Christopher Reeve

Christopher Reeve (1952 – 2004) là một diễn viên kiêm đạo diễn điện ảnh nỗi tiếng tại Hoa Kỳ, đặc biệt với bộ phim Siêu Nhân (Superman) đã làm cho tên tuổi anh được nhiều người chú ý và cảm mến. Tuy nhiên, vào ngày lễ Tưởng Niệm năm 1995, Christopher bị ngã ngựa; hậu quả là cổ anh bị gãy và khó thở. Một Siêu Nhân giờ đây phải đối diện với phận người giới hạn và bị bại liệt. Tuy nhiên, trong cuốn tự truyện của anh, anh đã cho người đọc thấy giá trị tự do chọn lựa bằng thái độ đáp trả với hoàn cảnh qua dòng suy nghĩ của anh: “Tôi nghĩ người anh hùng thật sự là những con người bình thường, họ tìm được sức mạnh để chịu đựng trước những gian khổ thách đố mà họ gặp phải.”[1]

Thay vì là ‘tại sao’ ta nên bắt đầu bằng ‘làm thế nào.’

Thường khi chúng ta đối diện với một hoàn cảnh khó khăn trong đời, ví dụ như hoàn cảnh của Christopher Reeve, thái độ thông thường chúng ta hay phản ứng là một loạt câu hỏi “tại sao.” Tại sao tôi phải chịu số phận này? Tại sao con người tôi đã hành động xấu như thế? Tại sao tôi đã có lời nói thiếu kiểm soát như vậy?… Cứ như thế, hết câu hỏi “tại sao” này lại đến cấu hỏi “tại sao” khác. Câu hỏi “tại sao” có thể giúp ta tìm giải pháp cho những vấn đề về khoa học kỹ thuật, nhưng nó không thể giúp ta giải quyết được vấn nạn của cuộc đời. Thực tế cho thấy, dường như càng cố hỏi “tại sao” thì càng thấy bế tắc tìm câu trả lời cho nó. Càng cố tìm hướng trả lời cho câu hỏi “tại sao” thì càng nhìn mình và lấy mình làm trung tâm. Càng lấy mình làm trung tâm thì càng bị lệ thuộc và nô lệ cho cái tôi của mình. Lấy mình làm trung tâm một cách nào đó là biểu hiện sự thiếu tự do đích thực. Chính vì lẽ đó, thay vì là hỏi “tại sao” ta nên đặt câu hỏi “làm thế nào?”

Viktor Frank, một tù nhân của Đức Quốc Xã đã chia sẻ: “Khi mọi thứ đã bị tước đoạt… thì có một điều cuối cùng của một nhân vị mà không ai có thể tước đoạt được – đó là sự tự do – tự do để chọn lối suy nghĩ.”[2] Nghịch lý, nhưng chí lý với suy nghĩ của Viktor Frank!

Cuối cùng, tự do chọn lối suy nghĩ là điều không ai tước đoạt khỏi con người của ta được. Sự tự do ấy có thể áp dụng ngay trong câu hỏi, thay vì là “tại sao,” ta có thể hỏi “làm thế nào” để tôi đáp trả hoàn cảnh này? Một tù nhân mà cứ loay hoay hỏi “Tại sao tôi bị bắt, tại sao tôi phải ở đây, tại sao tôi đã hành động như thế, tại sao tôi liên lạc với người đó,…?” thì cứ tiếp tục bị bế tắc trong nhà tù. Nhưng nếu tù nhân đặt câu hỏi “Làm thế nào để tôi ra khỏi đây sớm hơn, khoẻ mạnh, bình an ngay trong phòng giam này.” Điều này sẽ giúp anh ta được giải thoát ít nhất là không bị quẩn trí với những hoàn cảnh tiêu cực mà mình đang đối diện trong nhà tù. Đó chính là sức mạnh tự do chọn lối suy nghĩ mà không ai có thể tước đoạt khỏi chúng ta được.

Tương tự như thế, khi đã đối diện một căn bệnh, thay vì là câu hỏi “tại sao” chúng ta nên bắt đầu bằng “làm thế nào” – Làm thế nào để tôi phục hồi sức khoẻ tốt hơn. Khi bị cô đơn ruồng bỏ bạc tình, chúng ta đừng nên hỏi “tại sao” mà nên là “tôi cần đáp trả hoàn cảnh này như thế nào?” Khi bị thất nghiệp, khi bị chê cười, khi bị thất bại, đừng nên hỏi “tại sao” nhưng là “làm thế nào để tôi đáp trả lại hoàn cảnh này tốt nhất.” Khi bị vấp ngã, yếu đuối lỗi tội đè nặng trong tâm hồn, ý niệm “tại sao” sẽ dẫn ta vào ngõ cụt chính ta không lối thoát, nhưng với ý niệm, “với thân phận yếu đuối của tôi, làm cách nào để tôi vẫn phụng sự Chúa và phục vụ anh em tôi” sẽ giải thoát chúng ta khỏi ngục tù của chính mình.

Thưa bạn, cũng như Christopher Reeve, ai trong chúng ta lại không gặp khó khăn, bệnh tật, thất bại, yếu đuối? Nếu cứ loay hoay tìm câu trả lời cho vấn nạn “tại sao” chúng ta sẽ kiệt sức và bỏ qua biết bao cơ hội giá trị đẹp trong đời. Khi bị lấy đi tất cả, mất đi tất cả, điều cuối cùng chúng ta vẫn còn đó là sự chọn lựa được bắt đầu từ lối suy nghĩ – thay vì là “tại sao?” ta nên bắt đầu bằng “làm thế nào?”

Br. Huynhquảng


[1] Alex Pattakos. Prisoners of Our Thoughts: Viktor Frankl’s Principles for Discovering Meaning in Life and Work (Kindle Locations 535-538). Kindle Edition.

[2] Alex Pattakos, (506-506).

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau