thiên Chúa vẫn đang dẫn đầu lịch sử của dân tộc mình khi phải đương đầu với một tương lai mịt mù đen tối.  Niềm tin này cũng đang được thể hiện nơi một Việt Nam thống khổ cúi mặt. Qua bao đen tối hãi hùng, người tin Chúa vẫn cảm nhận được lời Chúa Giêsu:

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Các điều này Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Gioan 15:9,11)

Việt là vượt. Con người Việt Nam cứ phải chạy hoài: vượt sông, vượt núi, vượt biển. Từ vùng sông Dương Tử vượt xuống sông Hồng. Rồi đến đầu thế kỷ 14 thì vượt xuống sông Hương do công chúa Huyền Trân dám hy sinh đời mình để mở cõi giang san cho dân tộc. Rồi cứ đà tiến, do sự hy sinh của hai công nương Ngọc Vạn và Ngọc Khoa, dân Việt lại vượt xuống sông Đồng Nai, rồi sông Cửu Long. Bờ cõi nước mình tới được Sài Gòn mới chưa đầy 400 năm, và tới Hà Tiên Cà Mau khoảng 250 năm thôi. Và bây giờ đã vượt Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, tới sông Mississippi bên xứ Mỹ, dựng được cộng đồng mới, làng Việt, phố Việt, báo Việt, cơ sở tôn giáo, hội trường. Bờ cõi bỗng mở ra khắp thế giới. Đây lại chẳng phải là lúc nhận ra bàn tay Chúa vẫn dẫn mình đi sao? Và cũng là lúc mình sực tỉnh nhận lấy trách nhiệm phải làm một cái gì cho dân mình ngóc đầu lên được, xây đắp biên cương mới ở ngay cộng đồng mình, và sánh vai với những sắc dân khác.

Như thế, cảm tạ Chúa mọi nơi mọi lúc đúng là lời cầu nguyện của người mở được con mắt thứ ba là con mắt của niềm tin như thánh vịnh 139:

Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,
Công trình Ngài xiết bao kỳ diệu,
Hồn con đây biết rõ mười mươi.

Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy,
Mọi ngày đời được dành sẵn cho con
Đều thấy ghi trong sổ sách Ngài,
Trước khi ngày đầu của đời con khởi sự.

Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện,
Đến ở nơi chân trời góc biển phương tây,
Tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn,
Cánh tay hùng mạnh giữ lấy con.

Trích ” Vũ Khúc Thăng Ca” của cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường  

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau