ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý Đối tượng của biện phân: Niềm an ủi đích thực

This entry is part 7 of 13 in the series Loạt Bài Giáo Lý Về Biện Phân

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô
Thứ Tư, 30 tháng 11 năm 2022

____________________________

Loạt Bài Giáo lý Về Sự Biện phân
Bài 10. Niềm an ủi đích thực

Lới Chúa (Philiphê 1,9-11)

9 Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên,10 để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm.11 Như thế, anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Tiếp tục suy tư về sự biện phân, và đặc biệt về kinh nghiệm thiêng liêng được gọi là “sự an ủi”, mà chúng ta đã nói vào Thứ Tư tuần trước, chúng ta tự hỏi: làm thế nào nhận ra sự an ủi đích thực? Đây là một câu hỏi rất quan trọng để có sự biện phân tốt, để không bị nhầm lẫn trong việc tìm kiếm điều thiện đích thực của chúng ta.

Chúng ta có thể tìm thấy một số tiêu chuẩn trong một đoạn của Linh Thao của Thánh Inhaxiô thành Loyola. Thánh Inhaxiô nói, “Nếu trong các suy nghĩ, mọi sự đều tốt từ phần đầu, phần giữa và phần cuối, và nếu mọi sự đều hướng về điều thiện, thì đó là dấu hiệu của thiên thần tốt lành. Mặt khác, có thể trong dòng suy nghĩ, một điều gì đó xấu xa hoặc làm ta chia trí hoặc ít tốt hơn những gì linh hồn đã định làm trước đó, hoặc điều gì đó làm suy yếu linh hồn, khiến nó bồn chồn, đặt nó vào thế bồn chồn và lấy đi sự bình yên, lấy đi của nó sự thanh tĩnh và yên tĩnh nó vốn có trước đó: thì đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy các suy nghĩ này phát xuất từ một tinh thần xấu xa” (n. 333). Vì đó đúng là sự thật: có những niềm an ủi chân thật, nhưng cũng có những niềm an ủi không chân thật. Và vì thế, chúng ta phải hiểu rõ con đường an ủi: nó đi như thế nào và nó dẫn tôi đến đâu? Nếu nó đưa tôi đến một điều gì đó không ổn, không tốt, thì niềm an ủi này không có thật, là “giả mạo” chúng ta hãy nói vậy.

Và đây là những chỉ dẫn có giá trị, đáng được nhận định ngắn gọn. Điều đó có nghĩa gì khi nguyên tắc hướng tới điều tốt, như Thánh Inhaxiô nói về một niềm an ủi tốt? Chẳng hạn, tôi nghĩ đến việc cầu nguyện, và tôi thấy rằng nó đi kèm với tình cảm đối với Chúa và người lân cận, nó mời gọi chúng ta thực hiện những cử chỉ quảng đại, bác ái: đó là một nguyên tắc tốt. Thay vào đó, có thể nảy sinh ý nghĩ trốn tránh một công việc hoặc một nhiệm vụ đã được giao phó cho tôi: mỗi khi tôi phải rửa bát đĩa hoặc dọn dẹp nhà cửa, tôi rất muốn bắt đầu cầu nguyện! Điều này xảy ra trong tu viện. Nhưng cầu nguyện không phải là trốn tránh bổn phận của mình, trái lại, cầu nguyện giúp chúng ta nhận ra điều tốt lành mà chúng ta được mời gọi thực hiện, ở đây và bây giờ. Đó là về nguyên tắc.

Sau đó là các phương tiện: Thánh Inhaxiô nói rằng phần đầu, phần giữa và phần cuối phải tốt. Nguyên tắc như sau: tôi muốn cầu nguyện để khỏi phải rửa bát: hãy đi rửa bát đi đã rồi hãy cầu nguyện. Sau đó là phần giữa, tức là điều đến sau, điều theo sau ý nghĩ này. Tiếp tục với thí dụ trước, nếu tôi bắt đầu cầu nguyện và, như người Biệt phái cầu nguyện trong dụ ngôn (x. Lc 18:9-14), tôi có xu hướng tự mãn và coi thường người khác, có thể với một trái tim hiềm thù và chua chát, thì đây chính là những dấu hiệu cho thấy tinh thần ma quái đã sử dụng suy nghĩ này như một chìa khóa để thâm nhập vào trái tim tôi và truyền cảm xúc của nó cho tôi. Nếu tôi đi cầu nguyện và những lời của người Biệt phái khét tiếng hiện ra trong tâm trí tôi – “Lạy Chúa, tôi tạ ơn Chúa vì tôi cầu nguyện, tôi không giống như những người khác không tìm kiếm Chúa, không cầu nguyện” – ở đây, lời cầu nguyện này quả kết thúc một cách tồi tệ. Sự an ủi của lời cầu nguyện này là cảm thấy mình giống như một con công dương dương tự đắc trước mặt Thiên Chúa, và đó là một phương tiện không đi đến đâu.

Và sau đó là phần cuối: phần đầu, phần giữa và phần cuối. Kết thúc là một khía cạnh mà chúng ta đã gặp, đó là: một ý nghĩ dẫn tôi đến đâu? Thí dụ, ý tưởng cầu nguyện đưa tôi đến đâu. Thí dụ, ở đây có thể xảy ra việc tôi làm việc chăm chỉ vì một công việc cao đẹp và xứng đáng, nhưng nó thúc đẩy tôi không cầu nguyện nữa, vì tôi bận nhiều việc quá, tôi thấy mình ngày càng gây hấn và nhiều thói hư hơn, tôi tin rằng mọi sự đều phụ thuộc vào tôi, đến mức mất niềm tin vào Thiên Chúa, đây rõ ràng là hành động của tinh thần xấu xa. Tôi bắt đầu cầu nguyện, sau đó trong lời cầu nguyện, tôi cảm thấy toàn năng, mọi sự phải nằm trong tay tôi vì tôi là người duy nhất biết cách tiến hành công việc: rõ ràng là không có tinh thần tốt lành ở đó. Chúng ta phải xem xét cẩn thận con đường cảm xúc của chúng ta, con đường cảm xúc tốt, con đường an ủi, khi chúng ta muốn làm điều gì đó. Thế nào là phần đầu, thế nào là phần giữa và thế nào là phần cuối.

Phong cách của kẻ thù – khi chúng ta nói đến kẻ thù, chúng ta nói đến ma quỷ, bởi vì ma quỷ tồn tại, hắn tồn tại! – phong cách của hắn, như chúng ta biết, là trình bày bản thân một cách tinh vi, trá hình: hắn bắt đầu từ những gì thân thiết nhất đối với chúng ta rồi lôi kéo chúng ta đến với hắn, từng chút một: cái ác thâm nhập một cách giấu diếm mà chúng ta không hề hay biết. Và với thời gian, sự mềm mại trở thành sự cứng rắn: suy nghĩ này tự bộc lộ như nó là trên thực tế.

Do đó, điều quan trọng là phải xem xét một cách kiên nhẫn nhưng không thể thiếu nguồn gốc và sự thật của các suy nghĩ của mình; đây là lời mời gọi học hỏi từ các kinh nghiệm, từ những gì xảy ra với chúng ta, để không lặp lại những sai lầm tương tự. Càng tự biết mình, chúng ta càng hiểu rõ nơi ma quỷ xâm nhập, “mật khẩu” của nó, cửa vào trái tim chúng ta, đó là những điểm mà ở đó chúng ta nhạy cảm nhất, để chú ý đến chúng cho tương lai. Mỗi người chúng ta đều có những điểm nhạy cảm nhất, những điểm yếu nhất trong nhân cách của chính mình: và từ đó tinh thần xấu xa len lỏi vào dẫn dắt chúng ta đi vào con đường lầm lạc, hoặc đưa chúng ta xa rời con đường chân thiện. Tôi đi cầu nguyện nhưng điều đó làm tôi xa rời việc cầu nguyện.

Các thí dụ có thể được nhân thừa theo ý muốn, phản ảnh thời đại của chúng ta. Đây là lý do tại sao việc kiểm điểm lương tâm hàng ngày là điều rất quan trọng: trước khi kết thúc một ngày, anh chị em hãy dừng lại đôi chút. Chuyện gì đã xảy ra? Không phải trên báo, không phải trong cuộc sống: điều gì đã xảy ra trong trái tim tôi? Trái tim tôi có lưu ý không? Nó có lớn ra không? Có phải đó là con đường đã đi qua mọi sự mà tôi không hề hay biết? Điều gì đã xảy ra trong trái tim tôi? Và sự kiểm điểm này rất quan trọng, nó là nỗ lực quý giá để đọc lại trải nghiệm từ một quan điểm đặc thù. Nhận ra những gì đang xảy ra là điều quan trọng, đó là dấu hiệu cho thấy ơn Chúa đang hoạt động trong chúng ta, giúp chúng ta lớn lên trong tự do và ý thức. Chúng ta không đơn độc: chính Chúa Thánh Thần ở cùng chúng ta. Chúng ta hãy xem sự việc diễn ra như thế nào.

Niềm an ủi đích thực là một kiểu xác nhận rằng chúng ta đang làm điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta, rằng chúng ta đang đi trên con đường của Người, nghĩa là trên con đường của sự sống, của niềm vui, của bình an. Trên thực tế, sự biện phân không chỉ tập trung vào điều tốt hay điều tốt nhất có thể, mà còn vào điều tốt cho tôi ở đây và bây giờ: Tôi được kêu gọi lớn lên ở đấy, bằng cách đặt giới hạn cho những đề xuất quyến rũ nhưng không thực tế, để không bị lừa dối trong việc tìm kiếm những điều tốt đẹp thực sự.

Anh chị em thân mến, chúng ta phải hiểu, tiến lên trong việc thấu hiểu những gì đang xảy ra trong trái tim chúng ta. Và để làm được điều đó, chúng ta cần kiểm điểm lương tâm, để xem điều gì đã xảy ra hôm nay. “Hôm nay tôi tức giận, tôi không làm việc này việc nọ…”: nhưng tại sao? Vượt trên lý do tại sao là tìm kiếm gốc rễ của những sai lầm này. “Nhưng, hôm nay tôi hài lòng nhưng tôi thấy nhàm chán vì phải giúp đỡ những người này, nhưng cuối cùng tôi cảm thấy hài lòng, hài lòng với việc giúp đỡ này”: và có Chúa Thánh Thần. Anh chị em hãy học cách đọc trong cuốn sách trái tim chúng ta những gì đã xảy ra trong ngày. Anh chị em làm điều đó đi, chỉ hai phút thôi, nhưng nó sẽ rất tốt cho anh chị em, tôi bảo đảm với anh chị em.

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: http://www.vietcatholicnews.org/

Series Navigation<< ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý về Biện phân: Cảnh giácĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý Đối tượng của biện phân: Sự An Ủi >>

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau