Tin Vui Lễ Lá – THỜI ĐIỂM XÂY THÊM NHÀ TÙ
Để tìm thuốc chữa chạy tình trạng thiếu niên phạm pháp mỗi ngày mỗi tồi tệ và trở thành “quốc nạn” theo ngôn ngữ của ngài Clinton, tiểu bang Louisiana đã chi 70 triệu tiền Mỹ thêm lên trong năm 1996 cho nhà tù và những dịch vụ liên hệ. Tính ra trung bình nhà nước phải chi mỗi năm trên 20 ngàn tiền Mỹ để giữ chân một thiếu niên phạm pháp trong nhà tù. Tiền này do chúng ta đóng thuế chứ còn bởi đâu. Đấy là chưa nói tới những bang lớn như Cali, Texas, New York… Vậy mà cũng theo báo cáo trên, thì trên 60% đám trẻ này sau thời gian nhốt tù được thả ra lại trở lại nhà tù nữa! Kỳ lạ chưa?! Giải quyết quẩn như vậy mà cứ phải làm, và cãi nhau để chi thêm tiền, không thì lại loạn hơn!
CÁI ĐÀ RỬNG MỠ
Thực ra thì căn bệnh ung thối từ cả một hệ thống xã hội. Đám trẻ được quá nuông chiều, thả cho tự do bừa bãi không còn khuôn phép gì, và không ai dám dùng một thứ kỷ luật tối thiểu để sửa phạt trong gia đình, lơ mơ là bị lôi ra tòa về tội hành hung con nít. Vậy mà phần lớn các vụ bắn giết bây giờ lại do các “đấng” con nít này mới phiền chứ. Cả một cái đà buông thả, lớp trẻ được đẩy vào cái trớn không cần biết phải phục vụ làm ích cho ai, chả cần có lý tưởng gì cao hơn miếng Big Mac và đôi giầy Nike Air. Quá dư nhiệt nên phải rửng mỡ. Trẻ bây giờ bị quá nhiều sức ép: bắt phải theo đà như nhiều đứa khác! Không theo thì bị chế diễu là khờ, cù lần, chỉ biết rúc ở nhà, không giống ai…
Người Do Thái có lối huấn luyện lớp trẻ rất ngược với kiểu Âu Mỹ hiện tại: sau thời gian huấn luyện kham khổ về những gì căn bản nhất để được gọi là một người Do Thái, hướng đạo sinh phải đeo ba lô đi bộ ba ngày trong vất vả đổ mồ hôi để đi đến một địa điểm ở đồi Massada nơi cha ông họ đã thà chết chẳng thà đầu hàng. Chập tối, họ được lệnh cắm lều ngủ đêm trong tình trạng “sắp sẵn”, và sau nửa đêm họ lại được lệnh đeo ba lô leo lên đỉnh đồi. Ở đó họ làm nghi thức tuyên thệ dưới những bó đuốc bập bùng như sức sống của tiền nhân bao đời vẫn đang hiển hiện. Lời tuyên thệ vang lên: “Massada không bao giờ thất thủ lần thứ hai”! Và khi tuyên thệ xong, họ được phát một cuốn Kinh Thánh là cuốn kinh dân tộc Do Thái, tức là một bộ niềm tin chung có sức qui tụ và làm nên sức mạnh của lớp dân mình.
Nhiều sắc dân Nam Mỹ cũng có lối huấn luyện cho đứa trẻ làm người lớn cũng gần giống như vậy. Đứa bé phải qua một nghi lễ ”chết đi và sống lại”. Sau khi được học tập đầy đủ những gì căn bản nhất của lớp dân mình, đứa trẻ được dẫn vào một hang động, tức là đi vào huyền nhiệm để có thể nối được vào cuống nhau lớp dân mình và nối được vào dòng sống siêu việt. Ở đó nó phải đương đầu với kiến lửa, rắn rết, bọ cạp, để mà sống sót. Và chỉ sau khi trải qua như vậy, nó mới được phát “chứng chỉ” làm người lớn có thể lập gia đình.
Cả hai đường lối huấn luyện trên đều nhấn mạnh yếu tố phải học tập những gì căn bản nhất về căn tính dân tộc, cảm thấy hãnh diện mình thuộc về một lờp dân. Và được đặt nền trên bộ kinh tin, thể hiện ra thành một đạo sống, phong tục lễ nghi. Rồi phải thực tập trải qua gian khổ, tập cho biết chết đi, biết hy sinh chịu đựng thì mới có thể làm người lớn được.
Vậy mà ở xã hội Âu Mỹ, giới trẻ được nhồi một não trạng rất bất thường và bệnh hoạn. Làm ”người nhớn” có nghĩa là biết sống buông thả phóng túng không muốn thuộc về ai nữa, biết hưởng thụ bừa bãi. Dấu chỉ tập làm ”người nhớn” là thuốc, rượu, quần áo, tình dục, có bồ sớm, xe riêng, nhà riêng, thoát ly quyền cha mẹ, và chả cần thuộc về đâu nữa trừ ra nhóm đang cùng đam mê một cái gì! Vì thế dễ thành băng đảng. Và nhiều bậc cha mẹ tỏ ra đầu hàng, buông xuôi theo đà chả biết làm sao hơn được!
DẤU CHỈ CHẲNG GIỐNG AI
Đường lối đào tạo lớp trẻ cũng như chính những tiêu chuẩn mà xã hội áp đặt lên mọi người có cái gì sai trệch từ căn bản. Con đường hay lối sống vốn phô trương là tiến bộ hợp thời làm cho mọi người hạnh phúc an bình mà không được như vậy thì tất nhiên phải có gì sai trầm trọng. Phim Forrest Gump (tạm đọc là Phó Gẫm) là một dấu chỉ lật ngược mọi tiêu chuẩn giá trị xã hội. Phim đã thật ăn khách, thu được cả trên 660 triệu tiền Mỹ nhờ dấu lật ngược này.
Chất ăn khách của Phó Gẫm là cho một cái nhìn về cuộc đời, khác với cái nhìn mọi người đang nhìn. Mọi sự xẩy ra vẫn cứ vậy thôi. Nhưng mình nhìn sao thì phản ứng vậy. Sở dĩ mình không hạnh phúc, hay la hét giẫy giụa là vì mình đang “bị” đeo một tầng kính nhìn do xã hội áp đặt. Bắt mình phải thế này, phải thế kia mới hạnh phúc. Như hồi Phó Gẫm còn tàng tật, chân phải kẹp sắt mới đi được, mọi người xem ra xa tránh và coi thường. Buổi đầu tiên đi học nó lết lên được xe chở học sinh, tìm chỗ mãi mới được Diên-Nhi cho ngồi bên cạnh. Câu đầu tiên mà Diên-Nhi hỏi là “chân mày làm sao vậy?”. Phó Gẫm trả lời tỉnh bơ: “Chẳng sao cả”.
Thì ra mọi người đã xếp hạng sẵn, cái gì là may, cái gì là xui. Bị què là xui. Bị đi lính đánh nhau nơi nguy hiểm là xui. Nhiều cái xui lắm…. Nếu nhìn như vậy thì cuộc sống đúng là bể khổ và khó lòng mà vui được. Điều gì đang xẩy ra thì là đang xẩy ra thôi. Có gì mà phải lý luận. Tại sao cứ phải ăn mặc đúng “tiêu chuẩn”.
Cứ tưởng tượng trời mùa hè ở New Orleans nóng hơn Sài Gòn, mà mấy dân đi làm thương mại cứ phải đóng đồ bộ dầy cộm và thắt cà vạt đến nghẹt thở, mồ hôi nhễ nhãi thật tội nghiệp. Nhưng xem ra không thể cưỡng lại cái “lệnh” vô hình này của xã hội được mới chết. Phải có áo Polo. Phải đi xe mốt mới.
Chẳng bù cho Phó Gẫm nhà ta: cũng mặc đồ bộ, nhưng lại mang đôi ba-ta cũ, chẳng giống ai. Nó cũng mong có một đôi giầy êm cỡ giầy hiệu S.A.S như cô y tá đang mang kia chứ. Nhưng có sao thì vui vậy. Thế thôi. Tại sao lại cứ phải “giống ai” để mà khổ, rồi lại lý luận: sinh ra là khổ, bệnh cũng khổ, già là khổ, chết là khổ!
Mâu thuẫn chưa? “Chẳng giống ai” mà sung sướng thì đó là chất ăn khách của Phó Gẫm. Ai muốn sống hạnh phúc phải mua cái nhìn như vậy: trên 660 triệu tiền Mỹ đấy! Thì ra, “thế giới sẽ hoàn toàn đổi khác, một khi bạn nhìn qua con mắt của Phó Gẫm”.
TIN VUI LẬT NGƯỢC CHO NĂM 2000
Theo truyền thống Công Giáo, mở đầu cho tuần lễ trọng nhất trong năm phụng vụ gọi là Tuần Thánh, người tin Đạo đón rước Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với cành lá trên tay và miệng vang lên lời hoan hô xưng tụng vinh danh. Mà không phải chỉ xưng tụng ngoài miệng mà còn là nhận ra Ngài là Đường, là dấu chỉ thời đại, là mẫu “minh tinh” chói sáng, để tiến bước theo trong những ngày trọng đại này.
Nhưng dấu chỉ nơi Ngài lại quá ngược đời làm sao nhận định kịp: một ông vua cỡi lừa? Thường vua chúa khải hoàn tiến vào thủ đô phải ngồi trên ngựa chiến, ngự trên ngai vàng có cẩm bào oai vệ; tướng lãnh chỉ huy thắng trận Vùng Vịnh về tiến vào Nữu Ước với đoàn chiến xa hùng dũng và ngàn vạn bong bóng đủ màu bay rợp trời.
Chúa Giêsu không chỉ nói về dấu chỉ, mà Ngài đã trở thành chính dấu chỉ lật ngược mọi tiêu chuẩn bình thường. Đó là “Con Đường Ít Người Đi” như tựa đề cuốn sách về tâm lý bán chạy nhất trong nhiều năm của Scott Peck. Có con đường nào khác nữa đâu? Đó cũng là con “đường tình đó Ngài dành cho con” như lời mot bài hát rất phổ thông của nhạc sĩ Văn Chi.
Bà Sue Bender đã kể lại trong cuốn “Plain and Simple” (Giản Đơn) về kinh nghiệm sống với dân Amish ở miền bắc nước Mỹ với lối sống lật ngược mọi tiêu chuẩn Mỹ hiện tại. Lớp dân này sống thật an bình vui tươi giữa một xã hội Mỹ đầy bất trắc rối loạn. Và bà đã thử áp dụng ngay trong cuộc sống bình thường khi trở lại nhà mình: dọn lại phòng, bếp; cho bớt đi những gì rườm rà ứ đọng, để ý săn sóc những gì xem ra rất tầm thường mọi ngày. Và tự nhiên bà ta nhận ra thật nhiều phép lạ trong đời sống với lối nhìn mới, lật ngược lại mọi khi. Đúng là cũng cần phải “không giống ai” một tí.
PHÚT CẢM NHẬN
Để sửa soạn cho thời điểm năm 2000 như một khúc quặt và một dấu chỉ lật ngược, hội thánh Công Giáo đã dành ra cả một thời gian 3 năm để nhìn cho rõ, để tu luyện và bước theo một con đường đã được thể hiện từ 2000 năm nay do chính Chúa Giêsu. Vì thế năm 1997 là năm hội thánh đặt nền trên việc học hỏi để bước theo Chúa Giêsu, vẫn mãi mãi là dấu cho nhiều người vấp ngã và nhiều người bước tới được như lời ông Simeon đã nói trước khi Ngài được đưa vào đền thờ lúc còn bé thơ.
Vậy mình thử bắt đầu ngay lúc này ngay hôm nay một vài việc xem ra chẳng giống ai, lật ngược lại tiêu chuẩn bình thường. Nhất định không theo đám đông nữa, không để ai có quyền xỏ mũi lôi mình đi nữa. Con đường theo đà nhiều người đang đi chỉ đưa đến bất ổn đổ vỡ thì tại sao mình lại cứ nhắm mắt để cho người ta lôi dẫn đi?
Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua? Xin cho con bước đi với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang. Con đang lên đường bước theo chân Chúa vào Giêrusalem. Con đang giã từ con đường thênh thang buông thả theo đà trớn để dám bắt đầu đi “con đường ít người đi” này. Đây là một khúc quặt đời con, cuộc sống chắc chắn tìm được hướng đi mới. Và đây là con đường dẫn con và nhiều người vào thiên kỷ 3 với một nhãn quan mới.
Trích tác phẩm “Vũ Khúc Thăng Ca” – Cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường