ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse, người cha dịu dàng

gdvsdt
This entry is part 8 of 12 in the series Loạt Bài Giáo Lý Về Thánh Giuse

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Đại sảnh Phaolô VI
Thứ Tư, 19 tháng 1 năm 2022

____________________________

Loạt Bài Giáo lý về Thánh Giuse:
Bài 8. Thánh Giuse, người cha dịu dàng

 

Anh chị em thân mến,
chào anh chị em buổi sáng!

Hôm nay, tôi muốn tìm hiểu hình ảnh của Thánh Giuse như một người cha dịu dàng.

Trong Tông thư Patris corde, (ngày 8 tháng 12 năm 2020), tôi đã có cơ hội suy gẫm về khía cạnh dịu dàng này, một khía cạnh trong nhân cách của Thánh Giuse. Trên thực tế, mặc dù các sách Tin Mừng không cho chúng ta biết bất cứ chi tiết nào về cách ngài thực thi tư cách làm cha của mình, nhưng chúng ta biết chắc rằng việc ngài là một người “công chính” cũng đã được chuyển dịch thành nền giáo dục ngài dành cho Chúa Giêsu. “Thánh Giuse đã thấy Chúa Giêsu lớn lên từng ngày ‘về khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta’” (Lc 2:52): Tin Mừng cho biết như vậy. Chúa đã làm với Israel thế nào, Thánh Giuse cũng đã làm như thế với Chúa Giêsu: “Ngài dạy Người bước đi, cầm tay Người; ngài đối với Người như một người cha nâng đứa trẻ lên má, cúi xuống và cho nó ăn (xem Hs 11: 3-4) ” (Patris corde, 2). Định nghĩa này trong Kinh thánh thật tươi đẹp, cho thấy mối liên hệ của Thiên Chúa với dân Israel. Chúng ta nghĩ đó cũng là mối liên hệ giữa Thánh Giuse và Chúa Giêsu.

Các sách Tin Mừng chứng thực rằng Chúa Giêsu luôn dùng danh xưng “cha” để nói về Thiên Chúa và tình yêu của Người. Nhiều câu chuyện dụ ngôn lấy nhân vật chính của chúng là hình bóng của một người cha nhân từ. Một trong những dụ ngôn nổi tiếng nhất chắc chắn là dụ ngôn Người Cha nhân từ, được Thánh sử Luca kể lại (x. Lc 15:11-32). Dụ ngôn này không những nhấn mạnh kinh nghiệm tội lỗi và tha thứ, mà còn nhấn mạnh đến cách thức trong đó sự tha thứ đến với người đã làm điều sai trái. Bản văn viết: “Trong khi anh ta còn ở đàng xa, cha anh ta đã nhìn thấy anh ta và tràn ngập lòng thương cảm. Người chạy đến bên con, ôm lấy con và hôn con” (c. 20). Người con trai mong đợi một sự trừng phạt, một công lý mà nhẹ nhất có thể sẽ cho anh ta vị trí của một trong những người đầy tớ, nhưng anh ta thấy mình được bao bọc trong vòng tay của cha mình. Sự dịu dàng là một điều lớn hơn luận lý học của thế giới. Đó là một cách bất ngờ thực thi công lý. Đó là lý do tại sao chúng ta không bao giờ được quên rằng Thiên Chúa không sợ hãi vì tội lỗi của chúng ta: chúng ta hãy ghi khắc điều này một cách rõ ràng trong tâm trí của chúng ta. Thiên Chúa không sợ hãi trước tội lỗi của chúng ta, Người lớn hơn tội lỗi của chúng ta: Người là cha, Người là tình yêu, Người dịu dàng. Người không sợ hãi vì tội lỗi của chúng ta, lỗi lầm của chúng ta, sự trượt ngã của chúng ta, nhưng Người sợ hãi vì sự khép kín trái tim của chúng ta – điều này, vâng, điều này khiến Người đau khổ – Người sợ hãi vì chúng ta thiếu niềm tin vào tình yêu của Người. Có một sự dịu dàng tuyệt vời trong kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa. Và thật tuyệt vời khi nghĩ rằng người đầu tiên truyền thực tại này cho Chúa Giêsu chính là Thánh Giuse. Vì những điều thuộc Thiên Chúa luôn đến với chúng ta qua trung gian của kinh nghiệm con người. Cách đây đã lâu – tôi không biết mình đã kể câu chuyện này hay chưa – một nhóm thanh niên đã đóng một vở bi kịch, một nhóm nhạc kịch bình dân, biết nhìn xa, bị xúc động bởi câu chuyện dụ ngôn về người cha nhân từ này nên quyết định sáng tạo một sản phẩm sân khấu nhạc pop về vấn đề này, với câu chuyện này. Và họ đã rất thành công trong xuất phẩm này. Và câu chuyện của họ là, một người bạn nghe biết người con trai bị cha ghẻ lạnh, muốn trở về nhà nhưng sợ cha đuổi ra ngoài và trừng phạt. Do đó, người bạn nói, “Hãy gửi một tin nhắn nói rằng bạn muốn trở về nhà, và nếu cha bạn sẵn sàng đón bạn, thì cụ hãy đặt một chiếc khăn tay ở cửa sổ, chiếc khăn mà bạn có thể nhìn thấy ngay khi bạn thực hiện phần cuối cùng của con đường trở về nhà”. Và điều này đã được thực hiện. Và xuất phẩm, với ca hát và nhảy múa, tiếp tục cho đến khi người con trai rẽ vào đoạn đường cuối cùng và nhìn thấy ngôi nhà. Và khi anh ta nhìn lên, anh ta thấy ngôi nhà đầy những chiếc khăn tay màu trắng: đầy những chiếc khăn như thế. Không phải một, mà là ba hoặc bốn chiếc khăn tay ở mỗi cửa sổ. Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa. Người không bị nhụt chí bởi quá khứ của chúng ta, bởi những điều tồi tệ mà chúng ta đã làm; giải quyết sổ sách với Chúa là một điều tuyệt vời, bởi vì chúng ta bắt đầu trò chuyện, và Người ôm lấy chúng ta. Quả là dịu dàng!

Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi liệu bản thân chúng ta có trải nghiệm sự dịu dàng này chưa, và liệu chúng ta có trở thành nhân chứng cho nó hay không. Vì sự dịu dàng chủ yếu không phải là một vấn đề xúc cảm hay tình cảm: nó là kinh nghiệm cảm thấy được yêu thương và chào đón chính trong hoàn cảnh nghèo khó và khốn khó của chúng ta, và do đó được tình yêu của Thiên Chúa biến đổi.

Thiên Chúa không những dựa vào tài năng của chúng ta, mà còn dựa vào sự yếu đuối đã được cứu chuộc của chúng ta. Điều này, chẳng hạn, đã khiến Thánh Phaolô nói rằng cũng có một kế hoạch cho sự mỏng dòn của người ta. Thực thế, ngài viết cho cộng đồng Côrintô: “Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi… Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12: 7-9). Chúa không lấy đi tất cả những yếu đuối của chúng ta, nhưng giúp chúng ta tiếp tục bước đi với những yếu đuối của mình, nắm lấy tay chúng ta. Người nắm lấy điểm yếu của chúng ta trong tay và đặt mình ở bên cạnh chúng ta. Và đó là sự dịu dàng.

Trải nghiệm dịu dàng bao gồm việc nhìn thấy quyền năng của Thiên Chúa truyền qua chính điều khiến chúng ta trở nên mong manh nhất; tuy nhiên, với điều kiện chúng ta rời bỏ cái nhìn của Kẻ Ác, kẻ “khiến chúng ta nhìn thấy và lên án sự yếu đuối của chúng ta”, trong khi Chúa Thánh Thần “đưa nó ra ánh sáng bằng tình yêu dịu dàng” (Patris corde, 2). “Sự dịu dàng là cách tốt nhất để chạm vào sự yếu đuối bên trong chúng ta. […] Anh chị em hãy nhìn cách các y tá chạm vào vết thương của người bệnh: một cách dịu dàng, để không làm tổn thương thêm. Và đây là cách Chúa chạm vào vết thương của chúng ta, với cùng một sự dịu dàng. Đó là lý do tại sao việc gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa, nhất là trong Bí tích Hòa giải, trong lời cầu nguyện bản thân với Thiên Chúa là rất quan trọng, nơi chúng ta cảm nghiệm được sự thật và sự dịu dàng của Người. Nghịch lý thay, kẻ ác cũng có thể nói sự thật với chúng ta: hắn là kẻ nói dối, nhưng hắn có thể sắp xếp mọi việc để hắn nói với chúng ta sự thật nhằm lừa dối chúng ta, nhưng hắn làm vậy chỉ để lên án chúng ta. Thay vào đó, Chúa cho chúng ta biết sự thật và đưa tay ra để cứu chúng ta. Chúng ta biết rằng sự thật của Thiên Chúa không lên án, nhưng thay vào đó chào đón, ôm ấp, nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta” (Patris corde, 2). Chúa luôn tha thứ: anh chị em hãy ghi nhớ điều này rõ ràng trong đầu óc và trái tim anh chị em. Thiên Chúa luôn tha thứ. Chúng ta là những người mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ. Nhưng Người luôn tha thứ, ngay cả những điều tồi tệ nhất.

Như thế, điều tốt cho chúng ta là soi mình chúng ta trong tình phụ tử của Thánh Giuse, một tấm gương phản chiếu tình phụ tử của Thiên Chúa, và tự hỏi liệu chúng ta có cho phép Chúa yêu thương chúng ta bằng sự dịu dàng của Người, biến đổi mỗi người chúng ta thành những người nam và người nữ có khả năng yêu thương theo cách này hay không. Nếu không có “cuộc cách mạng dịu dàng” này – cần phải có một cuộc cách mạng dịu dàng! – chúng ta có nguy cơ bị giam cầm mãi trong một công lý không cho phép chúng ta dễ dàng vươn lên và nó nhầm lẫn ơn cứu chuộc với sự trừng phạt. Vì lý do này, hôm nay tôi muốn đặc biệt tưởng nhớ đến các anh chị em của chúng ta, những người đang ở trong tù. Đúng là những người đã làm sai phải trả giá cho lỗi lầm của họ, nhưng điều cũng đúng là những người đã làm sai phải được chuộc lại lỗi lầm của mình. Không thể có các bản án mà lại không có các cửa sổ hy vọng. Bất cứ bản án nào cũng phải có cửa sổ hy vọng. Chúng ta hãy nghĩ đến anh chị em của chúng ta ở trong tù, nghĩ đến sự dịu dàng của Thiên Chúa dành cho họ, và chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, để họ có thể tìm thấy trong cửa sổ hy vọng đó một lối thoát để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Và chúng ta kết thúc bằng lời cầu nguyện sau đây:

Lạy Thánh Giuse, người cha dịu dàng,
xin dạy chúng con biết chấp nhận rằng chúng con được yêu thương chính ở điểm chúng con yếu nhất.

Xin cho chúng con đừng đặt trở ngại nào giữa sự nghèo khó của chúng con và sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa.

Xin khơi dậy nơi chúng con niềm khao khát tiếp cận Bí tích Hoà giải,
để chúng con được tha thứ và cũng có khả năng yêu thương dịu dàng anh chị em của chúng con trong hoàn cảnh nghèo khó của họ.

Xin gần gũi với những người đã làm sai và đang phải trả giá cho điều đó;
Xin giúp họ tìm thấy không những công lý mà cả sự dịu dàng để họ có thể bắt đầu lại.

Và xin dạy họ rằng cách đầu tiên để bắt đầu lại
là chân thành cầu xin sự tha thứ, cảm nhận được sự âu yếm của Chúa Cha.
Amen.

Người dịch: Vũ Văn An

Nguồn: http://vietcatholicnews.org/
_____________________________________________

Tóm tắt những lời của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến: Trong bài giáo lý tiếp tục của chúng ta về hình ảnh của Thánh Giuse, giờ đây chúng ta xem xét gương mẫu của Thánh Giuse về tình phụ tử và tầm quan trọng của nó trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Đặc biệt, trong các sách Phúc âm, Chúa Giêsu luôn lôi cuốn hình ảnh người cha trần thế khi nói về Cha trên trời và tình yêu của Ngài. Chúng ta đặc biệt thấy điều này trong dụ ngôn người con hoang đàng (x. Lc 15,11-32), không chỉ nói về tội lỗi và sự tha thứ, mà còn nói về tình yêu thương hàn gắn và cứu chuộc những mối quan hệ đã tan vỡ. Giống như đứa con hoang đàng, chúng ta cũng được mời gọi nhìn nhận tội lỗi và lỗi lầm của mình, nhưng cũng để thay đổi bản thân bởi vòng tay yêu thương của Chúa. Tình yêu thương dịu dàng của Thiên Chúa cũng được thể hiện qua sự tin cậy mà Ngài đặt vào chúng ta để thực hiện ý muốn của Ngài bằng quyền năng của ân điển Ngài, điều này hoạt động ngay cả qua những yếu đuối của con người chúng ta. Là Cha nhân từ, Thiên Chúa giúp chúng ta nhìn ra sự thật về chính mình, để làm cho chúng ta trưởng thành về thiêng liêng trong Đấng Kitô. Đó là lý do tại sao việc gặp gỡ tình yêu thương xót của Người trong các bí tích, đặc biệt là bí tích Hòa giải là rất quan trọng. Qua lời cầu bầu của Thánh Giuse, xin cho chúng ta học cách bước theo Chúa Giêsu Kitô và làm chứng nhân cho sức mạnh biến đổi của tình yêu thương thiêng liêng của ngài.

Series Navigation<< ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse, bác thợ mộcĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý: Thánh Giuse, người có những giấc mơ >>

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau