Thứ Bảy 04.02.2023
Chúa Chạnh Lòng Thương
Thứ Bảy Tuần IV – Mùa Thường Niên
Hr 13,15-17.20-21 • Tv 22,1-3a.3b-4.5.6 (Đ. c.1) • Mc 6,30-34
Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mác-cô
30 Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông: “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Suy niệm
Chúa Chạnh Lòng Thương
Khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu cưu mang nhân tính của con người và thần tính của Thiên Chúa. Người cưu mang trong mình trái tim nhân loại, nhưng người yêu con người với một tình yêu thần linh. Người đi đến đâu, là thi ân giáng phúc đến đó. Người yêu thương và muốn cứu độ hết mọi người, đặc biệt là những người bị bỏ rơi, nghèo khổ. Người đã làm cho kẻ chết sống lại, kẻ đói được no nê, kẻ câm nói được, kẻ mù được thấy, kè què đi được, kẻ bị quỷ ám được khỏi.
Hôm nay, cũng trái tim ấy, Người quan tâm đến các môn đệ và bảo các ông nghỉ ngơi sau khi đã lao động vất vả: “Cac con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút”. (Mc 6,7). Khi thấy đám đông bơ vơ như đàn chiên không người chăn, Người chạnh lòng thương họ và Người dạy dỗ họ nhiều điều. Đức Giêsu Kitô quả là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ của nhân loại. Đồng thời, Người là mẫu gương lý tưởng của mỗi người chúng ta. Điều này có nghĩa là chúng ta không chỉ theo Người, nhưng còn phải trở nên giống Người. Thánh Phaolô nói rằng chúng ta đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô nhờ việc mặc lấy con người của Chúa Kitô, bằng việc xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô, hay là “bén rễ sâu đời mình trong Đức Kitô, hay “có những tâm tư tình cảm” của Chúa Kitô. Nhờ đó, chúng ta trở thành môn đệ đích thực của Chúa.
Các Thánh là những người đã đi theo Chúa và nên giống như Chúa. Các Thánh Tử đạo Việt Nam và đặc biệt là các Thánh Tử đạo Nhật Bản mà chúng ta sắp kính nhớ là những bằng chứng hùng hồn về điều này. Vào khoảng năm 1597, người ta bách hại đạo và bắt 26 người Kitô hữu để giết, trong đó có Phaolô Miki. Lý hình treo các ngài trên thập giá ở cửa biển cho sóng vỗ cho đến chết. Nhưng các ngài vẫn tươi cười ca ngợi Chúa, giảng đạo cho những người đến xem, nhất là tha thứ cho những kẻ bách hại mình.
Xin Chúa cho chúng ta có một con tim biết chạnh lòng thương như Chúa đã sống. Amen!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Sống Lời Chúa: Xin ơn Chúa giúp để sẵn sàng tha thứ cho những ai làm tôi đau khổ.
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam