John Wu là một tác giả người Hoa đã diễn tả thật khéo trong cuốn “Đông Gặp Tây” về ba đạo sĩ theo dấu sao lạ tìm đến Bê-Lem dâng vàng, nhũ hương và mộc dược cho Đấng Cứu Thế. Đó là kho tàng của Đông Phương dâng hiến cho nhân loại.
Món quà thứ nhất là vàng, so với quan niệm từ buổi sáng dấn thân vào đời xây dựng bằng luân thường đạo lý “nhân nghĩa lễ trí tín” của đạo Nho. Nhập thế là thái độ cần thiết tạo nên vàng bạc, góp phần tô điểm làm giầu trần gian mang được ý nghĩa hiện hữu trong cuộc nhân sinh trên mặt tinh cầu này.
Món quà thứ hai là nhũ hương, sánh với ánh sáng ban chiều của Lão Trang xuất thế, biết siêu thoát bay bổng lên như hương trầm, biết nhàn tản mà hưởng được sinh thú sống trên đời chứ không chỉ hùng hục “lao động vinh quang, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”.
Món quà thứ ba là mộc dược, kết tinh tư tưởng Ấn Độ, có thể ví với cái nhìn giác ngộ trong đêm tối cuộc đời, thấy được mọi sự đều như bọt bèo phù du trôi nổi trên dòng sông, có đó rồi lại mất đó, sắc sắc không không. Mộc dược để ướp xác đời chóng qua chóng hết mà ngộ được lẽ vô thường.
John Wu đã thấy được cả ba ngón tay đều chỉ “mặt trăng”, đều có thể là ngôi sao dẫn đường. Ông đã theo dấu chỉ và bỗng nhận ra Đạo, đã trở thành một người theo Đạo Chúa. Ông đã có công dịch Thánh Kinh ra tiếng Tàu với màu sắc văn hóa hội nhập. Khởi đầu Phúc Âm Thánh Gioan, ông đã dịch chữ Ngôi Lời (Logos trong triết lý Hy Lạp) là Đạo: “Từ nguyên thủy đã có Đạo… Nhờ Đạo, vạn vật được tạo thành, và không có Đạo thì chẳng có sự gì được tạo thành… Đạo đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Gioan 1:1-14).
ĐÔI NẠNG LÀM QUÀ
Vở nhạc kịch “Amahl và Những Người Khách Ban Đêm” trên màn ảnh TiVi đã trở thành bất hủ giống như bản Messia của Handel vậy. Nhiều người xem mà ít để ý tới xuất xứ của vở kịch này do tác giả là Gian Carlo Menotti. Nhạc cảnh thật xúc động không ngờ lại chính là câu truyện thực trong cuộc đời của Gian Carlo Menotti, một người Mỹ gốc Ý.
Năm 1951 Gian Carlo Menotti được đài truyền hình NBC ký hợp đồng cho một nhạc kịch dịp lễ Giáng Sinh. Ông đã nhận một ngàn Mỹ kim tiền đặt cọc. Nhưng rồi đến mùa thu mà ông cũng không sao có một đề tài nào cả. Ông thất vọng đến gặp hãng NBC để trả tiền lại, nhưng hãng không chịu. Vì thế ông phải đi lang thang tìm hứng.
Một hôm ông vào Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật ở New York thì tình cờ bị hút hồn bởi một bức tranh vẽ “Ba Đạo Sĩ” của họa sĩ Hieronymus Bosch người Hà Lan vào thế kỷ 15. Nhìn bức tranh, Gian Carlo bỗng dưng nhớ lại những ngày thơ ấu tại quê xưa ở làng Cadegliano bắc Ý. Trẻ con Ý không có thói quen chờ ông già Noel Santa chui theo ống khói xuống phát quà, nhưng chờ Ba Vua mang quà từ phương Đông. Gian Carlo mỉm cười nhớ lại lúc cùng em là Tullio ráng thức chờ Ba Vua mang quà tới, nhưng trước khi gặp được Ba Vua thì hai anh em đã lăn ra ngủ rồi. Trong giấc mơ Gian Carlo vui mừng thấy Ba Vua đến thật. Từ đàng xa có ba người cỡi lạc đà rung điệu nhạc thánh thót hào hứng. Gian Carlo thấy Ba Vua lội qua tuyết lạnh thăm nhiều nhà nghèo vùng bắc Ý trước khi đi Bê Lem. Ba Vua tới một ngôi nhà xiêu vẹo nghèo nàn, ở đó có một bà góa và một đứa bé trai tên là Amahl, và đã cho một món quà lạ.
Không ngờ đó lại là câu truyện thời thơ ấu của Gian Carlo. Lúc lên bốn tuổi, Gian Carlo bị bại cả hai chân phải chống nạng. Bác sĩ bảo đó là một loại bệnh không chữa được, nên phải mang tật suốt đời! Nhưng bà vú nuôi rất thương đứa bé, đã nghĩ tới một nhà thờ trên núi miệt Lugano có kính Đức Mẹ Cao Sơn (Madonna del Monte), nơi đã xảy ra nhiều phép lạ. Bà hỏi Gian Carlo có tin Đức Mẹ chữa khỏi bại chân không thì đứa bé gật đầu. Thế là bà đã dẫn Gian Carlo lên núi cầu nguyện. Chính nơi đây, Gian Carlo đã nhận được món quà quí nhất đời là được khỏi bại chân. Niềm tin của bà vú nuôi và của cậu bé Gian Carlo đã là thuốc thần.
Hình ảnh một đứa bé chống nạng đi lên núi, rồi nhận được món quà lạ, mang đôi nạng tới làm quà dâng cho Chúa cùng với Ba Vua. Quả là một thần hứng tuyệt vời.
VẼ BẰNG ÁNH SÁNG
Tôi đang có thể đi được, cử động được, đánh máy được, chẳng phải là món quà quá quí hay sao? Cũng lạ và đầy hứng khởi như phép lạ nhận quà của Gian Carlo Menotti. Đó là phép lạ đi trên mặt đất, nhận ra quà lạ mỗi ngày, mỗi phút giây. Chỉ cần ánh sáng lóe lên trong mắt, trong tim.
Trong một lớp học chụp hình, tôi đã sửng sốt nhận ra một điều rất đơn giản. Đó là tập cảm nhận ánh sáng. Chụp hình là vẽ bằng ánh sáng. Chiếc máy chụp như cây cọ, mà ánh sáng là chất sơn màu. Họa sĩ biết chọn màu sơn thì nhà ảnh cũng biết lựa ánh sáng. Để ý một chút thì thấy ánh sáng mang chất lạ lùng lắm. Màu ánh sáng chói chang ban trưa khác với màu nhung mềm lúc trời mây. Màu tươi vui nhảy múa trên những đọt lá trong nắng sớm khác với màu trầm ngâm suy tư lúc mặt trời lặn. Màu ánh sáng xuyên qua những hạt mưa long lanh khác với màu mơ mộng thơ thẩn trong sương mù. Ánh sáng lại tùy lúc mạnh hay yếu, đậm hay nhạt, gợi lên những cảm giác và tâm tình khác nhau. Ánh sáng cũng đến từ nhiều phía, diễn lên những chiều kích có khi thâm sâu bền chặt, có khi hời hợt vội vàng. Ban đêm không có ánh sáng thì mọi vật trở thành tối đen. Đúng là ánh sáng tô màu vạn vật, vẽ lên bức tranh tuyệt tác mỗi phút giây.
Cũng với những bông hoa súng đơn sơ dưới ao nước trong khu vườn ở Giverny phía tây bắc Paris, họa sĩ Claude Monet đã vẽ được nhiều bức tranh tuyệt tác. Cùng một bông súng mà mang nhiều tâm tình khác nhau tùy theo ánh sáng ban sáng, ban trưa, hay ban chiều. Mà cũng tùy tâm tư bên trong người vẽ nữa. Đó là cái nhìn của phái ấn tượng mà Monet là một trong những người nổi nhất. Ông nói vẽ một cọng lá cũng giống như vẽ một người đẹp làm mẫu. Cũng công trình như nhau, cũng thẩm mỹ như nhau.
Ánh sáng đang tung tăng chạy ùa vào phòng qua cửa sổ đây này. Tôi nhìn ánh sáng mà cảm nhận độ mạnh, yếu, màu sắc, tâm tình, như nhìn một phép lạ, như lần đầu tiên trong đời biết nhìn ra ánh sáng. Hào hứng quá phải không? Và chắc chắn nhiều người cũng nhìn thấy như vậy khi đi xuống phố, khi lái xe trên xa lộ. Và thế giới mỗi phút giây đều mặc một bộ áo mới nhí nhảnh bơm sinh khí tạo nên chất sống động lạ thường.
TIN VUI NHẬN ĐƯỢC QUÀ QUÍ
Ngày 19 tháng 3 năm 1627, Cha Đắc Lộ đã đặt chân tới Cửa Bạng, nơi dân chúng thường làm nghề mò tìm ngọc trai dưới biển. Thấy thế, Ngài đã giới thiệu một thứ quà quí hơn nhiều. Đó là ánh sáng niềm tin vào Đạo Chúa Trời. Đây là lần đầu tiên danh xưng Đức Chúa Trời được Cha Đắc Lộ dùng, rất gần gũi với văn hóa và tâm thức người Việt. Ngài đã thuật lại buổi gặp gỡ đầu tiên trong cuốn Đắc Lộ, Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài:
“Chúng tôi vừa cập bến thì một số đông dân xứ này thấy chúng tôi đến gần liền lấy thuyền của làng lân cận đến mừng chúng tôi, chất vấn chúng tôi xem chúng tôi là những người nào, từ đâu mà tới và đem theo những hàng hóa mới lạ nào. Tôi đáp nhân dịp này chúng tôi đến bán cho người Đất Bắc một hạt trai quí mà không đắt, để cho người nghèo khó nhất cũng có thể mua được miễn là có ý ngay lành. Thấy dân chúng tỏ ra muốn xem, thì tôi cho họ hiểu là hạt trai này không thể coi bằng con mắt thân thể nhưng bằng con mắt tinh thần biết phân biệt thật giả. Nói tóm lại chúng tôi đến giảng dạy đạo thật có giá hơn hết các hàng hóa của người An Độ, và một mình nó có thể mở đường tới cõi phúc đích thực trường cửu”
“Khi nghe nói về điều mà họ thường gọi là Đạo theo ngôn ngữ các nho sĩ, và Đàng theo ngôn ngữ bình dân có nghĩa là đường lối, thì họ tò mò muốn tôi cho biết đạo thật và đàng thật mà chúng tôi định rao giảng. Sau đó tôi lấy đề tài thảo luận với họ về nguyên lý vạn vật, tôi quyết định công bố dưới danh hiệu Chúa Trời Đất.” ( Hồng Nhuệ dịch, trang 82-83).
PHÚT CẢM NHẬN QUÀ QUÍ
Mỗi người trong cuộc sống cũng đang mò mẫm đi tìm ngọc quí, và bỗng khám phá ra những món quà kinh ngạc như John Wu, như Gian Carlo Menotti, như Claude Monet, như nhà ảnh vẽ bằng ánh sáng kỳ diệu, như ba nhà tầm đạo từ phương Đông:
“Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương, và mộc dược mà dâng tiến.” (Mt 2:10-11)
Tất cả đều là những ngôi sao lạ dẫn đường để thấy được kho tàng giầu có sung túc là chính Chúa Giêsu. Ngài là quà tặng trân quí nhất, vượt trên cả bạc vàng, nhũ hương, mộc dược. Vì Ngài mới là Đạo đúng chiều kích, đã nhập thể làm người, nhập thế để giải thoát mang đến cho cuộc hiện hữu một ý nghĩa đích thực, và siêu thoát để con người biết hướng về quê hương hằng thể. “Thầy là đường, là sự thật và sự sống. Thầy đến để cho anh em được sống sung mãn.”
Vì thế mà giờ đây tôi cần tĩnh lặng, mở rộng tâm ra mà lãnh nhận món quà quá quí này. Tất cả kho tàng giầu có đây rồi, phép lạ đây rồi, sửng sốt quá! “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng, có người tìm gặp thì liền chôn giấu lại, rồi về vui mừng bán mọi sự mình có mà mua lấy thửa ruộng ấy” (Mt 13:44)
Trích “Khúc Sáo Ân Tình” – Lm. Dũng lạc Trần Cao Tường