Tin Vui 29B – THỜI ĐIỂM TIẾN SĨ TÌNH YÊU

Nhịp sống bây giờ vội quá. Cái gì cũng vội. Đồ ăn thì sài “fast food.” Ăn tay cầm. Mì ăn liền. Cà phê uống liền. Yêu cũng đòi yêu liền, yêu vội, nên dễ bể vội. Phải cưới vội, cười vội, đi vội, chạy vội, nói vội, uống vội, ăn vội. Đứng mà ăn. Vừa chạy xe vừa ăn. Không có giờ để hưởng thú cái đang ăn, miễn là ăn cho xong, để còn phải làm việc, để còn phải lo chuyện sắp tới.

Nhưng nhanh quá lại hóa ra ứ luôn. Vùng Los Angeles nhiều xa lộ vậy mà mỗi ngày mỗi kẹt xe thêm, nhất là vào những giờ ban chiều tan sở. Thường phải xếp hàng mà bò như đi như rước kiệu vậy. Một người bạn mỗi ngày đi làm về thường chờ đi chung xe với một người quen khác làm gần đó. Một hôm có chuyện gấp phải về nhà ngay mà xem chừng đi xe thì sẽ lâu hơn, nên anh ta bèn cuốc bộ cho chắc ăn, không có cách nào báo điện thoại cả. Người quen chờ mãi không được thì cũng đành lái xe một mình về. Và khi được biết là anh bạn cũng đã về nhà trước đó nửa giờ, thì bèn có lời trách. Anh bạn trả lời một cách tự nhiên:

– Vội quá, mình phải đi bộ về, sợ đi xe thì không kịp.

Buồn cười chưa? Đúng là đi bộ nhanh hơn đi xe là vậy. Ai cũng đang chạy ra ngoài, cũng đang cố tìm một cái gì. Mọi người như đang hăm hở chạy đuổi bắt một cái gì mà chẳng ai nhận rõ nét. Cuộc sống là ở trên đường phố, là ở sở làm, là ở trung tâm buôn bán, là ở các tiệm thời trang… Ít còn giờ để ở nhà. Cái nhà không còn là “nhà tôi” như ngôn ngữ Việt nói về vợ về chồng mình nữa.

KHI 700 NGÀN ÔNG CHỒNG ĐẤM NGỰC

Ngày thứ bẩy, 4 tháng 10 năm 1997, 700 ngàn các “đức ông chồng”  tuổi trung bình khoảng 37, đã tụ về thủ đô nước Mỹ để làm một cuộc sám hối tập thể. Một chuyện thật lạ. Nhiều người thấy rõ trên TiVi và báo chí đám đông nghẹt trước tòa nhà quốc hội dài như bất tận, thuộc đủ mọi thành phần, nghề nghiệp, trắng có, đen có, vàng có… Ông Dale Schlafer trưởng ban điều hành trong ngày đã phát biểu:

“Chúng tôi tụ họp không để chỉ tay đổ tội cho xã hội, không để lên án chính phủ. Chúng tôi tụ họp để nhận thức rằng vấn đề là ở chúng tôi, những người chồng trong gia đình. Chúng tôi đến đây để xưng thú tội lỗi”.

Đúng vậy. Những người làm chồng từ khắp các tiểu bang trên nước Mỹ tụ họp để nhận lấy trách nhiệm của mình trong cuộc phục hưng cả một xã hội luân lý suy đồi và hỗn loạn do việc bỏ bê nhà cửa, làm tan tác gia đình. Vì ai cũng phải vội vã đi kiếm tiền thêm, không còn giờ cho người nhà.

Chị Suzie Hill, 29 tuổi, bế con theo để ủng hộ chồng là Jeff, một kỹ sư, cùng đến từ Alabama. Chị thật cảm động khi thấy chồng nói rõ: “Anh ý thức rằng công việc ở sở không quan trọng bằng gia đình”. Anh không muốn nhận những công tác phải đi xa gia đình nữa. Anh cố gắng về nhà sớm mỗi ngày để ăn chung với vợ con. Anh để giờ săn sóc vợ con, cùng làm những việc lặt vặt trong nhà, để giờ chơi với con và đọc truyện cho con trước khi chúng ngủ. Chị đã quyết định bỏ việc làm y tá phụ để dành toàn thời giờ làm ấm áp gia đình. Chị nghĩ việc này mới đúng là một “dóp full-time” mà người vợ nào cũng phải làm đơn xin: nghề biến nhà mình thành tổ ấm yêu thương.

Tổ chức trên được mệnh danh là “Những Người Giữ Lời Hứa” (Promise Keepers), do một cựu huấn luyện viên chơi banh là Bill McCartney khởi xướng. Đã bắt đầu từ 6 năm trước đây với buổi họp mặt đầu tiên tại Boulder, Colorado, với 4200 ông chồng. Rồi từ đó lan ra nhiều tiểu bang. Và cuộc đứng dậy “cách mạng” xã hội và gia đình hôm nay có tầm mức quan trọng cho thời điểm thế giới, không bằng gậy gộc liềm búa và đĩa bay, nhưng bằng một cuoc hoán cải nội tâm sâu xa: tìm về nhà, tìm về với Chúa, mở hướng tới một thời điểm một cuộc tụ họp vĩ đại khác vào ngày đầu tiên của thiên niên thứ 3: ngày 1 tháng 1 năm 2000.

Bà Gloria Quinones ở vùng East  Harlem bang New York bỏ việc luật sư 74 ngàn Mỹ kim mỗi năm để có giờ ở nhà săn sóc hai đứa con và nhà cửa. Bây giờ thì cả nhà sống bằng lương chồng. Bà cho biết bây giờ không còn nhiều tiền để mua sắm những bộ áo thời trang, nhưng “tôi đâu cần tới nó nữa, tôi đã bẻ gẫy được cái vòng xích luẩn quẩn, tôi sẽ không trở lại lối sống đó nữa”. Bà ta cảm thấy sung sướng và thoải mái hơn. Và cảm thấy được tự do hơn, không bị các thứ lệnh vô hình bắt phải đua chen theo đà sức ép bên ngoài. Bà chọn làm vừa lòng chồng con và làm đẹp ấp áp cửa nhà, hơn là cứ ra sức chạy theo làm vừa lòng sức ép để được coi là giống ai.

THỜI ĐIỂM NÀO TỪ VỤ TÔN PHONG TIẾN SĨ?

Ngày 19 tháng 10 năm 1997 nhằm Ngày Truyền Giáo của Hội Thánh Công Giáo, và cũng là dịp kỷ niệm 100 năm thánh Têrêsa Hài Đồng qua đời, Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô II tuyên phong thánh nữ làm tiến sĩ  Hội Thánh. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng là vị thánh tiến sĩ thứ 33 của Hội Thánh, và nếu chỉ kể riêng các thánh nữ tiến sĩ thì là vị thứ ba. Hai vị kia là Thánh Têrêsa Cả và thánh Catarina. Việc tôn phong tước vị này nhằm vào thời điểm 2000 là một câu trả lời cho thời đại. Giữa lúc con người mệt mỏi vì đời sống mỗi ngày mỗi phức tạp và ứ đọng chưa biết tìm đường nào mà thoát ra được, Hội Thánh Công Giáo giới thiệu một lối nhìn và một lối sống thật giản đơn và gần gũi mà ai cũng theo được, một lối vui sống đẹp, dù bất cứ gì. Xét cho đến cùng, đây là lại một “học thuyết” đúng điệu tiến sĩ nhất.

Nền văn minh này sản xuất được quá nhiều tiến sĩ, thuộc đủ mọi ngành: luật khoa, y khoa, triết học, thần học, tu đức, kiến trúc, tâm lý, điện tử, điện toán, vật lý, hóa học, quản trị xí nghiệp, tài chánh, thương mại … Rồi trong số những bác học lỗi lạc, một số được tuyên dương cao độ qua giải Nobel. Nhưng rồi cuộc sống xem ra lại quẩn thêm với quá nhiều chủ trương lớn. Mà có ngành quan trọng nhất thì chưa mấy ai chuyên: ngành xây nhà hạnh phúc, ngành xây tổ ấm yêu thương. Hội Thánh đã thành lập phân khoa này, và “bổ nhiệm vị khoa trưởng” cho ngàn năm mới: tiến sĩ Têrêsa, Bông Hoa Nhỏ, với con mắt khám phá ra phép lạ đời sống từ những nhỏ bé tầm thường. Con mắt khám phá ra Chúa là:

Người Yêu đang đến đây rồi,
Nhảy băng qua núi  qua đồi như nai
(Kinh Thánh Diễm Tình Ca).

Những gì xem ra nhỏ bé, dù một loài hoa không tên, cũng vẫn là những dòng sinh lực tỏa hương thơm ra bốn hướng, tuôn chảy thành trùng dương, thành suối thác ân tình.

Một loài hoa không tên, không sắc không hương
Mà như lòng tôi, lộng lẫy thơm lừng, tỏa ra bốn hướng.
Một ngọn suối không tên, bé nhỏ ngoan hiền,
Mà như lòng tôi, nổi sóng lên đường, thành bốn trùng dương.
Và lòng tôi không tên, như suối, hoa tiên.
(Phạm Duy)

TIN VUI SỬA SOẠN NHẬN BẰNG TIẾN SĨ

Cuộc sống thánh nữ Têrêsa bình lặng quá tưởng chừng chẳng có gì để nói. Khi qua đời vào năm 1897 lúc mới 24 tuổi, thánh nữ cũng chỉ để lại một số trang bút ghi những cảm nghiệm nhỏ qua những chuyện thường ngày như giặt quần áo, quét nhà, vào nhà nguyện, nhìn ngắm bầu trời ban đêm đầy sao… gọi là “Truyện Mùa Xuân Bông Hoa Nhỏ” xem ra chẳng có gì đặc sắc. Một hôm nằm bệnh sắp chết, thánh nữ nghe một chị xì xào: “Têrêsa Hài Đồng sắp chết rồi. Chị ấy qua đi không biết mẹ bề trên phải nói chuyện về chị làm sao. Chắc mẹ sẽ lúng túng lắm, vì chị ấy đáng yêu thì đáng yêu thật, nhưng chị chẳng làm nên truyện gì đáng nói”.

Vậy mà người nữ tu trẻ Têrêsa đã khai mở được con mắt “tiến sĩ” thứ thiệt để thấy được Chúa Tình Yêu đang hiện ra, đang đong đầy muôn kỳ diệu qua chính những tầm thường nhỏ bé, qua cả những nghịch cảnh tím đen. Tin Vui tuần này của Chúa Giêsu “bật mí” cái chìa khóa mở vào phân khoa xây nhà hạnh phúc như thế: Ai muốn làm lớn và hưởng được vinh quang thì hãy trở thành nhỏ bé, có thể uống được chén đắng và chịu bị gột rửa. Vì có gì phải tìm đâu. Chỉ cần mở mắt thì nhận ra mọi sự đã sẵn đó do Chúa Trời bày biện.

“Người mở ra trước mắt con cuốn sách thiên nhiên là phong cảnh trời đất. Ngắm cảnh thiên nhiên, con nhận thấy rằng tất cả những hoa Chúa dựng nên đều xinh đẹp hết: mầu thắm hoa hồng  và sắc trắng tinh  hoa huệ, cũng không át được mùi hương hoa tím, cũng không làm mất vẻ đơn sơ xinh đẹp của loài hoa cúc. Phải rồi, nếu tất cả những hoa nhỏ xíu ấy lại muốn làm hoa hồng cả, thì cảnh thiên nhiên sẽ mất vẻ đẹp lý thú mùa xuân, các cánh đồng sẽ chẳng còn muôn hoa rực rỡ nở… Những linh hồn ngây thơ chất phác này chính là những hoa nở ngoài đồng, mà vẻ đơn sơ mộc mạc làm say lòng Chúa, và bởi sự tự nhún nhường ấy, Chúa đã tỏ uy quyền cao cả vô cùng của Chúa ra”.

Đây chẳng phải là con đường giản đơn nhất và ngắn nhất để đạt tình yêu hạnh phúc sao? Con đường này cũng chẳng phải leo núi bẩy tầng hay đi vào lâu đài năm tầng. Vì như thế cũng còn phải vất vả lắm. Con đường của vị thánh trẻ là con đường đi bằng thang máy, tín thác vào thần lực Chúa.

“Chúng ta đang sống vào thời nhiều phát minh, không còn phải vất vả leo cầu thang nữa, vì trong nhiều nhà đã có thang máy thay thế thật tiện. Tôi muốn tìm được thang máy để đưa tôi lên với Chúa Giêsu, vì tôi quá nhỏ để leo cầu thang kham khổ mà lên đỉnh trọn lành”.

Nhãn quan của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng đã làm Mẹ Têrêsa Calcutta xác tín, vì thế Mẹ đã nhận thánh nữ làm “sư mẫu” khi khấn dòng, và từ đó mang tên là Têrêsa. Và cuộc đời của Mẹ Têrêsa cũng đã thực sự thể hiện nhãn quan tình yêu và tín thác trên như lời Mẹ nói: “Thánh nữ Bông Hoa Nhỏ là một mẫu gương lạ lùng nhất, làm những việc nhỏ với một tình yêu lớn, làm những việc bình thường với một tình yêu phi thường. Đó là lý do Ngài đã trở thành vị thánh lớn”.

Biến cố 700 ngàn ông chồng muốn tìm về nhà và đi vào nội tâm là một dấu chỉ thời đại trong lúc cựa mình bước vào năm 2000. Đó là khi con mắt khám phá ra kho tàng hạnh phúc nằm ngay trong nhà mình, nơi những người thân yêu đời mình. Chỉ cần bằng lòng gột rửa con mắt đang bị che mờ. Ai khám phá ra con mắt này thì đều có thể sửa soạn lãnh bằng tiến sĩ cuộc đời đấy. Bằng này mới là bằng thứ thiệt, như Chúa Giêsu đã “cấp bằng” khi cầu nguyện:

“Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Luca 10:21)

Vâng, con tin nhận Tin Vui của Chúa. Và từ hôm nay, con ghi danh vào phân khoa xây dựng tình yêu hạnh phúc ở ngay trong nhà con, qua những việc nhỏ bé biểu lộ tình thương, trân quí mọi sự, biến những màu sắc khác nhau của cuộc sống như tím xanh đỏ vàng, là buồn vui đắng ngọt, thành vườn hoa tươi thắm tình nồng. Xin gột rửa con khỏi những màn chắn u mê, để mở được con mắt thần khám phá ra những lạ lùng như  lời ca của vị “khoa trưởng” tiến sĩ  Bông Hoa Nhỏ:

Con là một loài hoa
Trong muôn loài hoa nở gần xa,
Xin hát ca dâng Người
Một bài ca chan chứa niềm vui.
Một bài ca tri ân,
Một bài ca dâng Chúa từ nhân,
Hoa đâu dám chi khoe mình
Nhờ hồng ân hoa mới đẹp xinh.

 

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường
Nguồn: chungnhanduckito.net

Leave a comment

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài trước Bài sau