Tin Vui Chay 1B – THỜI ĐIỂM CHỮA BỆNH CĂNG THẲNG

Tờ The Times-Picayune ở Louisiana phiếm luận một đề tài thật buồn cười: có được xin nghỉ làm một ngày vì bệnh căng thẳng không? Vì thường chủ hãng chỉ bất dĩ phải đồng ý khi nhân viên gọi vào sở xin nghỉ vì đau bụng quá cỡ, vì cảm lạnh, có sự nhăn nhó hay cơn ho sù sụ làm chứng. Chứ bệnh căng thẳng thì có gì đo được đâu. Ấy vậy mà cái bệnh này đang thịnh hành mới chết.

ĐÀ LOẠN NHỊP

Cuộc sống hằng ngày đôi khi thật nản. Ngày nào cũng bằng ấy công việc. Phải hối hả làm cho xong như một cái máy. Hình như xã hội này đang tạo sẵn một cái hộp nhốt tôi vào đó. Tầm mắt không vượt qua bốn bức tường vây hãm, và những đống thư từ do các văn phòng khác nhau cứ tiếp tục “oanh tạc” từng phút. Muốn thoát ra khỏi mà không ai cho phép! Và hậu quả là nhức đầu, chóng mặt, căng mạch máu, bong thần kinh. Rồi thuốc Advil, Tylenol trở nên bạn thân giúp cho được thăng bằng. Quá một chút là lại phải gọi số cứu cấp 911. Và xe cứu thương hú còi hối hả. Chết cũng chết vội vã như những con người văn minh ở khu vực Manhattan New York đi kiếm tiền phải chạy nhanh cho kịp xe điện ngầm: mỗi người một cái cặp Samsonite, mỗi người một suy tính chộp giật cho lợi tức gia tăng. Không còn giờ ngó nhau. Không còn sức nhìn lên bầu trời cao vợi, vì hai bên đường những ngôi nhà “gãi trời” đã bưng mắt giống như hai tấm che mắt những con ngựa kéo xe thổ mộ trên đường Lê Văn Duyệt thuở nào. Phía trên thì khói các nhà máy dầy đặc đen sì ngột ngạt thay cho mây trời thênh thang.

Ôi văn minh con người thừa thắng xông lên trên “đỉnh cao trí tuệ theo đà tiến hoá tất yếu của lịch sử”! Phải cần triệu triệu năm khỉ đột tiến hóa thành dáng hơi giống người. Vậy mà ở cuối thế kỷ 20, con người thèm chảy cả nước miếng nhìn lên cành cây thấy chim trời ca hót líu lo thảnh thơi, trông xuống dòng sông thấy cá nước bơi lội tung tăng tươi tỉnh. Chỉ có con người là nhăn nhó tối ngày. Có cái gì bất ổn nơi văn minh loài người sao? Có cái gì bất bình thường sao? Trong tim mỗi người hình như đang cảm thấy một sự chao động căng thẳng bất an thì phải?

Sống trong một xã hội mà cái gì xem ra cũng mất thăng bằng, mà có được sự bình thường thì thật là quí. Mấy người bạn lâu ngày gặp lại nhau liền hỏi bạn có khoẻ không? Và câu trả lời đắc ý nhất là : tôi vẫn bình thường, vẫn thăng bằng, vẫn như thường. Như vậy giữ được sự bình thường, thăng bằng, an bình, chẳng phải là một điều lạ đáng ao ước lắm sao!

Trái đất và vũ trụ đang vẫn “như thường” đấy. Nghĩa là đang giữ được thăng bằng, đang bình thường. Thử tưởng tượng một vài chuyện bất thường xảy ra: nếu trái đất quay chậm lại 10 lần, thì sức nóng sẽ tăng lên 10 lần. Nếu mặt trời gần lại mặt đất thì mọi cây cỏ sinh vật trên trái đất bị thiêu rụi liền. Và nếu nó dở chứng bò xa ra một tí thôi thì cũng đủ làm cho mọi người chết lạnh hết. Và nếu mặt trăng chỉ cần hứng ẩu tiến gần vào trái đất khoảng 50 ngàn dặm, thì nước sẽ bị hút dâng lên ngập trái đất mỗi ngày hai lần.

Người ta chỉ thích tìm cái mới lạ, nên bỏ quên cái lạ nhất là cái bình thường. Bạn đang có thể thở ra hít vào từng giây phút, từ bao nhiêu năm nay. Các cơ năng trong thân thể vẫn ngày đêm làm việc để bạn sống. Quan sát một cành lá, một bông hoa: một sức sống mầu nhiệm đang luân lưu trong vũ trụ. Tất cả chẳng phải là những phép lạ sao?

Trời đất chỉ có một hơi thở của Thần Sinh Khí, một nhịp sống tuôn chảy ngày đêm. Hòa được vào nhịp sống này thì thăng bằng, vẫn như thường. Còn không thì “chạm điện”, “mát dây” ngay.

TÌM LẠI NHỊP THĂNG BẰNG

Đọc “Thư từ Sa Mạc” của thầy tiểu đệ Carlo Carretto, ai mà chả mê cái kinh nghiệm tâm linh của thầy. Đó là kinh nghiệm về cõi trống diệu vợi của sa mạc. Thầy kể chuyện chính thầy đã từng làm chủ tịch phong trào giới trẻ Công Giáo toàn nước Ý thời Đức Giáo Hoàng Piô XII với biết bao sinh hoạt và chương trình tưởng có thể thay đổi bộ mặt thế giới. Nhưng trong thâm tâm thầy vẫn thấy có cái gì hụt hẫng, bất ổn. Sau nhiều ngày vật lộn với chính mình thì đùng một cái, thầy bị Chúa quật ngã. Chúa đã gọi thầy bỏ cõi “đầy đặc” để đi tìm cõi trống nơi sa mạc.

Có lần đang cảm thấy căng thẳng mất thăng bằng mà được nghe về cảm nghiệm sa mạc trên, tôi đã tìm vào sa mạc Arizona tĩnh tu nửa tháng trong một lều nhỏ riêng biệt nơi một trung tâm tịnh niệm gần Tucson. Vào sa mạc là tự nhiên đi vào cõi trống rồi. Chung quanh chỉ có cát và những cây xương rồng saguaro khô khẳng. Những cây xương rồng vùng Tucson đặc biệt lắm: nó mọc lên như một thân người có những cánh tay vươn cao trong tư thế cầu nguyện như câu thánh vịnh 143:

Hai tay cầu khẩn giơ lên
Hồn con khát Chúa như miền đất khô.

Mỗi buổi tối, khi mặt trời lặn xuống khỏi rặng núi xa xa, thì bầu khí trở nên u linh lạ lùng. Ánh sáng thật huyền ảo. Bầu trời vút cao vời vợi. Tôi tập quì tĩnh niệm theo tư thế những cây xương rồng saguaro với hai tay giơ cao. Chờ cho đến khi ánh sáng ban ngày tắt hẳn, tôi lấy vải trải trên cát, và nằm chiêm ngưỡng bầu trời đầy sao. Cái cảm nghiệm hút hồn đêm đó chắc chắn sẽ theo tôi suốt đời. Tôi thấy tôi lâng lâng khỏi mặt đất, khỏi những bon chen giam hãm thường ngày. Có cái gì đang bị hay đang được phá vỡ trong tôi. Giữa cõi không gian nhiệm mầu đó, tôi thấy mình xả buông tất cả. Một cảm giác kỳ lạ ngất ngây: tôi thấy mình tan biến đi mà nhẹ nhàng bay bổng vút cao hòa vào một thực tại bao la. Không còn trời. Không còn đất. Không còn chính tôi. Tất cả hòa nhập vào cõi Ta Thần Linh Đại Ngã tròn đầy viên mãn.Tôi không thể tả nổi cái cảm nghiệm này, hay không còn gì để nói thì đúng hơn. Tất cả như chỉ còn một sức sống, một nhịp điệu, một hơi thở. Lần đầu tiên tôi nghe rõ tiếng nói của thinh lặng như trong bài hát “The Sound of Silence”. Và tôi hiểu được lời của Kahlil Gibran, nhà tiên tri của thời đại trong cuốn Tiên Tri:

Hãy để lòng bạn một khoảng trống
Cho gió Trời có thể nhảy múa thổi vi vu.

TIN VUI TÌM LẠI ĐƯỢC CHÍNH MÌNH

Đức Giêsu đã mở đầu công cuộc loan báo Tin Vui bằng hai việc tìm vào cõi trống xả buông tất cả là chịu phép rửa ở sông Gio-Đan và sau đó đi vào sa mạc tịnh niệm. Kinh Thánh nói: “Thánh Thần thúc đẩy Đức Giêsu vào hoang địa, và Người ở đó bốn mươi đêm ngày” (Mc 1:12).

Thời Điểm 2000 rõ nhất là tình trạng căng thẳng rối loạn gia đình và xã hội, trống rỗng tâm hồn, và vô nghĩa cuộc sống. Đúng là tình trạng căng thẳng mất thăng bằng, “mát dây, chạm điện”, đánh mất chính mình. Chỉ vì quá đầy đặc, qúa ích kỷ ứ đọng. Muốn tìm lại thăng bằng an nhiên cuộc sống, chỉ có cách là tìm vào tĩnh lặng lòng mình. Đi vào tĩnh lặng lòng mình là đi vào sa mạc, chẳng cần phải đi đâu xa. Hội Thánh Công Giáo dành một thời gian 40 đêm ngày gọi là Mùa Chay, để theo bước chân Chúa Giêsu tìm vào cõi trống sa mạc tròn đầy diệu vợi, là tìm lại được chính mình.

An Nguyên trong “Tôi Đi Tìm Tôi” đã tâm sự thế này: “Đề tài nghe qua thật buồn cười. Ai đời nào mình lại đi tìm mình bao giờ. Nhưng khi bắt đầu suy nghĩ tôi nhận ra lâu nay tôi thường xuyên đi tìm tôi, đi tìm con người thật của tôi. Tôi đã đi tìm tôi nhiều nơi, nhiều chỗ: trong những kiểu quần áo thời trang có nhãn hiệu sang, nơi những món đồ trang sức rực rỡ, trong những buổi dạ yến vui nhộn, nơi các tài tử, ca sĩ nổi tiếng, trong đám bạn bè, trong các chợ thực phẩm, những tiệm tạp hóa. Tôi đã vất vả đi tìm tôi nhiều nơi chốn mà vẫn không tìm thấy tôi đâu. Càng tìm tôi càng thấy xa vời tầm tay. Càng tìm tôi càng cảm thấy trống vắng. Có lúc tôi cảm thấy xa lạ với chính mình. Tôi không biết tôi là ai, tôi thực sự muốn gì, cần gì. Rồi tôi cảm thấy không thích tôi, bực bội với chính tôi, đưa tôi đến chõ có những tư tưởng và hành động điên rồ với chính tôi”.

PHÚT CẢM NHẬN

Vậy tại sao mình không để ra mỗi ngày một khoảng thời gian ngắn để tĩnh lặng cầu nguyện, mà cứ để tình trạng căng thẳng mất thăng bằng hoài? Tìm vào cõi trống để chính lòng mình cũng rộng mở, xả trống mọi bụi bặm phù du của hộp vuông tiểu ngã nhỏ hẹp với những nhịp thác loạn mà hòa vào một thực tại lớn hơn, hòa vào một sức sống tròn đầy bao la hơn, hòa vào một nhịp sống của đất trời, của Thần Sinh Khí. Trong cõi trống bao la này, con người không cần phải suy về hay nghĩ về Đấng Huyền Nhiệm nữa, mà như đang cảm thấy Người, chạm đến tay Người. Và như một mâu thuẫn không giải thích nổi, là trong cái tĩnh lặng và cõi trống hầu như tuyệt đối này, một cảm nghiệm an vui toàn mãn đầy tròn bao phủ. Mình tìm lại được chính mình. Lạ thật.

Và mình hòa nhập vào tâm tình Thánh Vịnh 143:

Hơi thở con chỉ còn thoi thóp
Nghe con tim giá lạnh trong mình.

Nhớ ngày xưa tháng cũ,
Con hoài niệm mọi công trình của Chúa
Và gẫm suy việc tay Chúa làm nên.

Hai tay cầu Chúa giơ lên,
Hồn con khát Chúa như miền đất khô.

Trích “Vũ Khúc Thăng Ca” của cố Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau