ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse và Hiệp thông Các Thánh
- ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse và môi trường nơi ngài sống
- ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse người của sự thinh lặng
- ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse: người công chính và là chồng của Đức Maria
- ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ
- ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse, người di cư can đảm và bị bắt bớ
- ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu
- ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse, bác thợ mộc
- ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse, người cha dịu dàng
- ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse, người có những giấc mơ
- ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse và Hiệp thông Các Thánh
- ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse, quan thầy sự chết lành
- ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse, quan thầy Giáo Hội
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TIẾP KIẾN CHUNG
Đại sảnh Phaolô VI
Thứ Tư, 2 tháng 2 năm 2022
____________________________
Loạt Bài Giáo lý về Thánh Giuse:
Bài 10. Thánh Giuse và Hiệp thông Các Thánh
Anh chị em thân mến,
chào anh chị em buổi sáng!
Trong những tuần gần đây, chúng ta đã có thể thâm hậu hóa cái hiểu của chúng ta về nhân vật Thánh Giuse, được hướng dẫn bởi một số thông tin ít ỏi nhưng quan trọng được cung cấp trong các sách Tin Mừng, và cũng bởi các khía cạnh trong nhân cách của ngài mà Giáo hội qua nhiều thế kỷ đã có thể làm nổi bật qua lời cầu nguyện và lòng sùng kính. Bắt đầu từ sentire commune (“cảm thức chung”) của Giáo hội vốn đi kèm với nhân vật Thánh Giuse này, hôm nay tôi muốn tập chú vào một tín điều quan trọng của đức tin có thể làm phong phú đời sống Kitô hữu của chúng ta và cũng định hình mối liên hệ của chúng ta với các thánh, và với những người thân yêu đã khuất của chúng ta theo cách tốt nhất có thể: Tôi muốn nói đến mầu nhiệm hiệp thông các thánh. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta thường đọc “Tôi tin sự hiệp thông của các thánh”. Nhưng nếu anh chị em hỏi sự hiệp thông của các thánh là gì, thì tôi nhớ khi còn nhỏ tôi thường trả lời ngay lập tức: “À, các thánh rước lễ”. Đó là một điều mà… chúng ta không hiểu những gì chúng tôi đọc. Sự hiệp thông của các thánh là gì? Không phải các thánh rước lễ, không phải vậy. Đó là một điều gì đó khác hẳn.
Đôi khi, ngay cả Kitô giáo cũng có thể rơi vào những hình thức sùng kính mà dường như phản ánh một não trạng ngoại giáo hơn là Kitô giáo. Sự khác biệt căn bản là lời cầu nguyện và lòng sùng kính của chúng ta đối với những người trung thành, trong những trường hợp này không dựa trên sự tin tưởng vào một hữu thể nhân bản, vào một hình ảnh hoặc một đồ vật, ngay cả khi chúng ta biết chúng linh thiêng. Tiên tri Giêrêmia nhắc nhở chúng ta: “Đáng nguyền rủa là những kẻ tin cậy nơi loài người, […] phúc thay những ai tin cậy nơi Chúa” (17: 5,7). Ngay cả khi chúng ta hoàn toàn tin cậy vào lời chuyển cầu của một vị thánh, hay thậm chí là lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, thì sự tin cậy của chúng ta chỉ có giá trị trong mối liên hệ với Chúa Kitô. Như thể con đường hướng về vị thánh này hay về phía Đức Mẹ không kết thúc ở đó, không. Không phải ở đó, nhưng trong mối liên hệ với Chúa Kitô. Người là mối dây liên kết, Chúa Kitô là mối dây liên kết chúng ta với Người và với nhau, và có một tên gọi chuyên biệt: mối dây liên kết tất cả chúng ta, giữa chính chúng ta và giữa chúng ta với Chúa Kitô này, đó là “sự hiệp thông của các thánh”. Không phải các thánh làm phép lạ đâu! Vị thánh này thật là lạ lùng… Không, anh chị em nên dừng lại ở đó. Các thánh không tạo ra phép lạ, mà chỉ có ân sủng của Thiên Chúa tác động qua các ngài. Phép lạ được thực hiện bởi Thiên Chúa, bởi ơn thánh của Thiên Chúa hành động qua một người thánh thiện, một người công chính. Điều này phải được làm cho rõ ràng. Có những người nói, “Tôi không tin Thiên Chúa, tôi không biết, nhưng tôi tin vào vị thánh này”. Không, điều này sai. Thánh nhân là một người chuyển cầu, một người cầu nguyện cho chúng ta và chúng ta cầu nguyện với ngài, và ngài cầu nguyện cho chúng ta và Chúa ban cho chúng ta ân sủng: Chúa, nhờ vị thánh.
Vậy thì “sự hiệp thông của các thánh” là gì? Sách Giáo lý của Hội thánh Công Giáo khẳng định: “Hiệp thông các thánh là Hội thánh” (số 946). Anh chị em hãy xem đây là một định nghĩa đẹp đẽ xiết bao! “Hiệp thông các thánh là Giáo hội”. Điều đó có nghĩa gì? Phải chăng có nghĩa là Giáo hội được dành cho những người hoàn thiện? Không. Nó có nghĩa là cộng đồng của những tội nhân được cứu rỗi [Nó là : peccatori salvati, các tội nhân được cứu rỗi]. Giáo hội là cộng đồng của những người tội lỗi được cứu rỗi. Định nghĩa này quả đẹp đẽ. Không ai có thể loại mình ra khỏi Giáo hội, tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội được cứu rỗi. Sự thánh thiện của chúng ta là hoa trái của tình yêu thương của Thiên Chúa thể hiện trong Chúa Kitô, Đấng thánh hoá chúng ta bằng cách yêu thương chúng ta trong cảnh khốn cùng của chúng ta và cứu chúng ta khỏi điều đó.
Thánh Phaolô nói rằng luôn nhờ ơn Người, chúng ta tạo thành một thân thể duy nhất, trong đó Chúa Giêsu là đầu và chúng ta là chi thể (x. 1Cr 12:12). Hình ảnh Nhiệm thể Chúa Kitô và hình ảnh thân thể này ngay lập tức làm chúng ta hiểu ý nghĩa của việc ràng buộc với nhau trong sự hiệp thông: Chúng ta hãy lắng nghe điều Thánh Phaolô nói: “Nếu một chi thể đau khổ”, Thánh Phaolô viết, “tất cả các chi thể cùng đau khổ; và nếu một chi thể được vinh danh, tất cả các chi thể sẽ vui mừng với họ. Giờ đây, anh em là thân thể của Đức Kitô và, mỗi người tùy theo phần của mình mà là chi thể của Người ”(1Cr 12:26-27). Đây là điều Thánh Phaolô nói: tất cả chúng ta là một thân thể, tất cả được hiệp nhất nhờ đức tin, nhờ phép rửa… Tất cả trong sự hiệp thông: hiệp nhất trong hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô. Và đấy là sự hiệp thông của các thánh.
Anh chị em thân mến, niềm vui và nỗi buồn chạm vào cuộc sống của tôi ảnh hưởng đến tất cả mọi người, cũng như niềm vui và nỗi buồn chạm vào cuộc sống của anh chị em bên cạnh chúng ta cũng ảnh hưởng đến tôi. Tôi không thể thờ ơ với người khác, bởi vì tất cả chúng ta đều ở trong một thân thể, trong sự hiệp thông. Theo nghĩa này, ngay cả tội lỗi của một cá nhân cũng luôn ảnh hưởng đến mọi người, và tình yêu của mỗi cá nhân ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Nhờ sự hiệp thông của các thánh, sự kết hợp này, mọi chi thể của Giáo hội đều gắn bó với tôi một cách sâu xa. Nhưng tôi không nói “với tôi” bởi vì tôi là Giáo hoàng; [Tôi nói] với mỗi người chúng ta, ngài được ràng buộc, chúng ta được ràng buộc, và được ràng buộc một cách sâu sắc và mối ràng buộc này mạnh mẽ đến mức không thể bị phá vỡ ngay cả bởi sự chết. Ngay cả bởi sự chết. Thật vậy, sự hiệp thông của các thánh không chỉ liên quan đến những anh chị em đang ở bên cạnh tôi trong thời điểm có tính lịch sử này, hoặc những người sống trong thời điểm lịch sử này, nhưng cũng liên quan tới những người đã kết thúc cuộc hành trình của mình, cuộc hành hương dương thế và vượt qua ngưỡng cửa của cái chết. Họ cũng đang hiệp thông với chúng ta. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy xem xét điều này, trong Chúa Kitô, không ai có thể thực sự tách chúng ta ra khỏi những người chúng ta yêu thương bởi vì mối dây liên kết là mối dây hiện sinh, mối dây bền chặt trong chính bản chất của chúng ta; chỉ có cách sống với nhau mới thay đổi, nhưng không gì và không ai có thể phá vỡ mối ràng buộc này. “Thưa Cha, chúng ta hãy nghĩ về những người đã chối bỏ đức tin, những người bội giáo, những kẻ bách hại Giáo hội, những người đã bác bỏ phép rửa của họ: Những người này cũng ở trong nhà sao?” Vâng, cả những người này nữa. Mọi người trong số họ. Những người phạm thượng, tất cả những người này. Chúng ta là anh em. Đó là sự hiệp thông của các thánh. Sự hiệp thông của các thánh liên kết cộng đồng các tín hữu dưới đất và trên trời, và dưới đất, tất cả các thánh, những người tội lỗi, tất cả.
Theo nghĩa này, liên hệ bằng hữu mà tôi có thể xây dựng với anh chị em bên cạnh tôi, tôi cũng có thể thiết lập với anh chị em trên trời. Các thánh là những người bạn mà với các ngài, chúng ta thường thiết lập liên hệ bằng hữu. Điều chúng ta gọi là lòng sùng kính một vị thánh – “Tôi rất sùng kính vị thánh này hay vị thánh nọ” – điều mà chúng ta gọi là lòng sùng kính thực ra là một cách phát biểu tình yêu thương từ chính mối dây kết hợp chúng ta này. Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày, người ta có thể nói: “Nhưng người này có lòng sùng kính cha mẹ già biết bao”: không, đó là một cách yêu thương, một cách biểu lộ tình yêu thương. Và chúng ta đều biết rằng chúng ta luôn có thể hướng về một người bạn, đặc biệt là khi chúng ta gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ. Và chúng ta có những người bạn trên thiên đàng. Tất cả chúng ta đều cần bạn bè; tất cả chúng ta đều cần những mối liên hệ có ý nghĩa để giúp chúng ta vượt qua cuộc sống. Chúa Giêsu cũng có những người bạn của Người, và Người hướng về họ vào những thời điểm quyết định nhất của kinh nghiệm làm người của Người. Trong lịch sử Giáo hội, có một số hằng số đồng hành với cộng đoàn tín hữu: trước hết là tình cảm cao cả và mối dây liên kết rất bền chặt mà Giáo hội luôn cảm thấy đối với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta. Nhưng cũng là niềm vinh dự và tình cảm đặc biệt mà Đức Mẹ đã dành cho Thánh Giuse. Dù sao, Thiên Chúa đã giao phó cho ngài điều quý giá nhất của Người: Con của Người là Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria. Luôn luôn nhờ sự hiệp thông của các thánh mà chúng ta cảm thấy các thánh nam và nữ gần gũi với chúng ta luôn; các ngài vốn là những người bảo trợ chúng ta – chẳng hạn vì tên chúng ta mang, vì Giáo hội mà chúng ta thuộc về, vì nơi chốn chúng ta sống, và v.v…, cũng như vì lòng sùng kính cá nhân -. Và đó là sự tin tưởng luôn phải thúc đẩy chúng ta hướng về các ngài trong những thời điểm quyết định của cuộc đời. Đó không phải là một loại ma thuật, không phải là mê tín dị đoan, đó là sự sùng kính đối với các vị thánh. Chỉ đơn giản là nói chuyện với một người anh em, một người chị em, người đang hiện diện trước mặt Thiên Chúa, người đã sống một cuộc sống công chính, một cuộc sống kiểu mẫu và hiện đang ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Và tôi nói chuyện với anh này, chị này, và xin họ chuyển cầu cho các nhu cầu của tôi.
Chính vì lý do này, tôi muốn kết thúc bài giáo lý này bằng một lời cầu nguyện với Thánh Giuse mà tôi đặc biệt gắn bó và tôi đã đọc kinh này mỗi ngày trong hơn 40 năm qua. Đó là lời cầu nguyện mà tôi tìm thấy trong một cuốn sách cầu nguyện của các Nữ tu Chúa Giêsu và Mẹ Maria, từ những năm 1700, cuối thế kỷ thứ mười tám. Nó rất đẹp, nhưng hơn cả một lời cầu nguyện, nó còn là một thách thức, đối với người bạn này, đối với người cha này, đối với người giám hộ chúng ta, Thánh Giuse. Sẽ thật là tuyệt vời nếu anh chị có thể học và lặp lại lời cầu nguyện này. Tôi sẽ đọc nó.
“Lạy Thánh Tổ phụ Giuse Vinh hiển, đấng có quyền năng biến điều không thể thành có thể, xin đến giúp đỡ con trong những lúc lo âu và khó khăn này. Xin hãy đặt dưới sự bảo vệ của ngài các tình huống nghiêm trọng và khó khăn mà con trao phó cho ngài, để chúng có thể có một kết quả tốt đẹp. Lạy cha yêu dấu của con, trọn lòng tin tưởng của con đều ở nơi cha. Trọn lòng tin tưởng của con đều ở nơi cha. Xin cha đừng để người ta nói rằng con đã cầu xin cha một cách vô ích, và vì cha có thể làm mọi điều với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin cho con thấy rằng lòng nhân hậu của cha cũng lớn lao như quyền năng của cha. Amen”.
Và nó kết thúc với một thách thức, đây là thách thức đối với Thánh Giuse: “Ngài có thể làm mọi việc với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin cho con thấy rằng lòng nhân hậu của ngài cũng lớn như quyền năng của ngài”. Đấy là một lời cầu nguyện… Tôi đã phó thác cho Thánh Giuse mỗi ngày với lời cầu nguyện này trong hơn 40 năm qua: đó là một lời cầu nguyện cổ xưa. Amen.
Cách đây vài phút, chúng ta nghe thấy một người la to, la to, người này có vấn đề gì đó, tôi không biết có phải là thể lý, tâm lý, hay thiêng liêng: nhưng đó là một trong những người anh em của chúng ta đang gặp rắc rối. Tôi muốn kết thúc bằng cách cầu nguyện cho anh ấy, người anh em đang đau khổ, tội nghiệp của chúng ta: nếu anh ấy la to thì đó là vì anh ấy đang đau khổ, anh ấy có một số nhu cầu. Chúng ta đừng làm ngơ trước nhu cầu của người anh em này. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ cho anh ấy: Kính mừng…
Chúng ta hãy tiến lên phía trước, hãy can đảm, trong sự hiệp thông này của tất cả các thánh chúng ta có trên trời và dưới đất: Chúa không bỏ rơi chúng ta. Cảm ơn anh chị em.
__________________
Các lời kêu gọi
Sau bài giáo lý, Đức Thánh Cha đã đưa ra các lời kêu gọi sau đây:
Từ một năm nay, chúng ta đã theo dõi tình trạng bạo lực ở Miến Điện với nỗi đau buồn. Tôi lặp lại lời kêu gọi của các giám mục Miến Điện yêu cầu cộng đồng quốc tế làm việc để hòa giải giữa các bên liên hệ. Chúng ta không thể không nhìn nỗi đau khổ của rất nhiều anh chị em. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa trong lời cầu nguyện để Người an ủi dân tộc bị khốn khổ này. Chúng ta giao phó các nỗ lực kiến tạo hòa bình của chúng ta cho Người.
* * *
Ngày mốt, 4 tháng 2, chúng ta sẽ kỷ niệm Ngày Quốc tế Huynh đệ Nhân bản lần thứ hai. Một lý do để hài lòng là các quốc gia trên toàn thế giới đang tham gia vào lễ kỷ niệm này, nhằm cổ vũ đối thoại liên tôn và liên văn hóa, như đã được kêu gọi trong Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân bản và Hòa bình Thế giới và Chung sống, được ký vào ngày 4 tháng 2 năm 2019 ở Abu Dhabi, bởi Đại giáo trưởng Al-Azhar, Muhammad Aḥmad al-Tayyib, và chính tôi. Tình huynh đệ có nghĩa là vươn tay ra với người khác, tôn trọng họ và lắng nghe họ với trái tim rộng mở. Tôi hy vọng rằng những bước đi cụ thể sẽ được thực hiện cùng với các tín đồ của các tôn giáo khác, và với những người có thiện chí, để khẳng định rằng ngày nay là thời kỳ của tình anh em, tránh gây xung đột, chia rẽ và đóng cửa. Chúng ta hãy cầu nguyện và dấn thân hàng ngày để tất cả chúng ta có thể sống trong hòa bình, như anh chị em.
* * *
Thế vận hội và Vận hội Song hành mùa đông sắp khai mạc tại Bắc Kinh, lần lượt vào ngày 4 tháng 2 và ngày 4 tháng 3. Tôi nhiệt liệt chào mừng tất cả những người tham gia. Xin chúc ban tổ chức thành công và các vận động viên thi đấu tốt nhất. Thể thao, với ngôn ngữ phổ quát của nó, có thể xây dựng những nhịp cầu hữu nghị và đoàn kết giữa các cá nhân và các dân tộc thuộc mọi nền văn hóa và tôn giáo. Do đó, tôi đánh giá cao sự kiện này là đối với phương châm lịch sử của thế vận hội “Citius, Altius, Fortius” – nghĩa là “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” – Ủy ban Thế vận quốc tế đã thêm từ “communiter”, nghĩa là “cùng nhau”: để các môn thi đấu Thế vận hội có thể mang lại một thế giới huynh đệ hơn. Cùng với nhau.
Tôi ủng hộ với một ý nghĩ đặc biệt toàn bộ thế giới Vận hội Song hành (Paralympic): chúng ta sẽ cùng nhau giành được huy chương quan trọng nhất, nếu tấm gương của các vận động viên khuyết tật giúp tất cả mọi người vượt qua định kiến và nỗi sợ hãi và làm cho cộng đồng của chúng ta được chào đón và hòa nhập hơn. Đây là huy chương vàng thực sự. Tôi cũng theo dõi với sự chú ý và xúc động về những câu chuyện cá nhân của các vận động viên tị nạn. Mong các chứng từ của họ giúp khuyến khích các xã hội dân sự cởi mở một cách tin tưởng nhiều hơn với tất cả mọi người, không bỏ sót một ai. Tôi cầu chúc cho đại gia đình Thế vận hội và Vận hội Song hành một trải nghiệm độc đáo về tình huynh đệ và hòa bình nhân bản: phúc thay những người kiến tạo hòa bình!
Nguồn: http://www.vietcatholicnews.org/