Trong Nhà thờ Thánh Mộ tại Giêrusalem có một tảng đá lấy từ Đồi Can-vê, tảng đá này đã được chêm vào để giữ đứng Thánh Giá của Đức Giêsu Kitô. Bên phải đài tưởng niệm Can-vê có tượng Đức Mẹ Sầu Bi với trái tim bị một lưỡi gươm đâm thâu. Tại Giêrusalem, cả hai đài tưởng niệm được đặt gần nhau để nhắc nhớ việc tôn kính Thánh Giá và Đức Mẹ Sầu Bi vào hai ngày liền nhau, 14 và 15 tháng Chín.

Thiên Chúa phản ứng với sự cằn nhằn của dân Israel khi ở trong sa mạc. Sau khi cho đại dịch rắn xảy ra, Thiên Chúa đã nguôi giận vì họ hối hận. Rồi Thiên Chúa bảo ông Môsê làm một con rắn đồng và treo lên, để người nào bị rắn cắn mà ngước nhìn lên con rắn đồng thì sẽ được chữa lành.

Đó là lời tiên báo Đức Kitô sẽ bị treo trên Thập Giá, nếu chúng ta tin tưởng nhìn lên Ngài thì sẽ nhận được ơn cứu độ. Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã nói cho ông Nicôđêmô biết: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3:14-15). Do đó, Thập Giá là con đường cứu độ, nên thánh và chữa lành.

Thập Giá xuất hiện trong cuộc đời của chúng ta bằng những cách khác nhau. Trong những lúc ở trong bóng tối của sự đau khổ, chúng ta có cảm thấy được an ủi nhờ chiêm niệm cuộc khổ nạn đau thương của Đức Kitô và những nỗi sầu thương của Đức Mẹ? Thập Giá là nơi thông phần đau khổ với Đức Kitô, là nơi chúng ta nhận thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa và có giá trị. Đức Mẹ sầu bi là nơi trú ẩn cho chúng ta, Đức Mẹ từng trải nên Đức Mẹ thấu hiểu mọi nỗi khổ của phàm nhân chúng ta. Đức Mẹ ở bên chúng ta khi ân sủng đưa chúng ta đi qua lửa thanh luyện và lửa đau khổ.


Trong Nhà thờ Thánh Mộ, bảy nỗi đau của Đức Mẹ được biểu thị qua lưỡi gươm lớn đâm thâu qua Mẫu Tâm, và biểu thị nỗi đau khổ của Mẹ Thiên Chúa. Đây là bảy nỗi đau của Đức Mẹ:

1. Dâng hiến Con Trẻ – Tin vào lời tiên báo của Thiên Chúa.
2. Hành trình tới Ai Cập – Tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
3. Lạc mất Con Trẻ Giêsu ba ngày – Kiên trì tìm kiếm Thiên Chúa.
4. Lên đồi Can-vê – Can đảm thành tín trong đau khổ.
5. Chúa chịu đóng đinh – Yêu mến sự hy sinh.
6. Hạ xác Chúa Giêsu – Hy vọng khi đối mặt với nỗi tang thương.
7.An táng Chúa Giêsu – Thương xót khi chăm sóc xác hồn.

Lễ Tôn Vinh Thánh Giá và lễ Đức Mẹ Sầu Bi nhắc chúng ta vâng theo Thánh Ý Chúa qua những nỗi đau khổ hằng ngày, đó là vác thập giá của mình để cùng Đức Mẹ theo chân Chúa Giêsu trên Con Đường Thánh Giá cho tới Đỉnh Đồi Can-vê.

Và ngay trên Đỉnh Đau Khổ, Chúa Giêsu cũng nói với mỗi chúng ta như đã nói với Tông đồ Gioan: “Đây là Mẹ của con” (Ga 19:27). Đức Mẹ không chỉ đau khổ vì người ta hành hạ Con Yêu Giêsu, Đức Mẹ cũng đã và đang đau khổ vì mỗi chúng ta, và như vậy thì chúng ta phải làm gì để tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ?

Kathleen Beckman

Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Nghe Thánh Ca: Đường Lên Thánh Giá – Trầm Thiên Thu

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau