ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý Niềm Đam Mê Rao Giảng Tin Mừng: Lòng nhiệt thành tông đồ. 22. Thánh Josephine Bakhita: chứng nhân cho sức mạnh biến đổi của ơn tha thứ của Chúa Kitô

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô
Thứ Tư, 11 tháng 10 năm 2023

____________________________

Loạt Bài Giáo lý Về Niềm Đam Mê Rao Giảng Tin Mừng:
Lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu.

Bài 22. Thánh Josephine Bakhita: chứng nhân cho sức mạnh biến đổi của ơn tha thứ của Chúa Kitô

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong hành trình dạy giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ – chúng ta đang suy gẫm về lòng nhiệt thành tông đồ -, hôm nay chúng ta muốn được linh hứng bởi chứng tá của Thánh Josephine Bakhita, một vị thánh người Sudan. Thật không may, trong nhiều tháng Sudan đã bị xâu xé bởi một cuộc xung đột vũ trang khủng khiếp mà ngày nay người ta ít nói đến; Chúng ta hãy cầu nguyện cho người dân Sudan để họ được sống trong hòa bình! Nhưng danh tiếng của Thánh nữ Bakhita đã vượt qua mọi ranh giới và đến được với tất cả những người bị chối bỏ danh tính và phẩm giá.

Sinh ra ở Darfur – Darfur bị hành khổ! – năm 1869, ngài bị bắt cóc khỏi gia đình khi mới 7 tuổi và phải làm nô lệ. Những kẻ bắt giữ ngài gọi ngài là “Bakhita”, có nghĩa là “may mắn”. Ngài đã trải qua tám người chủ – người này bán cho người khác… Những đau khổ về thể xác và tinh thần mà ngài phải chịu khi còn nhỏ đã khiến ngài không còn danh tính. Ngài phải chịu đựng sự tàn ác và bạo lực: trên cơ thể ngài có hơn một trăm vết sẹo. Nhưng chính ngài đã làm chứng: “Là một nô lệ, tôi không bao giờ tuyệt vọng, bởi vì tôi cảm nhận được một sức mạnh mầu nhiệm đã nâng đỡ tôi”.

Đối diện với điều này, tôi tự hỏi: bí quyết của Thánh Nữ Bakhita là gì? Chúng ta biết rằng người bị thương, đến lượt mình, thường gây thương tổn; người bị áp bức dễ dàng trở thành kẻ áp bức. Thay vào đó, ơn gọi của những người bị áp bức là giải phóng bản thân và những kẻ áp bức họ bằng cách trở thành những người phục hồi nhân tính. Chỉ nơi sự yếu đuối của những người bị áp bức, sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa vốn giải phóng cả hai mới được mạc khải. Thánh Bakhita diễn đạt sự thật này rất hay. Một ngày nọ, người dìu dắt ngài đưa cho ngài một tượng chịu nạn nhỏ, và ngài, vì chưa bao giờ sở hữu bất cứ thứ gì, nên đã khư khư giữ nó như một báu vật. Nhìn tượng, ngài trải nghiệm một sự giải phóng nội tâm bởi vì ngài cảm thấy được hiểu và được yêu và do đó có khả năng hiểu và yêu: đây là sự khởi đầu. Ngài cảm thấy được thấu hiểu, ngài cảm thấy được yêu thương và do đó ngài có khả năng hiểu và yêu thương người khác. Thực vậy, ngài nói: “Tình yêu của Thiên Chúa luôn đồng hành với tôi một cách huyền nhiệm… Chúa đã yêu thương tôi rất nhiều: chúng ta phải yêu thương mọi người… Chúng ta phải có lòng cảm thương!”. Đó là linh hồn của Bakhita. Quả thật, thương xót vừa có nghĩa là đau khổ với những nạn nhân của biết bao sự vô nhân đạo đang hiện diện trên thế giới, vừa thương xót những người phạm sai lầm, bất công, không phải biện minh mà là nhân bản hóa. Đây là sự âu yếm mà ngài dạy chúng ta: nhân bản hóa. Khi chúng ta đi vào luận lý đấu tranh, chia rẽ giữa chúng ta, những cảm giác tồi tệ, người này chống lại người kia, chúng ta đánh mất nhân tính. Và nhiều khi chúng ta nghĩ mình cần có nhân tính, cần nhân bản hơn. Và đây là công việc mà Thánh Bakhita dạy chúng ta: nhân bản hóa, nhân bản hóa chính mình và nhân bản hóa người khác.

Thánh Bakhita, người đã trở thành Kitô hữu, đã được biến đổi bởi lời lẽ của Chúa Kitô am ngài vốn suy niệm hàng ngày: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Đó là lý do tại sao ngài nói: “Nếu Giuđa xin Chúa Giêsu tha thứ thì ông ấy đã được thương xót rồi”. Chúng ta có thể nói rằng cuộc đời của Thánh Bakhita đã trở thành một dụ ngôn hiện sinh về sự tha thứ. Thật đẹp biết bao khi nói về một người “bà ấy có khả năng, bà ấy có khả năng luôn tha thứ”. Và quả thực, ngài luôn có thể làm được điều đó: cuộc đời ngài là một dụ ngôn hiện sinh về sự tha thứ. Hãy tha thứ vì khi đó chúng ta sẽ được tha thứ. Đừng quên điều này: sự tha thứ, đó là sự âu yếm của Thiên Chúa dành cho mọi người chúng ta.

Sự tha thứ đã giải phóng ngài. Sự tha thứ trước tiên được nhận bởi tình yêu thương xót của Thiên Chúa, và sau đó sự tha thứ được ban đã làm cho ngài trở thành một người phụ nữ tự do, vui tươi, có khả năng yêu thương.

Bakhita đã có thể trải nghiệm sự phục vụ không phải như ách nô lệ mà như một biểu thức nói lên việc tự hiến tự do. Và điều này rất quan trọng: ngài tự nguyện làm người hầu – ngài bị bán làm nô lệ – rồi ngài tự do lựa chọn trở thành người hầu, mang lên vai gánh nặng của người khác.

Thánh Josephine Bakhita, với tấm gương của mình, chỉ cho chúng ta con đường để cuối cùng thoát khỏi cảnh nô lệ và sợ hãi. Nó giúp chúng ta vạch trần những thói đạo đức giả và tính ích kỷ của mình, vượt qua những oán giận và xung đột. Và ngài luôn khuyến khích chúng ta.

Anh chị em thân mến, sự tha thứ không lấy đi điều gì mà chỉ thêm vào – sự tha thứ thêm gì? – phẩm giá: sự tha thứ không lấy đi của anh chị em bất cứ điều gì nhưng thêm phẩm giá cho con người, nó khiến chúng ta không nhìn chính mình nhưng hướng tới người khác, để thấy họ cũng mong manh như chúng ta, nhưng luôn là anh chị em trong Chúa. Thưa anh chị em, sự tha thứ là nguồn suối của lòng nhiệt thành trở thành lòng thương xót và kêu gọi chúng ta tới sự thánh thiện khiêm nhường và vui tươi, giống như thánh Bakhita.

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholicnews.net/

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau