Chúa Nhật, 26.06.2022
Tin Mừng Vượt Trên Mọi Ý Thức Hệ

gdvsdt

Chúa Nhật Tuần XIII – Mùa Thường Niên

1 V 19,16b.19-21 • Tv 15,1-2a và 5.7-8.9-10.11 (Đ. x. c.5a) • Gl 5,1.13-18 • Lc 9,51-62

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Lu-ca

51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. 52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. 53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. 54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” 55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. 56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

57 Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” 58 Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

59 Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” 60 Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”

61 Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” 62 Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

“Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” Ô, câu nói thật giận dữ và ác độc! Người Samari và Do Thái đã từng hiềm khích vì sự chia cắt giữa hai vương quốc Israel. Sự thù hằn giữa họ được giải thích khác nhau. Có người cho rằng vì đế quốc Assua lưu đày dân Do Thái năm 722 TCN và đem dân ngoại vào làm thực dân ở Samari. Thực ra, người Israel nghèo không bị lưu đày, và vẫn ở lại trên quê hương. Có lẽ vì vậy, sau này những người ở lại quê nhà đã phá người Do Thái hồi hương khi họ trở về xây lại thành và Đền Thờ (Er 4, 2-24). Dù thế nào, người Samari đọc Ngũ Thư và xây đền thờ trên núi Garidim vào thời Hy Lạp.

Ở đây, Chúa Giêsu chỉ trách mắng các môn đệ, nhưng có bản thảo thêm vào lý do: “anh em không biết anh em thuộc loại thần khí nào, vì Con Người không đến để làm người ta mất mạng, nhưng là để cứu mạng”. Theo Tin Mừng Máccô, cùng một bối cảnh, Ngài nói: “Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9,40).

Chúa Giêsu dạy các môn đệ ý thức và đón nhận những khác biệt về nguồn gốc, văn hóa và tôn giáo, mới có thể nhận ra giá trị Tin Mừng, và nhất là dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Ngôi Lời nhập thể hiện diện khắp nơi trong sáng tạo, trong lịch sử (Tv 136) và trong cuộc đời của từng người chúng ta.

Như thế Tin Mừng vượt trên mọi ý thức hệ nhân loại. Vì ý thức hệ đã thống trị và chi phối thế giới, cho dù phong kiến, phát xít, chúng được sử dụng như công cụ đã làm chết hàng trăm triệu người.

Vì Tin Mừng Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ nhận thức sự từ bỏ: có thể sống vô gia cư, xa rời mọi an toàn và tiện ích, tập trung mọi sự vào việc rao giảng, hy sinh tình cảm gia đình ngay cả trong tang chế và dứt khoác chọn Đức Kitô, hay nói khác hơn, quay lưng lại quá khứ, sống hiện tại và hướng đến sự thật trên trời.

Heraclitus nói: “Không có gì vĩnh cửu ngoại trừ sự biến đổi”. Đức Kitô dạy các môn đệ “biến đổi” để rao giảng vĩnh cửu, chính là Nước Trời.

“Xin dạy con biết yêu Ngài, vì Ngài luôn yêu mến con nhiều. Xin dạy con biết yêu Ngài, vì Ngài luôn ban ơn tha thứ. Xin dạy con biết yêu Ngài dù con đây đam mê tội lỗi. Xin cho con yêu mến Ngài, dù bao phen con đã không yêu Ngài”, như điệp khúc của bài thánh ca Xin dạy con biết yêu Ngài của linh mục Thành Tâm. Amen.

Lm. Phaolô Ngô Đình Sĩ

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau