Học hỏi Phúc âm Chúa Nhật: Chúa Nhật XXXIV Thường Niên – Năm C

gdvsdt

LỄ CHÚA KITÔ VUA

LỜI CHÚA: (Lc 23,35-43)

35 Khi ấy, Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng thì đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn !” 36 Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống 37 và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” 38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.”

39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao ? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” 40 Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! 41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” 42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” 43 Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

HỌC HỎI:

1. Trên thập giá, Đức Giêsu bị thách thức bởi mấy hạng người? Những lời thách thức của họ có
điểm nào chung? Những lời thách thức này gợi ta nhớ đến biến cố nào Đức Giêsu đã trải qua trước đây?

2. “Hắn đã cứu người khác”. Trước đây, Đức Giêsu đã từng cứu ai không? Đọc Lc 8,36; 8,48;
8,50; 18,42.

3. Tự cứu mình nghĩa là gì? Tại sao người Do Thái lại thách Đức Giêsu tự cứu mình? Đối với
người Do Thái, Đấng Mêsia phải là người như thế nào?

4. Tại sao Đức Giêsu đã không muốn tự cứu mình?

5. Đọc Lc 23,40-41. Qua câu nói của người trộm lành, bạn thấy tâm hồn anh như thế nào?

6. Đọc Lc 23,42. Có ai gọi tên Đức Giêsu như anh trộm lành không? Đọc Lc 4,34; 8,28; 17,13;
18,38.

7. Đọc Lc 23,42. Anh trộm lành tin người đang chịu đóng đinh cùng với anh là ai? Đọc Lc 22,29-
30.

8. Anh xin gì với Đức Giêsu đang chịu đóng đinh? Đọc Lc 1,54.72; Cv 10,31; Tv 106,4. Đức Giêsu trên thập giá có mất niềm hy vọng không? Đọc Lc 22,69; 24,46.

GỢI Ý SUY NIỆM:

Trong bài Tin Mừng này, anh trộm lành nói đến việc Đức Giêsu vào Nước của Ngài, qua đó anh tin Đức Giêsu là một vị Vua. Bài Tin Mừng này được đọc vào lễ Chúa Kitô Vua. Bạn có thấy cách làm vua của Chúa Giêsu không? Cách này có khác với cách làm vua kiểu người đời không?

PHẦN TRẢ LỜI:

1. Trên thập giá Đức Giêsu bị thách thức bởi ba hạng người: các thủ lãnh của Do Thái giáo (Lc
23,35), lính tráng của người Rôma (Lc 23,36-38), và một trong hai tên gian phi (Lc 23,39). Những lời thách thức này có một điểm chung, đó là cám dỗ Đức Giêsu cứu lấy chính mình. “Hãy cứu lấy mình” được nhắc lại ba lần (Lc 23,35.37.39). Những lời này còn gợi ta nhớ đến hai lời Xatan cám dỗ Đức Giêsu trong hoang địa, bắt đầu bằng câu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…” (Lc 4,3.9). Trong Lc 23,35-43 ta cũng gặp hai câu nói bắt đầu bằng chữ “nếu”: “Nếu hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa (Lc 23,35); “Nếu ông là vua dân Do Thái” (Lc 23,37). Xatan giăng ra một cái bẫy cho Đức Giêsu: nếu ông thật sự là vua, là Kitô, thì ông phải chứng tỏ ra bằng cách cứu lấy mình. Nếu ông không cứu được mình thì ắt ông không phải là Vua Mêsia.

2. Các thủ lãnh là những người chủ mưu giết Đức Giêsu, nhưng họ cũng phải thừa nhận rằng Đức Giêsu “đã cứu những người khác” trong thời gian mấy năm qua (Lc 23,35). Trong Tin Mừng Luca, động từ “cứu” (sôzô) được sử dụng nhiều lần. Đức Giêsu đã cứu một người bị quỷ ám (Lc 8,36), cứu người phụ nữ bị xuất huyết đã mười hai năm (Lc 8,48), cứu cô con gái đã chết của ông trưởng hội đường (Lc 8,50), và cứu anh mù ở Giêricô (Lc 18,42). Ta thấy động từ “cứu” ở đây thường được hiểu là chữa khỏi bệnh.

3. Các thủ lãnh, lính tráng và tên gian phi đều cám dỗ Đức Giêsu “tự cứu mình”. Tự cứu mình là
dùng quyền năng Thiên Chúa ban cho mình để thoát khỏi cảnh bị đóng đinh và chết nhục nhã trên thập giá. Nếu Đức Giêsu thật là người của Thiên Chúa thì Thiên Chúa phải ban cho Ngài khả năng xuống khỏi thập giá. Nếu Ngài không xuống được, thì chắc chắn Ngài không phải là người của Thiên Chúa, bị Thiên Chúa bỏ rơi. Ngài lại càng không phải là Đấng Kitô hay Mêsia, vì đối với người Do Thái, Đấng Mêsia phải là đấng toàn thắng quân thù để xây dựng một nước Do-thái độc lập, tự do. Một người bị đóng đinh là một người thất bại hoàn toàn, bị Thiên Chúa nguyền rủa (Đnl 21,23; Gl 3,13), và không đáng tin.

4. Đức Giêsu đã không muốn tự cứu mình dù Ngài đã nghe ba lần lời thách thức ấy (Lc 23,35.37.39). Trong Vườn Dầu, vì biết Cha muốn Ngài hiến mạng sống để chuộc tội nhân loại nên Ngài đã vâng phục (Lc 22,42). Giờ đây Ngài chấp nhận ở lại trên thập giá vì muốn theo ý Cha. Chính vì biết mình là Đức Kitô của Thiên Chúa (Lc 9,20; 19,38), là Con của Thiên Chúa Cha (x. Lc 22,70; 23,34.46), nên Ngài đã không xuống khỏi thập giá. Ngài không dùng quyền năng Cha ban để tự cứu mình, nhưng để Cha cứu mình theo cách Cha muốn.

5. Qua Lc 23,40-41 ta thấy tâm hồn của anh trộm lành. Anh là một tên gian phi đang chịu án tử trên thập giá, nhưng anh khiêm tốn nhìn nhận mình chịu hình phạt thế này là đích đáng (Lc 23,41). Anh mắng tên gian phi kia vì hắn không có lòng kính sợ Thiên Chúa khi hắn bảo Đức Giêsu hãy tự cứu mình (Lc 23,40). Hơn nữa, anh dám khẳng định Đức Giêsu vô tội (Lc 23,41), gián tiếp chống lại bản án của Rôma. Quả thật, trong giây phút gần kề cái chết, anh trộm lành, đã được ơn khiêm tốn nhìn nhận tội mình, ơn bình an chấp nhận hình phạt thập giá, ơn nhận ra và can đảm tuyên bố sự vô tội của Đức Giêsu. Anh trở nên người biết “sợ Thiên Chúa”, khác với anh kia (Lc 23,40).

6. Anh trộm lành bắt đầu cuộc đối thoại với Đức Giêsu trên thập giá, cuộc đối thoại lạ lùng giữa hai người tử tội gần kề với cái chết. Anh gọi thẳng tên Giêsu (Lc 23,42). Trong Tin Mừng Luca, quỷ cũng gọi tên Giêsu (Lc 4,34; 8,28); mười người phong (Lc 17,13) và người mù ở Giêricô (Lc 18,38) cũng vậy. Quỷ gọi tên Đức Giêsu để mong làm chủ được Ngài. Còn người ta gọi tên Đức Giêsu để cầu xin Ngài nâng đỡ và cứu chữa.

7. Anh trộm lành nói với Đức Giêsu về “Nước của Ngài” (Lc 23,42). Như thế đối với anh, Đức
Giêsu, người đang bị đóng đinh, gần kề cái chết, lại là vị Vua của một Nước. Nước này nằm ở thế giới bên kia. Anh tin Đức Giêsu sắp bước vào Nước đó trong tư cách là Vua. Lòng tin lạ lùng của anh có thể bắt nguồn từ thái độ tha thứ của Đức Giêsu trước kẻ thù, và thái độ bình an trước đau khổ. Quả thật, theo Lc 22,29-30, Đức Giêsu nói đến việc Ngài trao lại cho môn đệ Vương quốc mà Chúa Cha đã trao cho Ngài. Trong Vương quốc ấy, họ sẽ được đồng bàn với Ngài và ngồi xét xử dân Ítraen.

8. Anh xin Đức Giêsu nhớ đến anh. Khi Thiên Chúa nhớ lại giao ước hay lời hứa, Ngài sẽ thực hiện (Lc 1,54.72). Khi Thiên Chúa nhớ một người, Ngài sẽ thi ân cho người đó (Cv 10,31; Tv 106,4). Đức Giêsu không chỉ nhớ đến anh trộm lành khi Ngài vào Nước của Ngài, mà còn cho anh được ở với Ngài ngay hôm nay. “Nước Chúa”, “Nước Cha” hay “thiên đàng” là những lối nói diễn tả tình trạng của con người khi được “ở với Chúa Giêsu,” được thông hiệp với Ba Ngôi cách trọn vẹn và mãi mãi. Qua lời hứa của Đức Giêsu với anh trộm lành, ta thấy Đức Giêsu hấp hối trên thập giá không hề mất niềm hy vọng (x. Lc 22,69; 24,46).

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thu âm lớp học do Anh Tuấn thực hiện:

 

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau