Mặc lấy sự bất tử

THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

Cv 3, 1-10
Lc 24, 13-35

Lời Chúa

13Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”

25Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? 27Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”

33Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Mặc lấy sự bất tử

Bởi vì chúng ta thuộc về Đức Kitô, nên chúng ta cũng phải mặc lấy sự không nát theo gương Đức Kitô. Thân xác kẻ chết, chẳng thua gì thân xác Đức Kitô, đâu có bị bỏ rơi cho hoàn toàn hư nát. Bởi theo Thánh Phaolô, dù sống hay chết, vấn đề thiết yếu là thuộc về Đức Kitô.

Chủ đề thân xác cứ trở đi trở lại trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: Thân xác là đền thờ Chúa Thánh Thần, thân xác Đức Kitô được chia sẻ trong Bữa Ăn của Chúa, sự so sánh thân xác với cộng đoàn, thân xác được hứa ban cho sự sống lại.

Ta có thể nói, đó là thân xác trong tất cá các trạng thái của nó, trong tất cá sự phong phú về ý nghĩa của nó; đó luôn luôn là thân xác giúp ta nhìn thấy và nắm bắt một phần mầu nhiệm. Đó là một thân xác của tưởng niệm: Thánh Thể được bẻ ra để nhớ đến Chúa – một thân xác có tương lai, một thân xác được tiền định sẽ sống lại.
Khi đề cập đến phương diện này của niềm tin Kitô giáo, Thánh Phaolô buộc phải sử dụng nhiều hình ảnh, bởi chúng ta đang bước vào trong một bình diện vượt xa khung tư tưởng bình thường của mình.

Christelle Javary
La guérison: Quand le salut prend corps (Cerf.)

Nguồn CALENDRIER SAINT-PAUL 2018
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Anh Võ CVK67

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau