Vào thời điểm này người ta nhắc tới lời tiên tri của một linh mục tên là Malachi từ thế kỷ 12 về “thời sau hết”. Theo đó thì Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II là “Mặt Trời Lam Lũ” (Labor Solis). Đức Gioan 23 đến từ Venise thành phố nổi trên nước ở Bắc Ý thì được gọi là “Thủy Thủ” (Nauta). Sau Đức Gioan Phaolô II thì còn một vị giáo chủ nữa trước vị cuối cùng trong sổ là Đức Phêrô II. Thánh Phêrô là vị giáo chủ đầu tiên, nên khi thấy tên Đức Phêrô II là vị cuối cùng trong sổ mà không thấy nói gì thêm nữa, người ta liền suy đoán đó là mốc ghi ngày tận thế!

THỜI ĐIỂM VỀ LỜI TIÊN TRI MẶT TRỜI LAM LŨ

Hình ảnh “Mặt Trời Lam Lũ” trông thấy rõ nét nơi Đức Giáo Chủ (Thánh Giáo Hoàng ) Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Mỹ Châu ở Mexico và St Louis Hoa Kỳ vào cuối tháng 1 năm 1999. Dù tinh thần rất minh mẫn, nhưng cơ thể vị giáo chủ đã yếu hẳn sau lần bị bắn tại công trường thánh Phêrô, nhất là chứng bệnh Parkinson đã ảnh hưởng rất rõ. Tay Ngài bị run, khuôn mặt bị cứng ra dần, và đi lại rất chậm chạp. Đó là vì sau hơn 20 năm lam lũ như mặt trời trong sứ vụ, đặc biệt với trên 80 chuyến công du đi đến trên 120 nước trên thế giới.

Ngày 16 tháng 10 năm 1978, cả thế giới ngạc nhiên khi thấy xuất hiện vị tân giáo chủ rất trẻ trung mới 57 tuổi đến từ một nước Cộng Sản Đông Âu. Cả 455 năm qua, các đức giáo chủ đều là người Ý, đây là lần đầu tiên như một dấu lạ: Đức Karol Wojtyla đến từ Ba Lan, một nước chính quyền Cộng Sản. Ngài rất khỏe mạnh và lanh lẹ vì từng là một nhà thể thao.

Lạ lùng quá, trong vòng hơn 20 năm, “Mặt Trời Lam Lũ” đã thay đổi cả bộ mặt thế giới. Và trong lúc tuổi già, ngài vẫn tiếp tục lên đường đi tới, lôi kéo mọi người hướng về tương lai bước vào thiên niên mới với đầy nhiệt lực hứng khởi, và với cả một kế hoạch thực tiễn chứ không ngồi viễn mơ.

Dịp kỷ niệm 20 năm làm giáo chủ vào tháng 10 năm 1998, Đức Gioan Phaolô II đã có một kiểu mừng khác biệt, không nhắc lại những thành tích 20 năm qua, nhưng mở ra một nhãn quan tích cực cho ngàn năm mới với tông huấn “Vẻ Huy Hoàng của Chân Lý” (Veritatis Splendor). Đây là tông huấn then chốt ý hướng của vị giáo chủ, đưa ra một đường lối dung hạp đời với đạo, văn hóa với niềm tin, đời thường với thánh thiêng. Đó cũng là ý hướng của công đồng Vatican II trong hiến chế Hội Thánh trong Thế Giới ngày nay:

“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ…Lúc nào Hội Thánh cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và chụp ghi dưới ánh sáng Tin Vui” (số 1&4).

TIN VUI KHƠI MẠCH MÙA XUÂN MỚI

Phát ngôn viên của tòa thánh là Navarro-Valls đã nhận xét: “Sức khỏe của ngài xuống hơn, nhưng cảm ơn Chúa, điều đó chẳng cản trở công việc của ngài. Tay bị run, phát âm đôi khi không rõ, nhưng đây có khi lại giúp ngài nói được với dân chúng hùng hồn hơn ở chiều kích mới. Cảm tưởng của tôi là khi người ta nhìn thấy tay ngài rung, thì mọi thành quách bên trong họ bị sụp xuống hết. Cánh tay rung này có thể cũng có tác dụng mạnh như thân hình cường tráng của ngài cách đây 20 năm”.

Điều này thật đúng khi giới trẻ ùn ùn kéo tới với ngài trong dịp tụ hội lớn của giới trẻ châu Mỹ tại Mexico cũng như tại St Louis Hoa Kỳ, và đặc biệt tại đại hội giới trẻ thế giới ở Paris vào năm 1997. Trước đó ít lâu, một nhà báo vô thần Pháp đã nhận xét về bầu khí xuống dốc của người Công Giáo ở Pháp, và đoan chắc rằng đại hội sẽ rất ít người; và với con số may ra được khoảng một trăm ngàn người đến dự thì bõ bèn gì để một vị giáo chủ già nua phải lần mò sang Paris cho tốn công sức! Nhưng rồi chuyện kinh ngạc đã xẩy ra: trên một triệu người trẻ đã tuốn đến thành phố Paris để gặp gỡ Đức Thánh Cha. Họ khao khát nội tâm sâu xa, muốn tìm một hướng đi sau những mệt mỏi rã rời của những năm cuối cùng của bách niên nhầy nhụa vật chất này.

Đức Gioan Phaolô đã vạch ra lộ trình rất rõ để nhân loại bước vào ngàn năm mới: “Phục hồi tầm quan trọng của gia đình. Quốc gia chỉ yên ổn khi gia đình lành mạnh. Giới trẻ đừng sa vào lại những lầm lỡ của thế kỷ đang qua, nhưng hãy vững tâm theo một con đường sống mới hợp nhân vị và nhân phẩm, phát huy giá trị Phúc Âm“. “Không có hòa bình nếu không có công lý. Nhưng không thể có công lý nếu không bênh vực sự sống. Và không có sự sống nếu không đặt nền trên chân lý, mà chân lý thì do Thiên Chúa chỉ cho”. Chứ những thước đo sự thật và giá trị loài người bày đặt mà gạt bàn tay Chúa ra trong cả thế kỷ qua đã chỉ đưa đến đổ vỡ tan hoang. Ngài kêu gọi giới trẻ hãy luyện đức tin như hai người trẻ Công Giáo tập luyện và đạt tới thần tượng của môn dã cầu là Mark McGwire và Sammy Sosa. Và ngài xác quyết bằng chính Lời Chúa: “Chúng con là ánh sáng soi trần thế” (Mt 5:14)

Chính Chúa mới là Nguồn Sáng. Trong cảnh đen tối ngột ngạt, chỉ cần một nút bật là tất cả sáng lên. Mỗi người hãy là nút bật đó. Trong lúc phẩm chất con người xuống cấp tới cùng độ, một nhãn quan mới đầy ánh sáng cần được mở ra. Như vậy, Đức Gioan Phaolô II đang tuyên bố “ngày tận thế” của một nền văn hóa chết chóc u ám, của một thời đại đánh mất linh hồn nên rời rã tàn lụi, của một thế kỷ với bao lầm lỡ, để khai mở một mùa xuân đầy sinh lực của một kỷ nguyên mới với một nền văn minh mới đặt nền trên niềm tin vào tình người và sức mạnh tâm linh hơn là những giá trị vật chất. Đây quả là điều mà ai cũng đang cảm thấy khẩn thiết vào thời điểm này.

Cũng chính vì thế mà dù đã cao tuổi và bị bệnh Parkinson, Đức Gioan Phaolô vẫn cứ hăng hái lam lũ ra đi hô hào thế giới và đặc biệt giới trẻ vùng đứng dậy. Ngài đã chuyển lực khơi mào một mùa xuân mới từ những tàn tạ mùa đông. Sức gì đã tác động mãnh liệt như vậy? Đó là dòng ơn thánh. Để khơi mạch mùa xuân mới, con người chỉ cần tin tưởng vào thần lực Chúa, đặt lại cái gì thực sự ưu tiên trong đời sống và sẵn sàng làm nút bật cho Chúa tác động, như Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II. Vừa tuổi già vừa bệnh tật mà ngài vẫn có thể làm được như thế, vậy mà những người mạnh khỏe trẻ trung lại chỉ biết ngồi than trách hay đầu hàng môi trường sao?

PHÚT CẢM NHẬN XUÂN RA ĐỜI

Vào lúc sang xuân, mùa xuân không phải của một năm, mà là thời điểm cựa mình sang xuân của một thế kỷ mới, một thiên kỷ mới, con người ngắc ngoải đi tìm con đường nào có thể làm tươi tắn lại cuộc sống. Chả lẽ mọi vật đều chuyển mình vào dòng sinh lực đất trời mà tươi nở, riêng con người vẫn cứ ghì lại tự nhốt giam vào vật chất tù túng khiến trở nên héo rũ tàn tạ mãi sao?!

Đây chính là thời điểm người trẻ mệt mỏi chán chường cần tìm ra phương cách lấy lại sinh khí cuộc sống. Một con én cũng như một bông hoa không làm nên mùa xuân. Nhưng một con én bắt đầu lượn, một bông hoa bắt đầu đầu nở, thì mùa xuân cũng bắt đầu, như một người tuổi già và bệnh tật như Đức Thánh Cha đã bắt đầu. Mỗi người phải là một nút bật sáng, khơi mạch mùa xuân. Và đây là điều tích cực nhất chuẩn bị cho thiên niên kỷ mới.

Dù bất cứ trạng huống nào kể cả cảnh bi đát như của Hàn Mặc Tử, Thần Sinh Khí Chúa ra đời hiển hiện thành dòng lực sống mùa xuân, có sức thay đổi tất cả. Cả bốn mùa đều là “tứ thời xuân, tứ thời xuân non nước”: từ kẽ đá, từ bờ đất hoang, từ những cành cây trơ trụi, từ những sần sượng tàn lụi tinh thần, tất cả đều bật lên muôn hoa lá.

Ôi, cao sang khôn ví trọng ai bì.
Trên nước cả có vô vàn châu báu
Trí rất ngớp bởi chưng xuân hồn hậu
Đã ra đời theo lệnh của Ngôi Hai…
 
Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc
Rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác,
Rất phương phi, trên hết cả anh hoa.
Xuân ra đời.
(Hàn Mặc Tử, Ra Đời)

 

Trích “Tiếng Sáo Ân Tình” – Lm. Dũng lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau