Chúa Nhật 3 Mùa Vọng: Điệu nhạc Jazz với món cà bát
“Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? “

New Orleans được dân Việt gọi là Ngọc Lân, thủ đô nhạc Jazz với những đại hội và những nhạc sĩ tên tuổi cỡ Louis Amstrong, Bessie Smith, Duke Ellington, Ornette Coleman, Wynton Marsalis… Loại nhạc này bộc phát từ những hứng khởi rung cảm trong tâm hồn hơn là những qui luật ước định. Người chơi nhạc Jazz hay thưởng thức nhạc Jazz đều cần phải mở cõi lòng “cá nhân chủ nghĩa” ra mà hòa vào nhịp sống chung.
Trong một xã hội mà mọi người bị xỏ mũi “không người lái” theo những tiêu chuẩn và nếp sống được qui định và có chỉ huy kỹ lưỡng đến phát nhàm chán, Ngọc Lân vẫn là một thành phố mang nhiều nét đặc sắc đáng chú ý, thu hút nhiều du khách sành điệu. Điều hấp dẫn chính là Ngọc Lân cống hiến được một lối nhìn và một lối sống khác với những gì đang gò bó nhốt giam con người trong xã hội này.

THỜI ĐIỂM MÁU NGHỆ SĨ CỦA NEW ORLEANS

Ở quảng trường Jackson trước nhà thờ chính tòa St Louis, bạn có thể lân la gạ chuyện với những tay nghệ sĩ thứ thiệt. Chung quanh là những quầy vẽ tranh, đủ mọi loại. Từ vẽ chân dung du khách ngồi tại chỗ, đến vẽ cảnh mấy con bồ câu đang sà xuống ngay chân người một cách hồn nhiên. Bên cạnh là mấy kệ xem chỉ tay tình duyên tướng số. Ở đây bạn mà mặc “lụa là gấm vóc” hay bộ đồ lớn với cà-vạt là thấy lạc lõng chẳng giống ai. Phía bên kia là đám chơi nhạc Jazz đang ca múa nhởn nhơ, xem chừng biết nếm được niềm sinh thú trong một xã hội quá đóng kín khép lại khiến mỗi ngày một nghèo nàn tinh thần ra. Ngọc Lân luôn “giầu có” sinh động với những đoàn diễn hành Mardi Gras, với những cuộc triển lãm tranh của những họa sĩ trường phái Ấn Tượng nổi tiếng nhất thế giới như Monet, Degas, với ngày mừng truyền thống Pháp, với đại hội nhạc Jazz, với những tiệm ăn Pháp sừng sỏ cỡ Antoine trong Khu Pháp Vieux Carré của French Quarter, với Superdome của đội banh Saints chơi cũng rất lè phè kiểu nhạc Jazz, với cầu xa lộ Causeway 24 dặm dài nhất thế giới vắt qua Biển Hồ, với Cầu Con Cò giơ tay bắt qua dòng Mississippi uốn lượn vòng quanh Phố Vành Trăng Lưỡi Liềm (Crescent City).

Ghé Café du Monde thưởng thức tách cà-phê Pháp thứ thiệt, bạn đừng hòng tìm được một cái gạt tàn thuốc lá. Cứ việc “tự nhiên” vất đầu thuốc xuống nền nhà rồi lấy chân giập đi; và cứ việc nói to thả dàn, không hơi đâu mà phải giữ kẽ e dè theo điệu “văn minh” một cách khổ sở như đám dân hạng nhất trên tàu Titanic. Uống cà-phê xong thì trời đã về khuya, bạn vẫn có thể ra bờ sông hóng gió nhìn con tàu Natchez có bánh xe đẩynước như trong truyện Mark Twain. Và bạn cũng có thể diễn tả hay hơn ông ta, vì đời sống ở đây gợi nhiều hứng thú lắm, ban đêm cũng như ban ngày, luôn có đông người thưởng ngoạn, đâu cần phải chi nhiều tiền với nhiều kiểu áo thời trang khiến phải lo phờ râu bạc tóc.

KHÔNG CẤT NỔI MÌNH MÀ BAY

Lối sống New Orleans chỉ là một điển hình. Điều quan trọng vẫn là biết nhìn và biết sống, không để bị áp đặt. Con người vào thời điểm 2000 tưởng rằng tự do tiến bộ nhất, thì lại đang bị xỏ mũi vào những dây xích mà tiếng thời mới gọi là sức ép xã hội, cái đà bắt phải đua tranh chộp giật. Riết rồi thấy buồn nôn. Vì thế mà tỉ số khùng điên và tự tử về quán quân, giới trẻ băng hoại nổi loạn muốn phá đổ cả một hệ thống chán chường, nhiều chứng bệnh bất trị xuất hiện do môi sinh bị ô nhiễm hủy hoại. Con người như thằn lằn cụt đuôi oằn oại giẫy giụa, vì tự cắt lìa khỏi dòng sống chẳng còn biết đâu nguồn cội, chẳng còn thấy hướng nào đi tới, chỉ còn biết sống một ngày như mọi ngày theo bản năng động vật mang mặt người. Trong lúc cưa mình vào ngàn năm mới, mỗi người đều bị cột ghì xuống như những con hạc chạm trổ đẹp mã theo mẫu sẵn ở những mái đình mà ca dao Việt đã cảm nghiệm sâu xa:

Em như con hạc đầu đình
Muốn bay không cất nổi mình mà bay.

TRUY TẦM CHẤT MÁU VIỆT

Và bây giờ thì du khách Mỹ thích tìm đến các làng Việt Nam vùng New Orleans để truy tầm nét văn hóa ẩn mật của dân Việt: tại sao với bằng ấy khổ nạn mà người Việt ít bị điên?

Rõ ràng là mỗi dân tộc đều mang một chất máu riêng biệt. Dân Đức, dân Nhật có máu hiếu thắng ta đây phải đè đẹp thiên hạ, nên tiến bộ vênh vang, mê làm quên ngủ quên ăn, miễn là phải hơn, phải thắng. Máu Ý thì trọng nghệ thuật nên xem ra thích ăn nhậu lè phè hưởng đời. Máu Mỹ dòng chính Hồng Mao Anglo-Saxon thì ưa thực dụng chộp giật cho lợi tức gia tăng. Máu Tàu cũng rất thực tế buôn bán giỏi. Máu Ấn và Tây Tạng lại thích siêu thoát hơn bon chen vật chất v.v. Vào thời điểm 2000, ai hơn ai kém, ai khôn ai dại, ai cường quốc ai tiểu nhược, khó mà phân biệt được. Chỉ biết giá phải trả cũng đã quá đủ rồi!

Vậy còn máu Việt mang chất gì? Các nhà xã hội và văn hóa Việt thường tìm cách chứng minh một điều: dân mình cũng ngon vì có gốc lớn, văn hóa mình cao tới bốn ngàn năm lẻ, người mình anh hùng yêu nước thắng Tàu, thắng Tây, thắng Nhật, tiện thể thắng luôn cả Mỹ, bây giờ nó thấy nước mình hết xẩy, nó lại phải trở lại đòi buôn bán với mình! Nước mình đẹp đẽ gấm vóc minh châu trời Đông, cộng đồng Việt Nam hải ngoại chói chang thành tích, không hơn thiên hạ thì ít ra cũng phải bằng!

Nhưng một hôm đang đọc Sao Có Tiếng Sóng của Võ Đình về Một Món Tết Mặn Mà, tôi bỗng xúc động với những lời rất chân thực: “Tôi đã lầm tưởng là tôi yêu quê hương và dân tộc tôi qua những danh lam thắng cảnh, qua những áng văn trác tuyệt, những điệu nhạc diễm kiều, những thiên sữ lẫm liệt… Thì ra tôi yêu dân tộc tôi ở chỗ dân tộc tôi nghèo nàn cơ cực. Xơ xác nhọc nhằn bao nhiêu thế kỷ mà quê hương tôi vẫn còn. Nghèo nàn cơ cực suốt tháng mà dân tộc tôi vẫn sống. Sự sống còn này, tôi tin tưởng, có khả năng vượt qua tất cả biến cố, hóa giải tất cả đổi thay. Và cười vào mặt những kẻ như tôi chỉ biết cầm cây cọ trong tay để ca ngợi quê hương dân tộc. Mà quê hương và dân tộc tôi thì cứ sống còn, bất cứ tôi còn đó hay tôi đã đi. Anh phu xe đạp xích lô, chị đàn bà vớt bèo, những người muôn năm cũ…” (trang 236)

DÒNG LỰC TÌNH, DÒNG SINH MỆNH VIỆT TỘC

Yêu quê hương dân tộc mà lại ở món cà bát dằm nước mắm tỏi do Doãn Quốc Sỹ đãi, ở những cọng rau dền chấm nước ruốc kho tôm ớt của một chị hàng xóm nhà nghèo tỏ tình thương mến ngày về thăm quê. Thì ra sức mạnh và niềm hãnh diện của dân tộc tôi nằm ở chỗ ẩn mật quá. Đó là dòng lực tình. Qua bao oan nghiệt, nghèo khổ, đắng cay, đầy đọa, dân tộc tôi kiên trì nhất định bám vào dòng sinh lực này, phát nguyên từ Nguồn Tình Miên Viễn làm nên Đạo Trời, mà cũng là căn bản của Đạo Hiếu. Cành cây còn bám vào thân cây, vào gốc rễ, thì con xanh tươi. Thân cây là ông bà, dòng tộc. Gốc rễ tận cùng là chính Chúa Trời, Nguồn Sức Sống.

Chẳng lạ gì mà một linh mục người Ý là Đỗ Minh Trí (Dominici), trong Việt Nam Quê Hương Tôi, lại nhận ra một điều rất lạ khi phục vụ người tỵ nạn tại những trại tạm cư ở Thái Lan, Mã Lai và Nam Dương: “Tôi nhớ vào năm 1979 ở Kuku, các bác sĩ người Pháp đã rất kinh ngạc vì số lượng rất thấp của những căn bệnh rối loạn tâm trí giữa một số lượng đông đảo người tị nạn đang sống trong một tình trạng bi đát. Tôi tin rằng sở dĩ có được điều này là do cái tâm tính vui vẻ và thơ thới…” (trang 27).

TIN VUI HÀI HÒA NÉT VĂN HÓA VIỆT

Đây chính là chất nhiễm thể di truyền trong máu mỗi người Việt, qua bao ngàn năm, qua bao thế hệ, qua bao thăng trầm, kể cả những lúc bị vùi giập nhất. Chính là chất mầu dung hóa được mọi sự, biến chế được mọi đối nghịch như những dấu nhạc bổng trầm của một bài hát, như những tím xanh đỏ vàng làm nên cầu vồng rực rỡ cuộc đời, như những nhịp điệu vòng lượn của một khúc vũ như được diễn trên những nét nhà mái cong hài hòa nét vuông nét tròn.

Con mắt thấy này chính là niềm tin của Việt tộc, khai mở một nhãn quan mới, một giá trị mới về cuộc đời theo một tiêu chuẩn mới. Niềm tin này thật hài hòa với niềm tin Đạo Chúa, có sức vượt qua tất cả mọi tật nguyền: mù, què, câm điếc. Vì cái chiến lược cơ bản của người Việt để đối diện với cuộc sống thật là lạ lùng, ẩn mật quá, lấy nhu thắng cương, nhất định chọn sức mạnh của chữ tình, của cõi trống chân không diệu hữu.

Hoài hơi mà đấm bị bông
Nó xẹp bên nọ, nó phồng bên kia.

Vì thế mà mở đầu Tin Mừng là tiếng vọng từ sa mạc với một người xuất hiện, là Gioan Tiền Hô, với một lối nhìn và một lối sống rất ngược với những tiêu chuẩn đương thời: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một câysậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xemgì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua.” (Mt 11:7-9).

PHÚT TỊNH TÂM

Kho Trời thì lồng lộng đã mở ra sẵn sàng cho cuộc nhân sinh. Vậy mà mình thì chỉ mải mê đầu tắt mặt tối, đánh mất luôn cả vẻ đẹp cuộc đời. Tát nước bên đàng hay đi cầy thêm giờ vác đồ siêu thị, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm trầy da tróc vảy, chẳng còn biết trời trăng mây nước gì nữa, đổ phí cả những gì trân quí nhất là sự hiện hữu trên mặt đất này! Hôm nay mình bỗng giật mình nghe được tiếng vọng mộc mạc từ sa mạc tĩnh lặng hay từ đồng quê đất Việt nhắn nhủ với một cung điệu rất nên thơ:

Cô kia tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

Trích “Tiếng Sáo Ân Tình”
Lm. Dũng lạc Trần Cao Tường

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau