Cuộc Thương Khó
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Xh 12, 1-8. 11-14 1
Cr 11, 23-26
Ga 13, 1-15
Lời Chúa
1Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.
2Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. 3Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, 4nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
6Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? ” 7Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” 8Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Đức Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” 9Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” 10Đức Giê-su bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” 11Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.”
12Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? 13Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
Cuộc Thương Khó
Đây là một thực tế phũ phàng: Con người Giêsu, người mà trong niềm tin, chúng ta tuyên xưng là Con Thiên Chúa, đã chịu thương khó, đã hấp hối, đã khổ đau. Nhưng đàng khác, cũng có một thực tế rất đáng thương, đó là muôn vàn khổ đau của con người.
Tôi đã cố tình không dùng từ “khổ đau kiếp nhân sinh”, bởi vì kiểu nói này, tôi thấy nó trừu tượng, lạnh lùng và xa cách quá. Không, khổ đau của con người, của những người đang sống, khổ đau đầy dẫy trong tất cả báo chí mỗi ngày, và còn nữa, khổ đau quá bình thường, trong góc khuất hẻo lánh, chẳng ai thèm quan tâm, và tệ hơn, khổ đau mà chẳng ngó ngàng, chẳng ai hay biết.
Tôi liên tưởng tới lời trách móc này, vừa dịu dàng vừa cay đắng, khi Đức Kitô nói với các tông đồ, với Phêrô, trong Vườn Cây Dầu: “Anh em không thể thức với Thầy một giờ sao? ” Và tôi tự nhủ, trong cái thế giới đầy dẫy khổ đau và ruồng bỏ này, cả tôi nữa, tôi cũng nằm ngủ và không chịu thức với người anh em tôi. Và có thể, chính vì sự mệt mỏi hay sự hèn nhát của tôi, mà người anh em ấy đã không nói được như Đức Giêsu: “Lạy Cha, xin cho Ý Cha thể hiện”.
André Babel, prêtre
Sur Parole (Éditions Ouverture)
Nguồn CALENDRIER SAINT-PAUL 2018
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Anh Võ CVK67